Lơ xe ngựa
Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:16, 10/06/2014
Minh họa: VĂN HÀ
Cái tên Tốt-râu nghe có vẻ rất Tây này là bố Hãn thường gọi đùa Duệ, bởi anh dù còn nhỏ tuổi cỡ Thúy nhưng trên gương mặt ngăm ngăm đen lại có bộ râu quai nón rậm rì như râu dê. Duệ là người Chăm, thường cắt cỏ ngựa cho bố Hãn ở bên dốc Lầu Ông Hoàng, cách nhà cha con cô một đồng cỏ mênh mông. Đứng từ nhà Thúy nhìn sang thấy nhà anh nhỏ như một món đồ chơi xinh xắn gắn vào triền đồi. Ấy là lúc nắng lên, còn sớm ra hay chiều xuống, “món đồ chơi” ấy thường khi lẩn khuất vào đám sương mù bảng lảng vắt từ đó xuống con đường dẫn về thành phố dưới xa. Thúy chẳng hiểu sao nhà anh lại ở một nơi cách xa cộng đồng của mình đến vậy. “Hay là lưu luyến với đôi tháp Chàm, không nỡ bỏ mình nó trơ gan cùng tuế nguyệt?”. Có lần Thúy hỏi vậy, Duệ chỉ cười thật thà. Hai lằn râu quai nón của anh theo nụ cười động đậy. “Chỉ là để tiện nuôi dê thôi mà!”. Nhà anh nuôi dê chuyên nghiệp và anh kể cả nhận chăn thuê thêm, có đến hàng đàn. Chẳng thế tuy còn trẻ anh lại có tiếng nhiều kinh nghiệm và khá “mát tay” trong việc chăn dắt đàn “râu quặp” này. Hai người quen cũng từ những lần anh thả dê và cô đi cắt cỏ ngựa thường gặp nhau phía sau triền đồi.
Triền đồi phía sau nhà Duệ xoải dài mãi đến nhà Thúy là một thảo nguyên mênh mông, đôi chỗ bị phân cách bởi những chòm mả vôi cũ kỹ và mấy nghĩa trang nho nhỏ của các dòng tộc nào đó. Những buổi chiều, sau khi đã cắt đủ số cỏ chỉ cho vào hai bao xác rắn cho ngựa, Thúy thường cùng Duệ ngồi chơi trên mấy cái mả vôi cũ rích này. Khi ấy hoặc cùng nhau chơi chọi cỏ, đá cầu hay nghe Duệ kể về cổ tích Chăm của dân tộc mình. Cũng có khi Thúy lại kể cho anh nghe chuyện về lớp, trường học cô. Những sinh hoạt quá thường với Thúy nhưng lại lạ lùng, thích thú với Duệ vì anh đã thôi đến trường từ lâu. Thi thoảng những chiều vì không có trò gì để chơi, chẳng chuyện gì để nói, hai đứa lại ngồi lặng nhìn hoàng hôn xuống dần trên thảo nguyên với những đợt gió làm nhấp nhô lớp lớp cỏ đồi và dăm vạt nắng cuối ngày lưu luyến chia tay trên mấy cành hoa mua tím màu hoang dại. Theo ráng chiều, thành phố hào hoa với lô nhô cao ốc phía dưới xa lấp lóa sáng lên trong màu trời sắp lặn. Thành phố, bao giờ nhìn về nơi ấy mặt Duệ cũng mênh mông buồn. Thúy rất ngại nhìn vào đôi mắt sâu đen có hai hàng mi vừa dài vừa cong vút ấy. Thành phố, điều đó có nghĩa là nơi Thúy sắp phải xuống trọ học. Thành phố, có nghĩa là Duệ và Thúy sẽ không còn đâu những chiều lang thang, nhơ nhởn như bầy dê trên sườn đồi này. Thành phố, có nghĩa là… “Thúy đi xuống dưới học, chắc chẳng bao giờ về lại đây đâu nhỉ?”. “Duệ đừng nói bậy! Chẳng lẽ Thúy bỏ bố Hãn một mình ở đây sao?”. “Nhưng… dưới ấy vui và… xa quá!”. “Xa thì có xe ngựa của bố Hãn mà, ngày nào cũng xuống, thót lên cái là về ngay”. Duệ “đuối lý” nhưng đôi mắt thì như linh cảm nào đấy vẫn mênh mông buồn. Những hôm như vậy có khi giật mình ra, đàn dê đã kéo nhau bỏ về chuồng từ lúc nào, chỉ còn lại hai đứa trong bóng chiều chạng vạng.
Lật bật mà ngày Thúy phải xuống thành phố học đã đến. Cái ngày Duệ sợ cứ như là Thúy đi lấy chồng không bằng. Buổi tối, như thường lệ, nấu ăn xong Thúy lại ra đường để đón xe ngựa bố Hãn về. Xe ngựa bố Hãn chuyên chở những người chạy chợ, cá mắm từ làng chài Rạng vào thành phố. Ngày hai chuyến, bốn lượt đi về. Ông ra đi từ lúc khuya, ăn trưa vạ vật đâu đó theo xe, và thường về nhà vào khoảng chín, mười giờ tối. Lâu đêm thành lệ, Thúy thường ngồi ở đầu dốc này nhìn sang dốc phía nhà Duệ, nơi mà cây đèn chai treo trước mui xe của bố Hãn rồi sẽ ló ngọn lên, lắt lay gần dần theo trớn phi của ngựa. Lúc ấy Thúy mới reo lên và chạy về phía nó.
Đêm nay Thúy lại ngồi nơi đầu dốc đón bố. Và cũng thành lệ trong lúc chờ ngọn đèn chai ló lên, mắt Thúy thường hay ghé lại ngôi nhà nhỏ bé của mẹ con Duệ bên sườn đồi. Nơi ấy, chỗ cửa ra vào với ánh sáng vàng vọt của cây đèn tọa đăng hắt ra, nếu kiên nhẫn một chút thế nào Thúy cũng thấy Duệ được vài ba lần trong một đêm chờ bố. Nhà chỉ hai mẹ con nên Duệ có biết bao chuyện phải làm cũng như chăm sóc đàn dê của mình, nhất là về đêm. Có tối Thúy cố căng mắt nhìn xem Duệ đang làm gì với con dê con của mình. Mãi đến khi nhìn lại, ngọn đèn xe ngựa đã trồi lên tự đời nào ở chân dốc bên này. “Con gái đón xe chỉ là cớ, còn cái chính bố biết là để nhìn Tốt-râu thôi mà!”. Thúy đỏ mặt đấm vào lưng bố Hãn một thôi một hồi trong khi ông khoái trá cười ha hả. “Chỉ có động đến thằng râu quặp đó, bố mới được con gái đấm lưng cho một cách tích cực như vậy!”.
Bây giờ mắt Thúy lại đậu vào ngôi nhà bé nhỏ bên sườn đồi, khi đầu con dốc vẫn chưa hứa hẹn có dấu hiệu gì ló lên của ngọn đèn chai xe ngựa. Nhìn mãi vào ô sáng đèn mà cô chẳng thấy Duệ đâu. Duy chỉ cái dáng nhỏ nhắn của bà Phạ - mẹ anh thỉnh thoảng lại đi ra, đi vào. Chẳng biết Duệ đi đâu mà giờ này lại không có nhà? Do bận bổ túc hồ sơ nhập học, đã mấy ngày nay Thúy không gặp anh. Phần cỏ có lẽ Duệ đã để ở ngã ba cho bố Hãn ngang qua lấy mỗi khuya đi hay tối về, nên chẳng thấy đem đến tàu ngựa sau nhà. Ngồi một lát, lòng bồn chồn và ánh trăng trung tuần sáng vằng vặc mời mọc, Thúy đứng lên, tần ngần đi lần về phía con dốc nhà Duệ. Đêm mát mẻ. Đâu đó từ mấy lùm cây bên vệ đường thoảng nhè nhẹ ra mùi hương ổi tàu gợi nhớ đến những đêm trăng Thúy, Duệ cùng mấy nhỏ tận dưới Phú Hời lên chơi trốn tìm. Những viên sỏi nhỏ nghe lạo xạo dưới chân cô. Có tiếng vạc ăn sương kêu như miết thiếc vào đêm trăng vọng qua từ bên kia sườn đồi.
“Bố con cưỡi ngựa đến bảo xe làm sao chỗ ngã ba dốc Hời và thằng Duệ lấy xe đạp đi rồi!”. Nghe bà Phạ nói thế, Thúy lật đật chạy xuống dốc Hời. Từ xa cô đã thấy chiếc xe ngựa đậu lù lù, bất động bên vệ đường. Thấp thoáng có bóng người và ngọn đèn chai dưới gầm xe. Con Ô đang thong thả đứng gặm cỏ cách đó không xa. Có tiếng bố Hãn hỏi tới từ phía dưới thùng xe tối om:
- Thúy hả con?
- Dạ! Xe sao vậy bố?
- Xẹp lốp! - Bố Hãn nói kèm theo cái rặn “ì… è…” dường như đang vặn gì dưới đó.
Thúy nhìn quanh, chẳng thấy Duệ đâu.
- Sao dì Phạ nói Duệ cũng xuống đây mà?
- Nó chở bánh xe đi vá rồi!
- Giờ này biết có còn chỗ vá không. Sao không để đến mai?
- Bố cũng nói thế nhưng nó bảo đi vá, để khuya có xe đưa con xuống trường.
- Khéo lo! - Thúy làu bàu và đi lại chỗ con Ô.
Thúy chưa tới nhưng con Ô đã thấy cô, nó ngừng ăn ngẩng nhìn và hí lên khe khẽ. Cô đưa tay ra với nó. Con Ô cạ cạ cái mũi đen nhánh, ướt át vào mu bàn tay Thúy rồi liếm một cách trìu mến. Cô vòng tay ôm vít cổ nó xuống, từ đám lông bờm quen thuộc tỏa ra mùi ngai ngái khét thân thương. Thúy thì thầm vào tai nó:
- Mai chị đi học, Ô ở nhà ngoan, chủ nhật về chị sẽ cắt tóc bờm đầu, chải rẽ cho nhé!
Con Ô gục gặc cái mõm đầy bọt cỏ vào mái tóc dài của Thúy khiến cô phải buông nó ra. Chợt có tiếng bố Hãn vọng lại từ chiếc xe ngựa:
- Con đi ngựa xuống thử xem Tốt-râu vá viếc ra sao mà lâu thế, Thúy!
Thúy nắm lấy dây cương con Ô.
- Phải đó, chị em mình xuống tìm Tốt-râu đi!
Con Ô còn vùng vằng dây cương, tranh thủ vặt thêm mấy miếng cỏ nữa. “Huầy…!” Thúy thúc mạnh hai gót vào hông nó. Con Ô vội bỏ bước băm chuyển ngay sang phi. Trên lưng ngựa nước đại, đêm trăng bỗng trở nên bát ngát. Gió lộng tứ bề. Khi níu mái tóc bay dạt mãi ra sau Thúy mới biết mình đã bị tuột mất cái kẹp. Con Ô là giống ngựa tốt, thuần và chạy rất êm. Nó mà phi hết tốc lực thì ngang với mây bay gió cuốn. Cũng đã lâu lâu rồi Thúy chưa cưỡi đến nó. Mọi lần cứ sau mỗi khi gội đầu, cô thường nhảy lên lưng con Ô, kiệu một vòng quanh thảo nguyên là mái tóc khô ngay, khỏi cần phải hong chải gì cả. Duệ kia rồi, Thúy ghìm dây cương. Anh chàng đang gò lưng đẩy chiếc xe đạp trên có quàng cái bánh xe lên dốc. Thúy xuống ngựa.
-Vá được không mà lâu vậy, Duệ ?
- Được mới lâu chứ - Duệ co vai chùi mồ hôi đọng nơi bộ râu quai nón trả lời.
Thúy phụ Duệ cùng đẩy chiếc xe đạp dưới trăng. Từ râu tóc xoăn tít của anh chàng theo gió đêm thoảng sang cô mùi chua khét như của mồ hôi và bờm ngựa. Con Ô thong thả gõ móng theo phía sau lưng họ.
- Mai mấy giờ Thúy xuống trường?
- Đi xe bố Hãn mà còn hỏi.
- Hỏi để biết chừng.
- Biết chừng… gì?
Duệ liếc sang. Rèm mi cong vút của anh bỗng sáng lớp chớp dưới trăng.
- Duệ cũng đi nữa!
Trời ạ!
Chiều thứ bảy, trong lúc tụi bạn ở nhà trọ học lúi búi những việc đại loại như “cắt cơm, bơm xe…” thì có tiếng con Ô hí lên ngay ngoài ngõ. Thúy chạy ra thì bố Hãn đã vung tròn roi ngựa, chấm cái ngù có tua đỏ ngay vào chỗ ghế ngồi. “Tróc… tróc… tróc… Huầy…!”. Lúc con Ô bắt đầu chạy, dưới vành nón rộng theo kiểu cao bồi chẳng hiểu sao ông lại cười ha hả lên. Bố Hãn mà cười thì không thua lệnh vỡ là mấy. Con Ô có khi còn phải thụt lùi mấy bước khi nghe tiếng cười của ông.
- Hôm nay có gì vui mà bố cười mãi thế?
- Có, có đấy! - Vừa nói ông vừa ra roi cho con Ô quẹo vào một đường khác.
- Đây rồi!
Ông ghịt dây cương. Phía dưới đường, cạnh chiếc xe ngựa là Duệ. Anh đang đứng bên một két bia với nửa cây đá đang tỏa hơi mù mịt. Thúy lắc đầu, cô chẳng hiểu bố với anh chàng này đang âm mưu chuyện gì.
Sau khi Duệ lên xe, qua câu chuyện lấp lửng của hai người, Thúy mang máng biết rằng từ nay ông sẽ cho anh theo phụ làm lơ xe ngựa. Đời thuở nào xe ngựa mà có lơ! “Để tạo điều kiện cho mày khủng bố con Thúy ấy mà!”. Ông khoa roi lên lưng ngựa và nháy mắt về phía Duệ. Thúy nghe mà chưng hửng, còn anh chàng Tốt-râu chỉ biết có cười khì. Chắc két bia và nửa cây đá là lễ cho Duệ nhập môn vào thế giới của xà ích. "Vậy là đàn dê Duệ lại lùa qua cho mẹ mình”, Thúy nghĩ thầm. Khi xe về đến ngã ba, con Ô theo thói quen cố hữu lại quẹo vào đường nhà của Duệ. “Tróc… tróc… Huầy…!”, bố Hãn chẳng những không kìm, chỉnh lại mà còn thét thêm lần roi nữa, khuyến khích cho con Ô chạy nhanh hơn.
- Kìa, bố! Sao bố để nó chạy vào đây? - Thúy la lớn.
Bố Hãn lại cười ầm lên, dậm chân thình thình vào sàn xe thúc ngựa và vung cao roi. Lần này thì thay vì lưng ngựa, ngọn roi lại kêu đánh “xoẻng” vào két bia để ở trước xe.
- Hôm nay là ngày Tết Ka-tê mà con không nhớ à?
Thì ra là thế. Ka-tê là một lễ Tết quan trọng của người Chăm. Chưa đến nhà Duệ, từ xa Thúy đã thấy lúc nhúc ra vào những người là người. Những người đàn ông theo đạo Hồi mặc áo thụng trắng và đội khăn đầu cũng màu trắng tương tự.
- Đông người quá bố ơi, con không vào đâu!
Bố Hãn chẳng biết có nghe Thúy nói không mà cứ lui cui tháo ngựa ra khỏi xe. Ra khỏi càng xe, con Ô quay lại vặn vẹo mũi vào cái cặp da đựng sách vở nơi tay Thúy.
“Huầy…”, sau cái thúc ngựa phi của cô là tiếng “Á…” đầy ngạc nhiên của Duệ. Con ô mang cô vọt nhanh như tên bắn ra phía đường dốc, bỏ lại sau lưng tiếng cười nghe rất khoái trá của bố Hãn. Thúy khoa cặp một vòng trên lưng ngựa và thay vì về nhà, cô tế nó thẳng lên thảo nguyên, nơi có chòm mả vôi cũ kỹ mà chiều chiều Duệ và cô hay gặp nhau. Vì cũng như Ka-tê mấy năm trước, Thúy biết lát nữa thế nào Duệ cũng mang quà Tết Chăm lên đó cho mình.
Truyện ngắn của LÊ NGUYÊN NGỮ