"Sống là để giúp đỡ người khác"
Việc tử tế - Ngày đăng : 09:33, 10/06/2014
Dù khó khăn nhưng bà Đặng Thị Chồi (60 tuổi, ở thôn Đồng Hèo, xã Tân Dân, Kinh Môn) vẫn luôn giúp đỡ người khác, được nhiều người khâm phục.
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng hơn 20 năm qua, bà Đặng Thị Chồi (60 tuổi, ở thôn Đồng Hèo, xã Tân Dân, Kinh Môn) vẫn gắn bó với công tác chữ thập đỏ (CTĐ), giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, được nhiều người khâm phục.
Bà Chồi là điển hình cấp tỉnh trong học tập và làm theo gương Bác
Bất hạnh trong cuộc sống
Trong căn nhà nhỏ sát vách núi, bà Đặng Thị Chồi, Chủ tịch Hội CTĐ xã Tân Dân đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình, một câu chuyện thật xúc động.
Những năm tháng trước đây là khoảng thời gian khó quên đối với bà. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, tuy cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, song bà luôn sôi nổi tham gia các phong trào của địa phương, tích cực tham gia sản xuất, không có hoạt động nào của Đoàn mà thiếu vắng bà. Năm 21 tuổi, bà lập gia đình với người bộ đội cùng thôn, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ lại gặp những khó khăn mới. Chồng bà thường xuyên công tác xa nhà, một mình bà phải lo toan, quán xuyến mọi việc trong gia đình, từ chăm sóc mẹ chồng thường xuyên đau ốm, lại thêm cô em chồng bị tâm thần không kiểm soát được hành vi, đến việc chăm sóc con nhỏ. Hằng ngày, bà vừa phải chăm lo kinh tế gia đình, tham gia công tác xã hội, tranh thủ lên rừng kiếm củi. "Vất vả là vậy, nhưng vẫn không lo đủ cơm ăn cho mọi người trong gia đình nên tôi thường phải ăn độn khoai, sắn để nhường cơm cho mẹ chồng và các con. Có những hôm đi làm đói tới hoa cả mắt, nhưng nghĩ tới chồng con, tôi lại cố gắng, tiếp tục phấn đấu làm việc", bà Chồi tâm sự.
Năm 1981, chồng bà xuất ngũ về công tác tại địa phương, hai vợ chồng cùng tham gia sản xuất và chăm sóc 4 người con, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn, bà càng có điều kiện để tham gia công tác xã hội. Năm 1993, bà bắt đầu tham gia Hội CTĐ và từ năm 1996 đến nay giữ chức Chủ tịch hội. Chăm lo công tác xã hội nhưng bất hạnh lại ập xuống gia đình bà. Năm 2009, con gái bà là chị Nguyễn Thị Toan mất do bệnh ung thư phổi. Trước đó, gia đình bà đã dồn toàn bộ tiền tích cóp được và phải vay mượn thêm để lo chữa trị cho con gái. Nỗi đau mất con gái chưa nguôi, thì năm 2010, con trai bà là anh Nguyễn Văn Quang lại bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm về, tổn hại 80% sức khoẻ. Đến giờ, bà vẫn không thể quên được khoảng thời gian ấy. Đấy là nỗi mất mát lớn mà một người mẹ như bà phải chịu đựng.
Vượt lên hoàn cảnh
Chính vì hoàn cảnh riêng cũng éo le như vậy, nên bà càng hiểu và thông cảm cho những bất hạnh. Những lúc rảnh rỗi, bà tranh thủ đến từng nhà hoặc gặp chị em sau những buổi làm đồng, vận động họ tham gia sinh hoạt hội. Bà nắm rõ hoàn cảnh của từng người, từng gia đình còn khó khăn, người già neo đơn và thường xuyên đến động viên, thăm hỏi. Có hôm trời mưa, dù bị đau chân, bà vẫn không quản khó, đi bộ qua núi để tới thăm hỏi, động viên từng người. Nhờ sự nhiệt tình, kiên trì, nhẫn nại, bà Chồi cùng với ban chấp hành hội đã vận động kết nạp được hàng chục hội viên mỗi năm. Hiện nay, hội có gần 700 hội viên, sinh hoạt ở 9 chi hội trong toàn xã. Hằng năm, các hội viên tự nguyện đóng quỹ hội để thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài việc duy trì nguồn quỹ hội, bà cùng các chị em trong ban chấp hành thường xuyên đến các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn vận động quyên góp, ủng hộ. Bà chia sẻ: "Làm công tác nhân đạo chính là đi xin của người giàu, người khá giả để chia cho người nghèo. Nhiều người hảo tâm họ sẵn sàng quyên góp, ủng hộ, tuy nhiên có nhiều trường hợp, khi cán bộ Hội CTĐ đến vận động, họ không chỉ từ chối mà còn nói những điều khó nghe. Lúc đấy, tôi lại phải giải thích cho họ hiểu để chia sẻ với người nghèo".
Nhờ cố gắng của bà và các hội viên, những năm gần đây, xã đã tổ chức được nhiều hoạt động nhân đạo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2000 đến nay, hội thường xuyên tổ chức khám và phát thuốc cho người nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Hội còn phát động quyên góp tiền mua 1 con bò trị giá 15 triệu đồng tặng cho gia đình chị Trần Thị Thắm để gia đình chị có phương tiện sản xuất. Năm 2010, được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 20 triệu đồng, hội đã vận động thêm được gần 12 triệu đồng, xây tặng 1 ngôi nhà CTĐ cho bà Cao Thị Ngải ở thôn Đồng Hèo, thuộc diện người già neo đơn. Vào những ngày lễ, Tết, ngày kỷ niệm, hội đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà những hội viên cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động thiết thực đó được Đảng uỷ, chính quyền và người dân đánh giá cao.
Hiện tại, dù bản thân đang bị bệnh khớp và tim, bà Chồi vẫn tự khắc phục để tham gia công tác xã hội. Không chỉ tham gia phong trào nhân đạo ở địa phương, bà còn là hội viên Hội Phụ nữ xã và là cộng tác viên dân số từ năm 1993 tới nay. Ở vị trí nào, bà cũng làm tốt vai trò là người tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện theo chính sách của Nhà nước. Bà tâm niệm: Sống là để giúp đỡ người khác nên còn sức khỏe, còn đi được thì vẫn tiếp tục làm nhân đạo.
Với sự cố gắng, nỗ lực của bà Chồi, nhiều năm liền, Hội CTĐ xã Tân Dân được các cấp khen thưởng. Năm 2013 được suy tôn lá cờ đầu của tỉnh về công tác nhân đạo. Trong hơn 30 năm hoạt động xã hội, bà Chồi không nhớ hết đã nhận được bao nhiêu bằng khen của các cấp. Gần đây nhất, năm 2011, bà được UBND tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2013, bà Chồi được Trung ương Hội CTĐ tặng bằng khen vì hoạt động tích cực trong phong trào nhân đạo.
TRẦN HIỀN