"Ngọn bút" hơn 80 tuổi vẫn cháy sáng
Việc tử tế - Ngày đăng : 18:47, 20/06/2014
Tuy tuổi đã cao nhưng nhà báo Nguyễn Hữu Phách vẫn miệt mài cầm bút
Lúc nào cũng sẵn sàng
Vừa được các con tổ chức chúc thọ 80 tuổi, ở độ tuổi xưa nay hiếm ấy, nhà báo Nguyễn Hữu Phách vẫn giữ được sự tinh anh, nhanh nhẹn, cái thần thái thường được mọi người khen ngợi “đúng là nhà báo có khác”. Khi nét mực tôi ghi trên giấy bắt đầu mờ đi, ngay lập tức ông rút cây bút trong túi áo ngực đưa cho tôi với lời giải thích: “Mấy chục năm nay, trong túi tôi lúc nào cũng phải có cuốn sổ nhỏ hoặc tờ giấy trắng và cây bút. Nhờ thế mà có nhiều bài báo hay đấy”. Ông lấy trong kho tư liệu của mình cho tôi xem một trong số những bài báo ấy, là bài “Đòn gánh đánh Tây ở Tú La” đăng trên báo Sự kiện và nhân chứng. Câu chuyện trong bài báo đến với ông rất tình cờ. Trong một lần về xã Kim Giang (Cẩm Giàng), khi đi ngang qua quán Tú La, ông được một người phụ nữ đang nghỉ chân ở đây kể cho nghe câu chuyện người dân Kim Giang đã dùng đòn gánh đánh giặc Pháp năm 1948 như thế nào. Từ những lời kể ấy, ông đã lần giở, khai thác thêm nhiều chi tiết đắt giá từ các nhân chứng để hoàn thành bài báo. Tư liệu để viết nên bài báo này được ông ghi chép trên một tờ giấy lúc nào cũng thường trực trong túi. “Có khi đi chủ đích viết về đề tài này lại không được mà bất ngờ thấy một việc khác lại viết được, nên nhà báo lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng”, ông kết luận.
Tư thế sẵn sàng phát hiện đề tài, khai thác tư liệu ấy được ông duy trì suốt mấy chục năm qua, từ khi còn là một thầy giáo trẻ viết báo cho đến khi thành một trong những nhà báo đầu tiên của báo Hải Dương mới, sau này là báo Hải Hưng, báo Hải Dương. Trong hơn 30 năm làm báo tại Hải Dương, ông đã đi hầu hết các xã trong tỉnh. Ông nắm chắc các địa danh, các sự kiện, con người gắn với những địa danh ấy như một nhà địa lý, sử học địa phương. “Tôi có một quyển sổ liệt kê từng huyện, mỗi huyện có những xã nào, mỗi xã lại có một vài dòng ghi các thông tin cơ bản như: số dân, diện tích, đặc điểm, sự kiện tiêu biểu. Trước khi về địa phương làm việc, tôi giở sổ ra để nhớ các thông tin về địa phương đó. Khi gặp cán bộ, người dân địa phương mà mình nêu được những đặc điểm tiêu biểu ấy là họ thích lắm. Đó là một cách làm cho nhà báo với địa phương gần gũi với nhau hơn”, ông vui vẻ tiết lộ bí mật nghề nghiệp của mình.
Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã giúp ông không bị động trong mọi tình huống. Và theo năm tháng, vốn kiến thức, kinh nghiệm ngày một dày thêm, cộng với sự nhạy bén của một nhà báo giỏi giúp ông có khả năng phát hiện vấn đề từ những câu chuyện đời thường nhỏ nhặt nhất. Ví dụ như năm 2013, trong thời gian nằm viện, ông nói chuyện phiếm với những người đi thăm nuôi bệnh nhân ở những giường bên cạnh, họ kể cho ông nghe về thôn La Xá, xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) có những gia đình con cái dù còn nghèo khó vẫn cùng nhau góp tiền “trả lương” cho bố mẹ già hằng tháng. Xuất viện, ông liền nhờ người đưa về ngay La Xá để viết về đề tài này. 80 tuổi, máu nghề nghiệp dường như chưa phút giây nào ngừng chảy trong ông.
“Cây bút già” linh hoạt
Tuổi cao, sức khỏe không còn được như thời thanh niên xông xáo, chả lẽ bó tay không còn làm báo được nữa, vì cái nghề này trong suy nghĩ của nhiều người là phải gắn liền với chữ “đi”. Nhà báo Nguyễn Hữu Phách có lối đi riêng cho mình. “Viết báo có 3 cách. Thứ nhất là đi lấy tài liệu trong thực tế cuộc sống. Thứ hai là sử dụng trình độ lý luận để nhìn nhận, phân tích các vấn đề thời sự. Thứ ba là dùng kinh nghiệm, sự suy ngẫm. Nhà báo có tuổi, không đi nhiều được nữa thì dùng cách thứ hai, thứ ba, sử dụng vốn cũ để phục vụ vấn đề hiện tại”, ông Phách nói.
Nhà báo cao tuổi như ông có những ưu điểm mà lớp trẻ không có được như bề dày kinh nghiệm, hiểu biết, là nhân chứng của nhiều sự kiện diễn ra trong quá khứ. Chỉ riêng việc sử dụng kho tư liệu quý báu này một cách linh hoạt đã giúp ông cho ra đời nhiều bài báo vừa có tính thời sự, vừa có độ sâu sắc của một ngòi bút từng trải, sắc bén. Đó là chưa kể đến những tư liệu ông được nhiều người tin cậy gửi gắm từ khi còn công tác nhưng chưa có thời gian khai thác. Lương tâm nghề nghiệp không cho phép ông bỏ qua sự tin cẩn đó của mọi người. Ông giở cho tôi xem bức thư của một gia đình ở TP Hải Dương viết cho ông, kể về một đồng đội tình nghĩa của con trai họ, người đã sát cánh chiến đấu và lo lắng hậu sự chu đáo khi người chiến sĩ ấy hy sinh, người đã viết thư về thông báo và sau đó về tận nơi, có những cử chỉ chăm sóc nghĩa tình với gia đình đồng đội. Những bức thư viết trên loại giấy sạm vàng, nhìn vào là thấy hơi thở của quá khứ ấy vẫn được ông hằng trân trọng cất giữ nhiều năm qua. Từ khi về hưu, có thời gian, ông bắt đầu lần giở lại và dần dần đi tìm gặp, hoàn thành những đề tài trước đây chưa có thời gian thực hiện. Ông đang định đi gặp lại gia đình liệt sĩ này, cho dù biết rằng bây giờ có thể người còn người mất, có thể chưa chắc đã đủ tư liệu cho ông viết một bài báo mới. Nhưng phải trả xong món nợ tình cảm, món nợ nghề nghiệp, ông mới thấy an lòng.
Trước khi tạm biệt, ông cho tôi lời khuyên làm thế nào để thành nhà báo giỏi. Đó là, phải có kiến thức văn hóa tốt thì mới xoay ngòi bút nhanh, biến hóa; phải say mê nghề và biết tờ báo cần những gì. Nhà báo giỏi là cùng một vấn đề có thể viết được nhiều bài với nhiều giọng điệu, khai thác nhiều góc độ để sử dụng được cho nhiều báo khác nhau. Khi viết, đừng viết trơn tuột mọi thứ chỉ bằng ngôn ngữ của mình, phải để cho nhân vật nói. Lời của quần chúng phải trả lại cho quần chúng thì bài báo mới sinh động, hấp dẫn. Đó là những lời khuyên đầy tâm huyết ông rút ra từ sự nghiệp làm báo hơn nửa thế kỷ không ngừng nghỉ của mình, là bí quyết thành công ông mong mỏi truyền lại cho thế hệ sau cùng ngọn lửa say nghề chưa bao giờ nguội tắt.
Nhà báo Nguyễn Hữu Phách là một trong 4 nhà báo đầu tiên của Báo Hải Dương mới (nay là Báo Hải Dương). Ông cũng là người rất gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hải Dương; là Tổ trưởng phóng viên nông nghiệp của Báo Hải Dương mới. Ông thuộc lớp nhà báo đa tài, thuần thục trong nhiều thể loại, từ tin tức, phản ánh đến chính luận, thơ, truyện ngắn... Trong thời gian công tác tại Báo Hải Dương, ông còn viết nhiều bài trên các báo Trung ương, phản ánh những điển hình trong lao động, sản xuất của quê hương. Việc làm đầy ý nghĩa này tiếp tục được ông duy trì khi đã về hưu. |
VIỆT HÒA