Bản đồ "10 đoạn" của Trung Quốc "khuấy đục" Biển Đông
Bình luận - Ngày đăng : 07:20, 29/06/2014
Trung Quốc đang làm “vẩn đục” các vùng biển ngoại giao trong khu vực bằng việc phát hành bản đồ “đường 10 đoạn”.
Bản đồ "đường 10 đoạn" phi pháp của Trung Quốc mới phát hành bao trọn gần hết Biển Đông,
trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
ABC News vừa đưa ra bình luận rằng, Trung Quốc đang làm “vẩn đục” các vùng biển ngoại giao trong khu vực bằng việc phát hành bản đồ “đường 10 đoạn” bao gần trọn vùng biển của các nước Đông Nam Á.
“Phép thử” của Bắc Kinh ở Biển Đông
Hãng tin này dẫn lời ông Lý Vân Long, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Biển Đông của Đại học Hạ Môn nhận định, với việc phát hành tấm bản đồ này, Bắc Kinh muốn đang đưa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông lên mức ngang bằng với các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở quần đảo Senkaku (Xen-ca-cu)/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ông Lý còn cho rằng, chính quyền Trung ương Bắc Kinh cho phát hành tấm bản đồ “đường 10 đoạn” là nhằm thỏa mãn 2 mục đích. Một là muốn “nâng cao nhận thức” người dân Trung Quốc vể chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Hai là, Bắc Kinh muốn diễn thuyết với cộng đồng quốc tế vể quyền tài phán “mang tính lịch sử" về những yêu sách chủ quyền của mình ở các vùng biển đang tranh chấp. Song, ý đồ của Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích kể từ khi tấm bản đồ dạng đứng này xuất hiện trên truyền thông của Trung Quốc.
Chuyên gia này bình luận, việc để một nhà xuất bản cấp tỉnh phát hành tấm bản đồ cho thấy chính quyền Trung ương Trung Quốc đang muốn làm “phép thử” ở Biển Đông. “Nó tạo cơ hội cho Bắc Kinh thấy được các nước xung quanh phản ứng thế nào và chỗ nào cần thì sẽ sửa chữa để giảm nhẹ hậu quả từ những hành động do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông. Bởi căn cứ theo tình hình ở biển Đông hiện nay, nếu chính quyền Trung ương trực tiếp chỉ đạo phát hành tấm bản đồ có thể sẽ dẫn đến những cuộc xung đột trong khu vực”, ông Lý nói. Song, Trung Quốc có thật sự muốn sửa chữa hay giảm nhẹ hậu quả do họ gây ra ở Biển Đông hay không là một câu hỏi mà Bắc Kinh chưa trả lời thỏa đáng với cộng đồng quốc tế.
ABC News cho rằng, Bắc Kinh tiếp tục “khuấy đục” Biển Đông bằng hàng loạt động thái đòi chủ quyền vô lý của họ ở đây. Ngoài việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc còn đưa vật liệu xây dựng và trang thiết bị đến để xây dựng, mở rộng trái phép ở các bãi đá và bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Không thể ngồi im nhìn Trung Quốc bành trướng
Tướng Dennis Blair (Đen-nít Ble), cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, Philippines (Phi-líp-pin), Nhật Bản và Việt Nam không thể ngồi im nhìn Trung Quốc bành trướng và đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý trên cả Biển Đông và biển Hoa Đông. "Philippines, Nhật Bản và Việt Nam mỗi nước cần phải có hành động mạnh mẽ chống lại những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc", ông Blair nói.
Tướng Blair cho rằng, các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc “không thể chỉ đơn giản nhượng bộ”, mà phải tìm ra các biện pháp đối phó với những hành động ngang ngược của Bắc Kinh. Về phía Trung Quốc, theo ông Blair, Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những hành động nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền đơn phương của nước này, nhưng không dám vượt qua “giới hạn tự đặt ra” để làm leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột. “Trung Quốc biết rằng, nếu xung đột diễn ra ở biển Hoa Đông hoặc Biển Đông nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong giới hạn tự đặt ra, Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng vùng nhận dạng phòng không hoặc tuyên bố các vùng đánh cá mới trên các vùng biển tranh chấp", ông Blair nhận định. Tướng Blair kêu gọi các nước láng giềng nên tận dụng “giới hạn tự đặt ra” của Trung Quốc, hợp sức chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)