Nhiều cơ sở sản xuất nước đóng bình đang chết
Công nghiệp - Ngày đăng : 07:08, 01/07/2014
Xuất hiện và phát triển rầm rộ vào những năm 2009 đến 2012, nhưng nay thị trường nước lọc đóng bình đang ngày teo tóp và nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa.
Dù có nguồn nước ngầm dồi dào, diện tích nhà xưởng nhưng Công ty K&K
ở phường Văn An (Chí Linh) vẫn sản xuất cầm chừng vì khó tiêu thụ
Sản xuất cầm chừng
|
Công ty K&K ở phường Văn An (Chí Linh) cũng trong tình trạng tương tự. Theo anh Quang phụ trách sản xuất, hiện tại công ty không đủ sức đầu tư nâng cấp và sửa chữa lại dây chuyền mà chỉ hoạt động cầm chừng đủ đơn hàng. Với khuôn viên trên 2.000 m2, trong đó 1/3 là nhà xưởng phục vụ sản xuất, cùng với nguồn nước ngầm khá dồi dào là điều kiện tốt cho công ty phát triển. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, lượng hàng tiêu thụ trên thị trường sụt giảm nên công ty chỉ sản xuất cầm chừng với nguồn nhân lực chính trong gia đình. Cơ sở cũng bề bộn hơn, không ngăn nắp, điều kiện vệ sinh xuống cấp dần. Hiện trung bình mỗi tháng công ty xuất khoảng 3.000 bình nước, trừ chi phí thu lãi khoảng 7,5 triệu đồng.
Tại TP Hải Dương, các doanh nghiệp nước sạch đóng bình cũng chịu chung số phận là khó bán hàng và chỉ sản xuất cầm chừng. Doanh nghiệp càng đầu tư lớn càng khó có thể thu lại vốn và không có nguồn khách để cung ứng. Nhiều doanh nghiệp phải sang tay tới vài chủ nhưng cuối cùng cũng đành phải hoạt động theo kiểu nhỏ giọt. Chị Trần Thị Thơm, quản lý sản xuất của Công ty TNHH một thành viên Kim Long (ở số 47, ngõ 48, đường Quán Thánh) cho biết: "Doanh nghiệp của gia đình đã phải chuyển đổi tên từ Phương Mai sang Bảo Sơn và nay là Kim Long sau mỗi lần sang nhượng". Theo chị Thơm, hiện mỗi ngày doanh nghiệp của gia đình chị sản xuất khoảng 70 bình nước. Việc sản xuất như thế chỉ đủ để doanh nghiệp duy trì hoạt động. Gia đình chị không có ý định đầu tư phát triển cho dây chuyền sản xuất này vì khó có thể tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Vàng, thau lẫn lộn
Theo bà Dương Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong số 107 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, sản xuất nước uống đóng bình trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động. Trong số đó có không ít doanh nghiệp đang trong tình trạng sản xuất cầm cự. Nguồn nước đóng bình chủ yếu là nước máy, riêng huyện Kinh Môn và thị xã Chí Linh dùng nguồn nước giếng khoan. Ngay trong đợt thanh tra, kiểm tra mới đây của chi cục, có hàng chục doanh nghiệp dừng hoạt động không báo lại đơn vị quản lý. Sản lượng nước đóng bình ở các doanh nghiệp dao động từ 1.000 lít đến 1 triệu lít mỗi ngày. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có một số doanh nghiệp lớn, có thị phần rộng nên sản lượng vẫn bảo đảm đó là Merry (Công ty Kinh doanh nước sạch Hải Dương) và Belmon (Công ty QT) thị xã Chí Linh. Nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp khó trụ vững là do không nghiên cứu kỹ thị trường khi đầu tư kinh doanh. Mặt khác, sự bùng nổ của các loại máy lọc nước gia đình tiện lợi, hợp túi tiền đã làm mất thị trường của các doanh nghiệp. Một bộ phận người dân chưa thực sự an tâm với chất lượng sản phẩm nước tinh khiết trên thị trường. Một số cơ sở sản xuất chui lủi tại các khu dân cư đông người gây xáo trộn thị trường nước…
Nước tinh khiết luôn là nhu cầu lớn đối với mọi người dân. Với thị trường lớn, tiềm năng như tỉnh ta, đây là giai đoạn "vàng, thau lẫn lộn", người làm ăn rởm sẽ tồn tại cùng nhà sản xuất chân chính. Tuy nhiên, cạnh tranh tất có đào thải, việc đầu tư dàn trải, không có sự quy hoạch và nghiên cứu kỹ thị trường là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp.
ĐỨC THÀNH