Đàn bà xây tổ ấm
Đời sống - Ngày đăng : 09:34, 01/07/2014
Điều đó chứng tỏ, phụ nữ là nhân vật có vai trò hết sức quan trọng đối với việc xây dựng một gia đình hạnh phúc. Người ta cũng thường nói, nếu bạn tìm thấy một gia đình hạnh phúc, bạn hãy tin rằng ở đấy có một người đàn bà biết quên mình. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ chỉ biết hy sinh quên mình trong cuộc sống hằng ngày thì chưa đủ để làm cho gia đình mình hạnh phúc mà còn phải năng động, thông minh, linh hoạt, phải tự tin, tự chủ, trung hậu, đảm đang, có thu nhập chính đáng từ lao động của bản thân. Để đạt được mục đích trên, người phụ nữ phải thật khéo léo để vun vén cho vẹn cả đôi đường.
Thứ nhất, phụ nữ phải là người biết sắp đặt công việc nội trợ gia đình một cách hợp lý. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng: Phụ nữ nhắm mắt cũng biết mọi đồ vật thường dùng trong nhà ở vị trí nào, còn đàn ông thì luôn luôn phải đi tìm và hỏi những người trong gia đình. Nếu người vợ chỉ biết “chém to kho mặn” sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình vì: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi”.
Thứ hai, phụ nữ phải là người hiểu chồng và thường xuyên quan tâm đến công việc của chồng. Ngạn ngữ Nam Tư có câu: “Vợ mang chồng trên gương mặt mình, chồng phản chiếu vợ trên y phục mình”. Điều đó có nghĩa là, nhìn vẻ mặt người phụ nữ người ta biết được người chồng có yêu thương, chia sẻ với họ không, còn nhìn cách ăn mặc của chồng người ta biết được người vợ có biết chăm sóc anh ta không? Người vợ phải chăm lo cho chồng từ cái mặc đến cái ăn. Người phụ nữ phải làm thế nào để chồng mình ăn ở đâu cũng không vừa ý bằng ở nhà, dù không cao lương mỹ vị. Trong điều kiện hiện nay, nhiều ông chồng hay được mời đi ăn hàng, ăn quán, nhưng ăn ở những nơi đó chỉ có giá trị ở chỗ lạ miệng, còn những bữa cơm ngon, canh ngọt do tự tay người vợ nấu cho chồng ăn mới cần thiết và quan trọng, mới làm cho đức lang quân hài lòng, hãnh diện. Người nội trợ giỏi phải biết chọn món ăn như thế nào cho thích ứng các điều kiện: vừa ngon miệng, vừa đủ chất bổ dưỡng, vừa không tốn nhiều tiền. Trong cuộc sống gia đình, nhiều lúc không tránh khỏi những va chạm. Lúc ấy, người chồng thường nóng nảy, to tiếng, thậm chí lấn át vợ. Nếu người vợ cũng đòi bình đẳng, cũng lớn tiếng thì rất có nguy cơ gia đình đổ vỡ. Nhưng nếu người vợ biết nhường nhịn, biết nói đúng lúc, phân tích một cách thông minh, hài hước thì sau mỗi lần như vậy, chồng bạn lại sẽ yêu bạn hơn.
Thứ ba, phụ nữ phải là người nắm được phương pháp giáo dục con cái. Con cái là tài sản quý nhất trong mọi tài sản của một gia đình. Chăm sóc con cái là trách nhiệm của cả cha và mẹ nhưng trong đó người mẹ giữ vai trò then chốt vì thời gian người mẹ được ở gần con cái nhiều hơn người cha, nhất là trong giai đoạn ấu thơ. Không phải ngẫu nhiên xã hội coi người mẹ là nhà giáo dục đầu tiên đối với con trẻ. Hiện nay, có nhiều gia đình dư giả về kinh tế, hoặc do điều kiện công việc quá bận rộn nên đã mượn “ô sin” để trợ giúp việc quản gia, trong đó có việc trông nom con trẻ. Việc làm đó tuy có những lợi ích nhất định, nhưng không vì thế mà các gia đình phó mặc hoàn toàn việc nuôi dạy con cái cho người giúp việc. Muốn giáo dục tốt con cái, người mẹ phải hiểu tâm lý con, yêu thương con đúng mực, là người bạn của con, đối xử với con một cách khách quan công bằng, tôn trọng nhân cách con cái, tạo điều kiện cho con cái phát triển tài năng, tổ chức sinh hoạt gia đình có nền nếp ...
Thứ tư, phụ nữ là người biết cư xử khéo léo, tế nhị trong các mối quan hệ với gia đình nội ngoại, đặc biệt là chức năng làm dâu. Làm dâu thực chất là một bổn phận. Bổn phận đó là cách cảm ơn, cách đền đáp cho đấng sinh thành ra chồng của mình. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã dạt dào cảm xúc khi viết về mẹ chồng: “Phải đâu mẹ của riêng anh/Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong”. Lý do để nhà thơ ơn mẹ chồng “suốt đời chưa xong” thật đơn giản. Đó là: “Chắt chiu từ những ngày xưa/Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”. Nếu người con dâu nào cũng nghĩ và làm được như vậy thì hẳn là sẽ được gia đình chồng rất thương yêu và người chồng có quyền hãnh diện, yên tâm với công việc và càng thêm yêu quý, nể trọng vợ mình.
Thứ năm, phụ nữ phải là người có nghệ thuật tiêu tiền. Trong cuộc sống hiện tại, mọi thứ giá cả: lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình, nhiên liệu, các loại dịch vụ xã hội…đang tăng đến mức chóng mặt. Với tư cách là người nội trợ, nếu mỗi phụ nữ chúng ta không có nghệ thuật tiêu tiền thì hạnh phúc gia đình cũng khó mà êm ấm, thậm chí còn gây ra nhiều bất hòa làm cho bầu không khí gia đình nặng nề, căng thẳng. Trong việc chi tiêu cho gia đình, chị em cần biết hạch toán chi tiết về thu nhập của cả gia đình để lập kế hoạch chi tiêu phù hợp; thống kê các khoản chi cứng của tháng như: tiền điện, nước, điện thoại, chất đốt, gạo... và có thể điều chỉnh một số khoản chi khác tùy theo (hoa quả, thực phẩm, mua sắm lặt vặt…). Hằng tháng cần trích ra một khoản để tiết kiệm cho dù việc chi tiêu có khó khăn. Cần bàn bạc, thống nhất trong gia đình về việc mua sắm. Nghệ thuật tiêu tiền còn thể hiện ở chỗ biết quan tâm đúng mức đến nhu cầu về đời sống tinh thần của các thành viên. Muốn làm được điều đó, trong chi tiêu hằng ngày, cần phải trích một khoản nhỏ cho việc mua sách, báo, tổ chức sinh nhật cho các thành viên trong gia đình.
Thứ sáu, phụ nữ phải là người biết ghen một cách đúng đắn. Người ta thường cho rằng, bất cứ người phụ nữ nào cũng ghen vì “gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”. Nhưng ghen vì yêu thương, không muốn ai san sẻ tình yêu của chồng thì cái ghen này là chính đáng còn ghen bóng ghen gió, ghen vì sợ ai đó chia sẻ tiền bạc của chồng, ghen để chứng tỏ mình là người có quyền đối với chồng thì cái ghen đó cần phải xem xét lại. Ở Việt Nam, từ xa xưa, người ta đã dùng cụm từ “máu Hoạn Thư” để chỉ những ai quá ghen, hở một chút là soi mói, là nghi ngờ, làm cho mọi người ái ngại và không muốn gần.
Nói tóm lại, nếu làm tốt những điều trên thì chị em phụ nữ sẽ sớm trở thành những con người duyên dáng nơi công cộng, khiêm nhường nơi phòng khách và nhà kinh tế trong công tác nội trợ.
TS. PHẠM TRUNG THANH