Quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản ảnh hưởng Trung Quốc ra sao?

Tin tức - Ngày đăng : 16:53, 03/07/2014

Hậu quả lớn đầu tiên là Nhật Bản giờ đây có thể gần gũi hơn với Ấn Độ và ASEAN trong các vấn đề an ninh nhằm tạo ra một hệ thống kiểm soát và chống Trung Quốc.



Thủ tướng Shinzo Abe thông báo về quyết định của Chính phủ trong cuộc họp báo ở Thủ đô Tokyo. Ảnh: THX-TTXVN


Theo báo mạng “Wantchinatimes” của Đài Loan ngày 2-7, trang tin “Đa chiều” - một cổng thông tin điện tử của người Trung Quốc ở hải ngoại - vừa đăng bài viết nhận định rằng quyết định của Nhật Bản về việc diễn giải lại Hiến pháp hòa bình của nước này có những tác động lớn đối với Trung Quốc.

Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã tuyên bố hôm 2-7 rằng quyết định diễn giải lại Hiến pháp đã được Nội các Nhật Bản thông qua, có 4 kịch bản mà qua đó Nhật Bản có thể áp dụng “phòng vệ tập thể” theo sự diễn giải mới đối với Hiến pháp của nước này.

Kịch bản đầu tiên là sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia để đánh chặn các tên lửa nhằm vào Mỹ. Kịch bản thứ hai là triển khai Lực lượng Phòng vệ trên biển (JPSDF) của Nhật Bản nếu như một tàu Mỹ bị tấn công ở các vùng biển xa. Kịch bản thứ ba là sử dụng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) cho một cuộc phản công nếu một phái bộ có sự tham gia của Nhật Bản bị một quốc gia nước ngoài tấn công tại lãnh thổ của nước ngoài. Kịch bản thứ tư là sử dụng vũ lực để loại bỏ những trở ngại trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Sự diễn giải lại Hiến pháp theo cách này tránh được việc nó bị coi là một hành động khiêu khích chống Trung Quốc trong cuộc tranh chấp đang diễn ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản đối sự thay đổi này, cáo buộc Nhật Bản tái quân phiệt hóa dưới thời chính quyền Abe. Nếu như việc diễn giải lại Hiến pháp được Quốc hội Nhật Bản thông qua như dự kiến, các lực lượng vũ trang của Nhật Bản sẽ từ bỏ trọng tâm tập trung vào phòng thủ và chuyển sang các chiến lược quân sự mang tính tấn công nhiều hơn. Trang tin này nói thêm rằng điều đó sẽ cho phép Nhật Bản tấn công các bên thứ ba, những bên không trực tiếp tấn công Nhật Bản. Một động thái như vậy tất yếu sẽ làm mất ổn định và sự cân bằng chiến lược ở biển Hoa Đông và có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.

Trang tin “Đa chiều” nhận định, là một đối tác quân sự không bị hạn chế của Mỹ, Nhật Bản có thể tìm cách tham gia các sứ mệnh quân sự của Mỹ mà không bị hạn chế về mặt địa lý để gia tăng ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo trang tin “Đa chiều”, lý do giải thích tại sao Mỹ cho phép Nhật Bản thực hiện những biện pháp này là bởi chính quyền của Tổng thống Barack Obama quá bận bịu với các vấn đề ở Syria, Crimea và Iraq. Trang mạng này cũng cho rằng chiến lược “trở lại châu Á” của Mỹ đến nay vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Do vậy, Washington quan ngại rằng nếu họ không tăng cường các mối quan hệ với Nhật Bản thì khả năng của họ trong việc kiềm chế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong tương lai.

Đối với Trung Quốc, quyết định lần này của Nhật Bản sẽ gây một số hậu quả lớn. Hậu quả lớn đầu tiên là Nhật Bản giờ đây có thể gần gũi hơn với Australia, Ấn Độ và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong các vấn đề an ninh nhằm tạo ra một hệ thống kiểm soát và chống Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc vướng vào một cuộc xung đột quân sự ở Biển Đông, thì Nhật Bản cũng sẽ có thể tham gia nếu như Mỹ quyết định can thiệp.

Hậu quả lớn thứ hai là quyết định của Nhật Bản sẽ đẩy nhanh tốc độ hội nhập của các lực lượng quân sự hai nước Mỹ và Nhật Bản, tạo ra khả năng Mỹ can thiệp một mình hoặc tập thể nếu như Trung Quốc nỗ lực thống nhất Đài Loan.

Hậu quả lớn thứ ba là việc thành lập một lực lượng quân sự chung Mỹ-Nhật sẽ cho phép Nhật Bản có ảnh hưởng trực tiếp trong các vấn đề quốc tế chủ chốt, cho dù đó là vấn đề eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên hay là biển Hoa Đông. Tất cả đều tạo ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.

Nguồn: Tin tức