Ra trường chẳng biết đi đâu...

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 14:55, 08/07/2014

Nhưng sau 4-5 năm đèn sách, mì gói, giường tầng, nước lọc, tiền vay... ra trường vẫn thất nghiệp.

Thằng cháu tôi vừa đi hội trường nhân kỷ niệm chẵn năm ngày thành lập về, tôi hỏi:

- Vui không cháu?

- Vui ít, buồn nhiều, ông ạ!

 Rồi cháu kể:

- Gặp lại nhau chúng cháu mừng lắm, nhưng rồi hỏi nhau những câu mà không trả lời được. Đại loại như bạn làm ở đâu rồi? Bạn vào cơ quan nào, công ty nào? Bạn đã trả hết nợ vay ngân hàng chưa? Bạn đã có người yêu chưa?... Sau những cái lắc đầu, có bạn gợi lại không khí của lớp cuối năm học phổ thông. Lúc ấy sao mà vui thế, háo hức thế, ai cũng nghĩ đến cổng trường đại học - một hình ảnh thật đẹp đẽ, hấp dẫn vô cùng. Chả thế mà một bạn đã viết trên báo tường của lớp: "Đẹp sao hai tiếng sinh viên/Quyết vào đại học tiến lên hàng đầu!"

- Nhưng sau 4-5 năm đèn sách, mì gói, giường tầng, nước lọc, tiền vay... ra trường vẫn thất nghiệp như cháu chứ gì?

- Vâng. Vì thế hôm rồi lại có bạn làm  hai câu thơ nối vào câu trên báo tường xưa: "Ra trường chẳng biết đi đâu/Lại thêm gánh nợ đau đầu mẹ cha!". Ông bảo thế thì còn vui làm sao được?

- Hóa ra các cháu là phần nổi của cái "tảng băng chìm" 72 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp à?

- Thưa ông, đúng thế! Chúng cháu lại còn không có giá bằng những lao động phổ thông nữa kia?

- Thật thế sao?

- Vâng. Vì muốn đi làm, xin vào một công ty nào đấy cũng không dễ nên có bạn đã phải giấu cái bằng đại học đi để được chấp nhận.

- Đau nhỉ! Nhưng mà ông nghĩ cũng có lý, vì cứ xem những động tác lao động đơn thuần ở nhà vụng về của cháu thì chắc các bạn cũng thế...

- Chúng cháu có được thực hành mấy đâu nên thua những người học nghề là phải. Cho nên giờ nhiều bạn cháu lại xoay sang học nghề...

- Thế là có bằng đỏ không bằng có tay nghề cao. Xưa ông cha ta có câu: "Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay". Học mà không hành, lý thuyết suông, dạy mà không biết thị trường lao động đang cần gì  thì đúng là "ra trường chẳng biết đi đâu" thật!

THẾ NGUYỄN