Kỳ 7: Hoàng Sa trong biên khảo của học giả thời Nguyễn
Tin tức - Ngày đăng : 12:30, 11/07/2014
>>Kỳ 2: Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn
>> Kỳ 3: Hoàng Sa trong châu bản triều Nguyễn
>>Kỳ 4: Hoàng Sa trong châu bản triều Nguyễn
>> Kỳ 5: Hoàng Sa trong chính sử triều Nguyễn
>>Kỳ 6: Hoàng Sa trong chính sử triều Nguyễn
Ngoài các bộ chính sử, nhiều học giả thời Nguyễn đã biên soạn những khảo cứu về lịch sử, địa dư, văn hóa... của nhiều địa phương trong nước, trong đó có viết về Hoàng Sa, hoạt động của đội Hoàng Sa và quá trình chiếm hữu Hoàng Sa của người Việt qua các thời kỳ lịch sử. Tiêu biểu là các biên khảo sau:
Hoàng Sa trong Nam Hà tiệp lục
Nam Hà tiệp lục do Lê Đản (1742 - ?) biên soạn vào năm 1811, ghi chép các sự kiện lịch sử từ lúc chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong (1558) cho đến năm Gia Long thứ 3 (1804). Sách gồm 5 quyển, trong đó có 2 đoạn viết về Hoàng Sa ở quyển 2 (mục Tài lợi) và quyển 3 (mục Sơn xuyên hình thế). Hai đoạn này miêu tả một cồn cát dài nổi lên giữa biển, rộng chừng ba, bốn mươi dặm, gọi là Bãi Cát Vàng. Từ cửa Đại Chiêm (Hội An) đến cồn cát này dài khoảng năm, sáu trăm dặm, đồng thời ghi nhận hoạt động thu lượm của cải trên các tàu bị đắm ở Hoàng Sa thời chúa Nguyễn: “Mùa gió tây nam thì thuyền các nước trôi dạt vào đây. Đến mùa gió đông bắc từ ngoài vào cũng trôi dạt vào đây, đều bị chết đói, của cải chất chồng. Tháng Chạp hằng năm, đem 18 chiếc thuyền ra lấy. Có nơi nói rằng tháng 4 đi ra, tháng 7 trở về”.
Hoàng Sa trongLịch triều hiến chương loại chí và Hoàng Việt địa dư chí
Đoạn viết về điều kiện địa lý tự nhiên của đảo Hoàng Sa và hoạt động của đội Hoàng Sa
thời chúa Nguyễn trong Hoàng Việt địa dư chí
Đoạn viết về phủ Tư Nghĩa, xã An Vĩnh, đảo Hoàng Sa và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trong
Lịch triều hiến chương loại chí. Quyển 2, bản A.586, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội, Việt Nam
Hoàng Sa trong Việt sử cương giám khảo lược
Việt sử cương giám khảo lược gồm 7 quyển, do Nguyễn Thông (1827 - 1884) biên soạn, hoàn tất vào năm 1877. Đây là biên khảo về lịch sử và địa lý nước ta từ thời Hùng Vương đến triều Thiệu Trị nhà Nguyễn. Ngoài ra sách còn khảo về 4 lân bang của nước ta là Lâm Ấp, Chân Lạp, Xiêm La và Nam Chiếu. Quyển 4 có phần viết Hoàng Sa, mà tác giả gọi là Vạn Lý Trường Sa, và hoạt động khai thác hải vật ở nơi đây dưới thời chúa Nguyễn: “… Vạn Lý Trường Sa ở tỉnh Quảng Ngãi, từ đảo Lý Sơn, tục gọi là Ngoại La, đi thuyền về phía đông, 3 ngày 3 đêm thì đến. [Ở miền] Nam nước Đại Việt ta, đời trước thường tuyển chọn những tráng đinh ở hai vùng An Hải và An Vĩnh, lập đội Hoàng Sa để đi thu nhặt hải vật. Hằng năm cứ tháng 2 đi, tháng 8 về. Bãi cát giăng từ phía đông xuống phía nam, chỗ nổi lên, chỗ chìm xuống, không biết là mấy trăm mấy ngàn dặm. Ở trong có vũng sâu, thuyền có thể đậu được. Trên bãi có nước ngọt, chim biển có nhiều giống không biết tên. Có một cái miếu cổ, lợp ngói, biển ngạch khắc 4 chữ "Vạn lý ba bình", không biết dựng từ đời nào. Các quân nhân đến đây thường đem những giống cây trái từ phương Nam, gieo [hạt] ở trong và ngoài miếu, mong cho mọc cây để làm dấu mà nhận biết. Từ khi đội Hoàng Sa bị bãi bỏ cho đến gần đây, không ai hỏi đến miếu ấy nữa”.
Nhìn chung, thư tịch cổ Việt Nam viết về Hoàng Sa trong các thế kỷ XVII - XIX là rất phong phú. Những thư tịch cổ này đã xác nhận rằng muộn nhất là từ đầu thế kỷ XVII, người Việt đã khám phá quần đảo Hoàng Sa, đặt tên Nôm cho quần đảo này và ghi vẽ vào sử liệu và bản đồ nước ta đương thời, hằng năm người dân và Nhà nước đều đưa thuyền ra Hoàng Sa khai thác hải sản và thu nhặt hàng hóa từ các tàu thuyền bị đắm trong vùng biển này. Từ thế kỷ XVIII trở đi, hoạt động khai thác nguồn lợi ở Hoàng Sa đã được chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong tổ chức bài bản, thông qua hoạt động thường niên của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, Quế Hương... vừa vì mục đích kinh tế, vừa để xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và những vùng biển, đảo khác xa hơn về phía nam trong vùng Biển Đông thuộc nước ta. Từ thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã chính thức tuyên bố chủ quyền (năm 1816), sai người ra đo đạc thủy trình và hải giới, cắm mốc và đo vẽ bản đồ, chính thức xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây chính là những bằng chứng xác thực và sinh động, ghi nhận lịch sử chinh phục và làm chủ Hoàng Sa của người Việt thời quân chủ trước đây.
TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN