Xử lý "vấn nạn" bèo tây

Môi trường - Ngày đăng : 03:56, 13/07/2014

Nhiều tuyến kênh, mương dày đặc bèo tây làm ách tắc dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường nước. Tình trạng diệt bèo tây bằng thuốc trừ cỏ càng làm môi trường ô nhiễm.



Một đoạn kênh Bá Nha - Thuần qua xã Thanh Cường (Thanh Hà) có bèo tây chết thối do phun thuốc trừ cỏ


Thiếu kinh phí giải tỏa

Chiều 8-7, chúng tôi thấy một số con kênh nội đồng ở thôn Động Trạch, xã Hồng Phong (Ninh Giang) bèo tây dày đặc. Hàng km kênh bị bèo tây phủ kín. Nhiều đoạn rơm rạ rơi xuống lòng kênh cùng với bèo làm ô nhiễm nguồn nước, ách tắc dòng chảy. Ông Nguyễn Văn Cỏn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Phong cho biết: Khoảng 1 tháng trước, xã đã huy động 1.020 ngày công để trục vớt khoảng 67.500 m2 bèo tại các kênh, mương. Nhưng đến nay, bèo lại phát triển trở lại vì thời tiết thuận lợi. Mới hôm qua ở thôn Quang Dực bèo tây nhiều gây úng khi có mưa nên địa phương phải huy động nhân công trục vớt. Hiện nay, xã tiếp tục chuẩn bị cho đợt vớt bèo nữa.

Mỗi năm, xã Hồng Phong thường có 3 lần vớt bèo tây. Tuy nhiên, việc này có nhiều khó khăn do bèo sinh trưởng nhanh, nguồn kinh phí vớt bèo cũng hạn chế. Hiện HTX Dịch vụ nông nghiệp xã chi trả 70 nghìn đồng/ngày công vớt bèo. Số tiền này thấp nên việc tìm người vớt rất khó. Bèo vớt lên để ven bờ kênh, mương, đường giao thông. Khi có mưa, bèo chết thối làm ô nhiễm môi trường. Theo ông Cỏn, năm ngoái, ở một số khu vực không có chỗ để bèo tây vớt lên đã phải dùng thuốc trừ cỏ diệt bèo dù biết việc này gây ô nhiễm môi trường.

Tại huyện Thanh Hà, nhiều con kênh cũng kín đặc bèo tây, nhất là các tuyến kênh, mương do xã quản lý. Chiều 4-7, chúng tôi thấy kênh Cầu Cửa Hàn qua xã Vĩnh Lập bèo tây phủ kín mặt nước. Nguồn nước đen ngòm ô nhiễm ở các con kênh này càng tạo điều kiện cho bèo sinh sôi nhanh. Bèo ở nhiều mương, rạch nhỏ trong vườn vải cũng không được vớt. Ông Lê Văn Hòa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Lập thừa nhận, nhiều kênh, mương còn dày đặc bèo tây do không được vớt thường xuyên. “Tìm người vớt bèo rất khó khăn do nguồn nước bẩn. Nhiều khi phải động viên mãi mới thuê được nhân công. Một số nơi còn không có địa điểm để bèo đã vớt lên. Không ít lần chúng tôi phải lợi dụng tháo nước để đẩy bèo tây ra ngoài”, ông Hòa cho biết.

Chiều 4-7, tại kênh Bá Nha - Thuần qua xã Thanh Cường (Thanh Hà) nhiều mảng lớn bèo tây chết thối do bị phun thuốc diệt cỏ. Con kênh này do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Hà quản lý. Ông Ngô Xuân Thinh, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: Kênh dài 7,2 km, trong đó 6,9 km đã được công nhân xí nghiệp vớt. Còn lại 300 m do lòng kênh rộng, sâu, hai bên không có chỗ để bèo nên xí nghiệp đã hợp đồng với một người dân nhận vớt bèo. Tuy nhiên, người này không vớt mà lại phun thuốc diệt cỏ. Khi phát hiện việc này, xí nghiệp đã yêu cầu người dân phải vớt hết bèo lên. “Chúng tôi không chỉ đạo phun thuốc. UBND huyện Thanh Hà cũng chỉ đạo cấm phun thuốc cỏ để diệt bèo”, ông Thinh cho biết.

Hiện nay, hệ thống kênh, mương đã được phân cấp cho các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, UBND cấp xã quản lý. Ở những tuyến kênh lớn do doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi quản lý, việc giải tỏa bèo tây khá tốt. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, những kênh, mương nhỏ do cấp xã quản lý vẫn tồn đọng nhiều bèo, không được vớt thường xuyên. Nguyên nhân do kinh phí cho vớt bèo tây quá ít. Điều này khiến khả năng tưới, tiêu của công trình thủy lợi bị hạn chế. Tình trạng ngập úng hoặc khô hạn dễ xảy ra hơn.

Tại tỉnh ta, bèo tây được xử lý bằng 4 cách là vớt thủ công, lợi dụng con nước để đẩy ra sông ngoài, phun thuốc diệt cỏ và dùng máy vớt bèo. Phần lớn bèo được xử lý bằng cách vớt thủ công và đẩy ra sông ngoài. Một số nơi dùng thuốc diệt cỏ để diệt bèo nhưng cách làm này gây ô nhiễm môi trường. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và nhiều địa phương đã cấm áp dụng cách này. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh hiện có 2 máy vớt rác thải (trong đó có bèo tây) trang bị cho trạm bơm Đò Neo và trạm bơm Văn Thai. Tuy nhiên, hai máy này hoạt động kém hiệu quả do công nghệ lạc hậu.

Giao khoán cho người lao động

Cách hiệu quả nhất để vớt bèo tây là giao khoán cho người lao động. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang thực hiện tốt cách làm này. Công ty giao khoán cho người lao động của mình phụ trách giải tỏa bèo tây ở từng đoạn kênh, tuyến kênh. Ở những nơi khó vớt bèo, công ty giao khoán hộ dân. Hộ dân sẽ nhận một số tiền để vớt bèo tại tuyến kênh, mương nào đó. Họ có trách nhiệm vớt thường xuyên, khi bèo mới phát sinh sẽ vớt ngay nên rất hiệu quả. Việc này tránh được tình trạng bèo phát triển quá dày mới vớt, rất mất công.


Công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Tứ Kỳ vớt bèo trên kênh Chùa So - Quảng Giang


Theo ông Phạm Văn Cao, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Gia Lộc, tỉnh ta vẫn chưa có hướng dẫn định mức kinh tế, kỹ thuật cho các HTX dịch vụ nông nghiệp chi từ nguồn cấp bù thủy lợi phí. Vì vậy, một số HTX chủ yếu dành kinh phí này để chi lương, tu sửa, bảo dưỡng máy móc... mà ít bố trí kinh phí vớt bèo tây. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng của tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể cho các HTX chi nguồn cấp bù thủy lợi phí. Lúc đó, dựa trên hướng dẫn, các HTX sẽ bố trí chi cho từng hạng mục cụ thể, trong đó có việc vớt bèo tây. Có như vậy, nguồn kinh phí chi cho vớt bèo mới có thể thường xuyên, nâng cao hơn.

NINH TUÂN


Quản lý tốt hơn nguồn nước xả thải vào công trình thủy lợi


Mỗi năm, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phải vớt 2-3 triệu m2 bèo tây. Môi trường nước càng ô nhiễm bèo tây càng phát triển mạnh. Công ty đã khoán cho người lao động vớt bèo. Tuy nhiên, môi trường nước ô nhiễm nên việc vớt bèo có nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng cần quản lý tốt hơn nguồn nước xả thải vào công trình thủy lợi, nhất là nguồn xả thải từ làng nghề, sản xuất công nghiệp, khu dân cư.

TRƯƠNG MẠNH TIẾN(Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh)


Phun thuốc diệt cỏ làm ô nhiễm nguồn nước


Thời gian qua, tại xã tôi có việc phun thuốc trừ cỏ để diệt bèo tây, gây ô nhiễm nguồn nước. Nhiều người dân bức xúc, phản đối cách làm này. Một số người không dám ăn tôm cá đánh bắt ở chỗ đã phun thuốc cỏ. Theo tôi, không nên phun thuốc trừ cỏ diệt bèo mà cần huy động nhân công vớt.

DƯƠNG VĂN NHÍT(Xã Kim Xuyên, Kim Thành)



Bèo tây làm phân bón, che phủ cho ruộng rau màu




Trước đây, người dân dùng bèo tây cho vào chuồng lợn để làm phân bón nhưng nay ít người làm. Nếu dùng chế phẩm sinh học, bèo tây có thể được xử lý để tạo ra phân bón hữu cơ cho cây trồng. Ở xã tôi, một số người dân còn lấy bèo tây để che phủ lên mặt luống trồng rau màu giúp tiết kiệm tiền mua ni-lông, hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho cây. Cơ quan khuyến nông có thể nghiên cứu cách làm này để khuyến cáo người dân các vùng trồng rau màu áp dụng.

NGUYỄN VĂN NGÔ(Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Toàn Thắng, Gia Lộc)