Cách làm hay ở An Lạc

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:53, 15/07/2014

Với sự nỗ lực của Hội Nông dân, đến nay, xã An Lạc (Chí Linh) cơ bản khắc phục được tình trạng bỏ ruộng hoang.



Anh Nguyễn Văn Tám ở thôn Đại đã nhận hơn chục mẫu ruộng bỏ hoang để cấy đem lại hiệu quả kinh tế cao


Đồng ruộng bị bỏ hoang

“Nhìn cỏ lăn, cỏ lác mọc tràn lan trên các thửa ruộng bị bỏ hoang, chúng tôi rất trăn trở. Mình là cán bộ Hội Nông dân mà hội viên lại bỏ đồng ruộng thì sao đành lòng?”.

Năm 2008, nhiều hộ ở các thôn Trại Nẻ, An Bài, Bờ Dọc bỏ ruộng không cấy. Đỉnh điểm là các năm 2010 - 2011, tình trạng bỏ ruộng hoang lan rộng ra các thôn Đại, Bờ Chùa, Bờ Đa. Trong xã có hơn trăm hộ bỏ ruộng hoang, tổng diện tích lên tới hơn 30 ha, gồm cả công điền và đất 03. Trước tình trạng này, Ban Chấp hành Hội Nông dân đã tham mưu cho Đảng ủy xã, đồng thời nhận nhiệm vụ vận động cán bộ, hội viên nhận cấy những diện tích ruộng hoang. Khi đó, các ngành, đoàn thể trong xã ái ngại cho Hội Nông dân với “nhiệm vụ bất khả thi” này. Nhiều người cho rằng, chỉ cần vận động nông dân nhận cấy được 5 mẫu ruộng là đã quá thành công rồi. Anh Dương Văn Luận, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lạc cho biết: “Nhìn cỏ lăn, cỏ lác mọc tràn lan trên các thửa ruộng bị bỏ hoang, chúng tôi rất trăn trở. Mình là cán bộ Hội Nông dân mà hội viên lại bỏ đồng ruộng thì sao đành lòng?”.

Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã bàn bạc, thống nhất cần tìm hiểu nguyên nhân khiến nông dân bỏ ruộng và tâm tư nguyện vọng của từng hộ để có biện pháp tháo gỡ. Qua tìm hiểu, nguyên nhân khiến nông dân bỏ ruộng không cấy là do nhiều diện tích ruộng ở các thôn Trại Nẻ, An Bài, Bờ Dọc bị sụt lún, nhiễm phèn chua, hậu quả của việc khai thác than thổ phỉ những năm trước đây. Những ruộng bị bỏ hoang phần lớn là ruộng xấu, ở xa khu dân cư, đi lại khó khăn, không có kênh mương kiên cố. Trong khi sản xuất lúa không có lãi hoặc lãi thấp thì việc đi làm công nhân, xuất khẩu lao động cho thu nhập đều đặn và cao hơn nên nhiều hộ thiếu lao động bỏ ruộng hoang. “Qua tìm hiểu tâm tư của người dân, thấy có nhiều người vẫn thiết tha với đồng ruộng, thậm chí có người đã đến hỏi tôi có thể mượn ruộng để cấy được không? Chính câu hỏi đó đã gợi ý tưởng về cách làm cho Ban Chấp hành hội”, anh Luận cho biết thêm.

"Ai bỏ ruộng tôi vẫn xin cấy"

Cuối năm 2012, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã giao nhiệm vụ cho các chi hội ở những thôn có ruộng bỏ hoang đến từng nhà để tuyên truyền, vận động các hộ có khả năng nhận cấy ruộng, trong đó chú trọng đến những hộ có nhu cầu, điều kiện nhân lực, phương tiện làm nông nghiệp. Để khích lệ phong trào, nhiều cán bộ, đảng viên đã đi đầu nhận ruộng bỏ hoang để cấy. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ nhận ruộng, hội đã đứng ra làm thủ tục, thỏa thuận cho họ mượn trong 3 năm. Những hộ nhận ruộng cấy sẽ được Hội Nông dân xã hỗ trợ thóc giống, phân bón trả chậm, mua máy nông nghiệp theo đề án của tỉnh, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật... Hội đã hỗ trợ tạo điều kiện cho 7 hộ mua máy nông nghiệp, trong đó có 2 hộ mua máy gặt đập liên hợp, 2 hộ mua máy tuốt lúa, 3 hộ mua máy cày.

Bên cạnh đó, hội còn tích cực xây dựng mô hình câu lạc bộ (CLB) sản xuất nông nghiệp, gồm 5 CLB 2 lúa + 1 màu ở các thôn Đại, Bờ Đa, Bờ Dọc, Bờ Chùa, Trại Nẻ, với tổng diện tích 29 ha; 1 CLB chuyên trồng màu, với diện tích 9 mẫu tại thôn An Bài. Thành viên trong các CLB này sản xuất có hiệu quả, tạo hiệu ứng động viên các nông dân khác gắn bó với sản xuất nông nghiệp.

Những nỗ lực tuyên truyền, vận động và thực hiện một loạt biện pháp hỗ trợ của Hội Nông dân đã đạt được nhiều kết quả. Ban đầu hội đã vận động được 12 hộ nhận ruộng cấy, hộ thấp nhận 1 mẫu, hộ nhiều 9 - 10 mẫu. Thấy có hiệu quả, nhiều hội viên mạnh dạn nhận ruộng cấy, đến nay đã có 25 - 30 hộ nhận tổng diện tích hơn 20 ha, trong đó có 8 hộ nhận cấy từ 2 - 13 mẫu. Trong số những hộ nhận ruộng cấy, có 4 đảng viên là các đồng chí Dương Văn Luận, Dương Văn Dũng, Nguyễn Văn Toán, Dương Đình Thêu. Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Văn Luận đã nhận cấy 1,5 mẫu, còn ông Nguyễn Văn Toán ở thôn Đại nhận cấy 10 mẫu. Anh Nguyễn Văn Tám ở thôn Đại nhận 13 mẫu, nhiều nhất xã. Anh Tám cho biết: "Thấy nhiều nhà bỏ ruộng tôi rất tiếc nên khi các anh ở Hội Nông dân đến vận động tôi nhận ngay. Được sự hỗ trợ của hội từ thủ tục mượn ruộng, thóc giống, phân bón trả chậm đến hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua máy nông nghiệp, tôi càng quyết tâm đầu tư sản xuất. Những ruộng người dân mới bỏ, chỉ phải cải tạo ít và cấy được ngay, nhưng những ruộng bỏ lâu, phải mất nhiều công sức mới cấy lại được. Nếu có diện tích rộng, làm ruộng cũng cho thu nhập cao. Bình quân mỗi vụ tôi đều thu từ 12 - 15 tấn thóc, quy ra tiền 80 triệu đồng. Bây giờ nếu có ai bỏ ruộng tôi vẫn xin cấy”.

Hiện xã An Lạc chỉ còn hơn 10 ha ở các thôn Trại Nẻ, An Bài, Bờ Dọc do đất sụt lún, nhiễm phèn không thể cấy lúa được, một số người dân đề nghị được chuyển đổi sang nuôi thủy sản. Đến nay, xã An Lạc đã cơ bản khắc phục được tình trạng bỏ ruộng hoang. Cách làm của An Lạc đáng để nhiều địa phương trong tỉnh học tập.

VIỆT CƯỜNG