“Cúc muộn” - Nỗi nhớ làng da diết
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 15:41, 15/07/2014
Truyện ngắn của Vũ Thảo Ngọc không nói điều gì to tát, không đưa ra một triết luận hay đúc kết một kinh nghiệm từ cuộc sống, mà chị chỉ tung tẩy kể câu chuyện đời thường với những số phận mới đọc tưởng không có gì “khúc khuỷu”, nhưng càng đọc, càng nghĩ mới thấy đời người quả lắm truân chuyên, và vượt lên được nỗi truân chuyên ấy để sống cho thật là mình mới là điều mà tự trong đáy lòng mỗi người phải giành giật, bứt phá. “Đêm nhớ” là một dạng như thế. Chỉ khoảng bốn nghìn chữ, truyện ngắn như một cuốn phim lúc cận cảnh đặc tả chân dung, lúc lại lia ống kính ra thật xa, đến cả hàng chục năm, rồi ngoắt một cái lại đưa người đọc trở về thực tại, nhưng mạch truyện vẫn rủ rỉ, dung dị, không buồn nhớ tiếc thương đến nẫu lòng, cũng không nặng lời nhiếc móc nhau ầm ĩ. Truyện ngắn mà viết nhiều tầng, nhiều lớp đan cài với những chi tiết, tình huống thoáng đọc tưởng vô lý, nhưng đọc tới phần sau lại bỗng nhận ra sự tài hoa của nhà văn khi “ém nhẹm” chi tiết như đặt “mìn hẹn giờ” chờ phát nổ, tạo bất ngờ cho người đọc, nhất là ở phần cuối với một cái kết mở khá hay. Truyện ngắn “Cúc muộn” như một ký ức thời chiến được triển khai trong không khí hiện tại, được tác giả dụng công xây dựng theo lối đa tầng, từ thực đến ảo, lại từ ảo trở về thực. Tập truyện như một lời nhắc nhở người đọc có cuộc sống nhà cao cửa rộng, phố xá tấp nập hôm nay cũng nên dành phút nghĩ suy về chính cái nhà mình đang ở, cái chỗ mình đang đứng, để từ đó biết giữ gìn, tôn trọng những kỷ niệm, những ý thích, dù là rất nhỏ, mà một thời đã đam mê, theo đuổi. Vận dụng tối đa ưu thế của cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất (tôi), “Cúc muộn” dựng nên một khung cảnh đô thị mới với san sát nhà tầng và những căn nhà như biệt thự liền kề. Thế nhưng, hàng xóm liền nhà nhau mà không mấy khi gặp mặt nhau, thậm chí có lúc muốn nói chuyện với nhau cũng phải “qua khe song sắt cửa bảo hiểm”. Con người thời hiện đại với nhà tầng, tiện nghi đầy đủ, nhưng nhiều lúc lại thấy mình như bị cách ly, bị cô đơn với thế giới bên ngoài. Đến nỗi “tôi” (nhân vật chính) nhiều khi thèm nhìn về cái làng êm đềm bên sông và đi giữa cánh đồng lúa chen dầy, thơm mùi no ấm, nhưng đâu có được. Ngay một sở thích nhỏ là được thấy hoa cúc dìu dịu mùi thơm mà xưa kia, khi còn ở làng vẫn ra đồng hoa chăm chút, ngắt hái, mang đi bán. Nỗi nhớ làng, nhớ mùi hoa nhiều lúc đến da diết. Thế nên khi đứng giữa vùng xanh và may lại gặp người trồng hoa là một cô gái vui chuyện đã kể cho nghe về khu đô thị này, xưa là trận địa phòng không của “chúng em” từng bắn rơi “thần sấm, con ma” Mỹ. Và thật bất ngờ, khi chính nơi mình đang sống lại ký ức chứa bao điều kỳ diệu một thời, thì được biết cô gái đang kể chuyện đất làng, kể chuyện đồng hoa, lại chính là em cô gái y tá năm xưa. “Cúc muộn” là một truyện ngắn hay, đáng để đặt tên cho cả tập sách.
Sau 5 năm, kể từ khi tập truyện ngắn “Búp bê gỗ” (2009) ra đời, lần này nhà văn Vũ Thảo Ngọc lại cho ra tập “Cúc muộn”. So với tập trước, ở tập truyện này chị có bước tiến khá rõ trong cách dựng truyện, dẫn truyện, bớt đi sự dông dài, lan man mà tập trung vào mạch chính, nhân vật chính, với những tình huống, chi tiết sống động, tạo được bất ngờ gây sự chú ý cho người đọc. Với một lối kể chuyện dung dị, có duyên và thoáng hoạt, Vũ Thảo Ngọc tạo được phong cách truyện ngắn riêng cho mình. Đọc truyện của chị như luôn tìm thấy sự mới mẻ trong ý tứ, không khí truyện, cách dẫn truyện lại đa tầng, nhiều lớp và giàu chi tiết sống động. Nhưng chị cũng nên chú trọng hơn trong việc xây dựng nhân vật sao cho có hình hài, tính cách, số phận rõ nét và cách ứng xử phù hợp hơn với đời sống nhân vật. Dẫu còn đôi “hạt sạn”, thì “Cúc muộn” vẫn là tập truyện ngắn đánh dấu bước tiến của nhà văn Vũ Thảo Ngọc trên con đường văn chương.
CAO NĂM