Doanh nghiệp vẫn loay hoay vay vốn
Thị trường - Ngày đăng : 05:57, 19/07/2014
Việc ngân hàng định giá tài sản thấp khiến nhiều doanh nghiệp khó vay được vốn
Trong ảnh: Sản xuất, chế biến gỗ ở Công ty CP TMĐ (Gia Lộc)
Vướng ở tài sản bảo đảm
Hiện nay, việc đăng ký giao dịch bảo đảm vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tiến độ cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (SDĐ) sang giấy chứng nhận quyền SDĐ và tài sản gắn liền vẫn chậm, nhất là ở địa bàn nông thôn. Do đó, về cơ bản, việc đăng ký giao dịch bảo đảm chỉ được các văn phòng đăng ký giao dịch bảo đảm đăng ký cho phần quyền SDĐ mà không đăng ký cho phần tài sản gắn liền trên đất, gây khó khăn cho khách hàng và ngân hàng khi ký kết hợp đồng thế chấp tài sản là quyền SDĐ và tài sản gắn liền trên đất. Đây là vấn đề khiến rất nhiều doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng dù có tài sản đầu tư xây dựng nhà xưởng, cơ sở vật chất rất lớn. "Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng trên đất được cấp. Đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ, giúp cho doanh nghiệp vay vốn để sản xuất, kinh doanh", ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Việt Tiên Sơn nói.
Công ty CP Đầu tư Thành Đô đang chuẩn bị các điều kiện để đầu tư dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương). Tổng mức đầu tư của dự án 189 tỷ đồng, gồm hai tòa nhà (một tòa 8 tầng với khoảng 77 căn hộ, một tòa 15 tầng với khoảng 228 căn hộ). Công ty có nhu cầu vay khoảng 100 tỷ đồng để thực hiện dự án. Hiện nay, các thủ tục hành chính đã hoàn tất, doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị khởi công dự án. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn chưa thể vay vốn từ gói 30 nghìn tỷ đồng của Chính phủ dành cho các dự án nhà ở xã hội để triển khai thực hiện. Ông Phạm Văn Mạnh, Phó giám đốc chi nhánh Công ty CP Đầu tư Thành Đô tại Hải Dương cho biết, đơn vị đã tiếp cận với một số ngân hàng được cho vay gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc. Công ty sẵn sàng thế chấp toàn bộ diện tích đất của dự án và toàn bộ tài sản sẽ hình thành từ dự án để được vay vốn. Để trả nợ ngân hàng, công ty sẽ chuyển giao toàn bộ các căn nhà ở xã hội của dự án cho ngân hàng quản lý. Khách hàng sau khi mua căn hộ sẽ trực tiếp thanh toán cho ngân hàng. Sau khi ngân hàng đã thu hồi đủ vốn và lãi thì ngân hàng giải chấp và bàn giao lại tài sản thế chấp cho công ty quản lý.
Tắc cả hai đầu
Khu nhà ở thương mại thuộc thành phần dự án nhà ở xã hội Tuệ Tĩnh đang được xây dựng, tuy nhiên phần nhà ở xã hội lại chưa thể triển khai thi công do chưa vay được vốn
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Dương, đến 30 - 6, doanh số cho vay trên địa bàn tỉnh tăng 11,3%, doanh số thu nợ tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, so với cuối năm 2013, dư nợ liên tiếp tăng trưởng âm với tốc độ giảm khá sâu, nợ xấu tăng. Mặc dù các tổ chức tín dụng đã rất tích cực, chủ động tìm kiếm, tiếp xúc, kết nối với khách hàng, liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, có nhiều gói lãi suất ưu đãi nhưng tín dụng vẫn khó tăng trưởng. Nguyên nhân do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều tiến triển, niềm tin vào thị trường ít được cải thiện, sức cầu của nền kinh tế giảm, đầu tư công hạn chế, giá cả đầu ra giảm, đầu vào tăng, hàng tồn kho cao đã tác động tiêu cực và cản trở doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn một số bất cập như việc cấp, đổi giấy chứng nhận quyền SDĐ và tài sản gắn liền, đăng ký giao dịch bảo đảm chậm, không thống nhất giữa một số huyện, thành phố gây khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng khi triển khai ký kết hợp đồng tín dụng.
Ông Đoàn Bá Đàm, Giám đốc Công ty CP TMĐ (Gia Lộc) cho biết, để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp chỉ được thế chấp tài sản trên đất mà không được thế chấp bằng đất thuê nên rất khó khăn. Các ngân hàng định giá tài sản là bất động sản cũng rất thấp. Chẳng hạn, doanh nghiệp có nhà đất trị giá 1 tỷ đồng theo giá thị trường nhưng chỉ có thể vay được hơn 500 triệu đồng. Đây là vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, vì vậy, Nhà nước cần có giải pháp để sớm tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay còn các ngân hàng cũng cho vay được vốn.
Nền kinh tế đã và đang có sự phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng đang lâm vào tình trạng tồn đọng nguồn tiền, trong khi đó vẫn còn không ít doanh nghiệp muốn có vốn để sản xuất, kinh doanh nhưng lại không thể vay. Vì vậy, Nhà nước, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần tích cực vào cuộc, sớm có những giải pháp để tháo gỡ những "nút thắt". Qua đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp và ngân hàng khắc phục khó khăn, khơi thông dòng vốn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
NGUYỄN THỊ BÀI -Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương |
Hiện tại, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam đang được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh áp dụng phổ biến ở mức từ 8 - 12,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn; 10 - 13,8%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay bằng USD ngắn hạn phổ biến ở mức từ 2 - 4%/năm; trung và dài hạn ở mức 5,5%/năm. Các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi tùy theo đối tượng khách hàng hay ngành nghề ưu tiên như: gói kích cầu áp dụng mức lãi suất từ 5 - 8%/năm; gói cho vay cá nhân, hộ gia đình lãi suất cạnh tranh tháng đầu tiên là 6,99%/năm; cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ lãi suất dao động từ 7 - 9%/năm... Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay tương đối thấp, giảm từ 0,5 - 1% so với cuối năm 2013. |
VŨ ÚY