Nhớ ngày hòa bình lập lại
Tin tức - Ngày đăng : 08:26, 20/07/2014
Trong ký ức của nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cảm xúc được hưởng những ngày hòa bình đầu tiên sau gần 9 năm kháng chiến vẫn vẹn nguyên.
Bộ đội vào tiếp quản thị xã Hải Dương tháng 10-1954. Ảnh tư liệu
60 năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20-7-1954 - 20-7-2014), nhưng trong ký ức của nhiều cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh được chứng kiến thời khắc lịch sử đó, cảm xúc được hưởng những ngày hòa bình đầu tiên sau gần 9 năm kháng chiến vẫn vẹn nguyên.
Niềm vui được trở về công tác
|
Mặc dù chế độ, chính sách của cán bộ hầu như chưa có gì, nhưng trước bề bộn khó khăn sau gần 9 năm bị Pháp chiếm đóng, toàn bộ lực lượng cán bộ, đoàn thể đều dốc hết sức để tham gia công tác. Tuy là cán bộ khu nhưng ông Tài và nhiều cán bộ được điều động về hỗ trợ địa phương, với tinh thần cán bộ là người tỉnh nào thì trực tiếp về hoạt động ở tỉnh đó. Ông Tài nhớ lại, sau đình chiến cũng là thời gian nhân dân trong tỉnh đang phải đối mặt với nạn đói và hạn hán. Toàn tỉnh có đến 1/3 số dân thiếu đói, nhiều nhà phải ăn độn hoặc đứt bữa. Bên cạnh đó, tuy Hiệp định Geneva (Giơ-ne-vơ) đã được ký kết, nhưng thực dân Pháp rất ngoan cố. Tại Hải Dương, từ ngày 24-8 đến ngày 19-9-1954, quân Pháp 4 lần vây ráp các xã thuộc 2 huyện Thanh Hà, Cẩm Giàng. Ngay trên đường phố Hải Dương, hầu như ngày nào cũng xảy ra các vụ cướp giật, bắt cóc. Quân Pháp còn ra sức phá hoại sản xuất, đập phá cầu cống, nhà cửa, tiêu hủy tài liệu, máy móc, vận động giáo dân di cư... Trước chồng chất khó khăn, Tỉnh ủy đã chỉ thị cho các ngành, các giới phải làm tốt công tác tuyên truyền để quần chúng hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ đối với vùng mới giải phóng, đồng thời tập trung lực lượng lãnh đạo quần chúng đấu tranh ngăn chặn các hành động phá hoại của địch. Ông Tài cùng cán bộ tỉnh được tăng cường xuống một số xã của huyện Gia Lộc để tổ chức, vận động nhân dân tham gia sản xuất, đào kênh, ngòi chống hạn; tuyên truyền, giúp đỡ nhân dân yên tâm sản xuất, đấu tranh chống địch vận động đồng bào di cư vào Nam; tham gia vận động nhân dân các huyện Chí Linh, Kinh Môn tăng gia, trồng các loại cây ngắn ngày như sắn, khoai để chống đói. Cán bộ còn được trưng dụng đi vận động các nhà buôn bán hảo tâm ủng hộ của cải, vật chất để giúp đồng bào thiếu đói. Với sự khẩn trương, tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền, bộ đội, du kích và lực lượng các đoàn thể, ngay vụ mùa năm 1954, nông dân toàn tỉnh đã khai hoang, phục hóa được hơn 3.000 mẫu ruộng để gieo cấy.
Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ có hiệu lực, ông Phạm Đức Nhưỡng (90 tuổi, ở khu 3, Nhị Châu, TP Hải Dương) và 4 đồng chí là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) xã Ngọc Châu cũng có chung niềm phấn khởi là được trở về công khai hoạt động tại địa phương, được gần gũi nhân dân và trực tiếp gắn bó với phong trào. Làng Nhị Châu quê ông trước đó là vùng tề với 95% số gia đình có người đi lính cho Pháp. Vì là vùng có đông đồng bào công giáo, việc đầu tiên của UBKCHC là lập tức tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho bà con hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng để ở lại yên tâm sản xuất. Công tác giáo dục người lầm lỗi được giao cho các đoàn thể. Suốt 4-5 tháng sau khi Hiệp định được ký kết, đêm nào chi bộ và ủy ban cũng tổ chức họp để vận động, tuyên truyền nhân dân và binh lính ngụy hiểu rõ chính sách khoan hồng của ta để yên tâm ở lại sinh sống. Ủy ban đã thuyết phục được 37 hộ công giáo ở làng chài Kim Lai không di cư. Vốn là khu vực Pháp dựng nhiều đồn bốt để canh giữ khu vực cầu Phú Lương, ngay sau khi có Hiệp định, UBKCHC xã nhanh chóng vận động nhân dân phá dỡ đồn bốt, lấy vật liệu, thiết bị để làm cầu cống...
Tái thiết quê hương
Ngay sau ngày Hải Dương hoàn toàn được giải phóng (30-10-1954), trong bài nói chuyện với đồng bào Hải Dương ngày 3-11-1954, Chủ tịch Ủy ban Quân quản (UBQQ) tỉnh Lê Thiết đã chỉ rõ các vấn đề chính nhằm sớm tái thiết, xây dựng và ổn định đời sống của đông đảo nhân dân. Bài phát biểu đã nêu rõ những khó khăn khi quân đội Pháp sắp rút khỏi thị xã Hải Dương, như: "nhân dân nặng trĩu lo âu vì tính mệnh, tài sản không được bảo đảm, buôn bán khó khăn...; đường sá hư hỏng, công việc vệ sinh ngừng trệ, nước nôi thiếu thốn; các công sở bị phá phách, đóng cửa gần hết, trường học trông rất điêu tàn, không còn một bộ bàn ghế, một học cụ nào...". Trước tình hình đó, UBQQ kêu gọi đồng bào yên tâm, thực thi và tin tưởng vào 8 chính sách do Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã đề ra ở các đô thị mới giải phóng. UBQQ cũng đề ra một số việc liên quan mật thiết đến đời sống của đồng bào. Trước hết là vấn đề bảo hộ công thương nghiệp, phải bảo đảm mọi kho tàng, nhà máy, cửa hiệu, xí nghiệp của tư nhân đều được bảo hộ, không ai được xâm phạm. Các công việc làm ăn, buôn bán được diễn ra bình thường. Tiếp đó là chỉ đạo việc đổi tiền để không hại cho tài chính quốc gia và đỡ thiệt thòi cho đồng bào. Vấn đề thứ ba là khẳng định về vai trò của mậu dịch quốc doanh có nhiệm vụ đoàn kết với thương gia tư nhân để điều hòa giá cả thị trường, giúp đỡ lẫn nhau để công, tư đều có lợi, làm cho đời sống nhân dân tiến tới. Rồi các nhiệm vụ về lĩnh vực thuế, tiếp thu và quản lý các công sở; đối với các viên chức trong các cơ quan chính quyền cũ và đối với sĩ quan, binh lính trong quân đội Pháp và Bảo Đại còn lại tại Hải Dương.
Giữa tháng 11-1954, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác tiếp thu vùng mới giải phóng và đề ra một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt, trong đó tập trung ổn định vùng nông thôn mới giải phóng; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang, đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch, giữ gìn trật tự an ninh, củng cố hệ thống tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng.
Hiệp định Giơ-ne-vơ đã chính thức mở ra thời kỳ hòa bình, mang lại cơ hội thuận lợi để nhân dân ta bắt tay vào công cuộc tái thiết miền Bắc, trở thành một hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
LINH AN