Lượng nhiều, chất thấp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:48, 23/07/2014
Tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất ít được các địa phương quan tâm dẫn đến việc tiêu chí tăng về số lượng, song chất lượng còn hạn chế...
Do vốn ít nên một số HTX dịch vụ nông nghiệp phải thuê máy móc phục vụ xã viên
Nhiều HTX yếu kém
Xã Cẩm Đông có HTX Dịch vụ nông nghiệp hoạt động khá của huyện Cẩm Giàng. Với những dịch vụ không cần nhiều vốn như thủy nông, bảo vệ thực vật, chuyển giao kỹ thuật HTX làm tương đối tốt. Tuy nhiên, với những tiêu chí cần vốn thì mức độ phục vụ của HTX còn cầm chừng. Xã Cẩm Đông có gần 250 ha đất cấy lúa nhưng HTX mới thực hiện dịch vụ làm đất được 40 ha. HTX hợp đồng với nhân dân, sau đó thuê máy bên ngoài vì không có máy. Mỗi năm HTX cung ứng 50 tấn phân lân, 5 tấn thóc giống theo hình thức trả chậm, đáp ứng được 50% nhu cầu của nhân dân trong xã. Về trình độ cán bộ HTX cũng vậy, trong số 25 cán bộ, nhân viên của HTX chỉ có 3 người có trình độ đại học (tại chức), 1 người trung cấp, còn lại đều là sơ cấp và THPT. Ông Phạm Văn Thoa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Đông cho biết: "Việc tập huấn cho cán bộ HTX hoặc đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất đều là chương trình thường xuyên, các năm trước đây vẫn thực hiện. Còn nếu nói để đầu tư riêng cho nông thôn mới (NTM) thì HTX chưa nhận được gì. Vốn để hoạt động cũng đều do xã viên đóng góp, chúng tôi chưa nhận được hỗ trợ".
Thực trạng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Đông cũng là thực tế của các HTX dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh hiện nay. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, đến nay đã có 207 xã đạt được tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, tăng 14 xã so với trước khi triển khai xây dựng NTM, song trình độ cán bộ, chất lượng hoạt động của các HTX còn nhiều hạn chế. Qua khảo sát, chỉ có 5% số cán bộ của ban quản trị và 2% số cán bộ ban kiểm soát có trình độ cao đẳng, đại học; trung cấp cũng chỉ chiếm 14 và 20%, còn lại đều là sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo. Hầu hết các HTX dịch vụ nông nghiệp đều không có trụ sở mà phải làm việc nhờ trụ sở UBND xã, tại nhà văn hóa thôn, thậm chí làm việc tại nhà riêng. Số lượng dịch vụ mà các HTX thực hiện cho xã viên cũng hạn chế, các loại dịch vụ như diệt chuột, làm đất... mới chỉ có dưới 20% số HTX thực hiện... Đến năm 2013, khi được UBND tỉnh tăng mức hỗ trợ thủy lợi phí thì dịch vụ thủy nông mới có lãi, còn trước đây đều lỗ, những dịch vụ khác có lãi nhưng không nhiều, chỉ đạt từ 2-4 triệu đồng/HTX. Riêng 27 HTX thực hiện dịch vụ diệt chuột thì bị lỗ trung bình 1,1 triệu đồng/HTX. Chính vì số lượng dịch vụ ít, chất lượng không cao, lợi nhuận thấp như vậy nên lương của cán bộ HTX chỉ đạt từ 57-70% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Thậm chí có HTX lương của cán bộ Ban quản trị chỉ đạt 240 nghìn đồng/người/tháng, cán bộ giúp việc đạt 144 nghìn đồng/người/tháng. Theo phân loại 6 tháng đầu năm nay, có 35% HTX đạt khá, giỏi, 47% đạt trung bình, còn lại 22% là yếu, kém.
Cần được quan tâm hơn
Hằng năm, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đều trích kinh phí cho chương trình xây dựng NTM. Thời gian gần đây, tỉnh đã xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích các xã đăng ký hoàn thành sớm như: hỗ trợ 30% kinh phí cho hạng mục giao thông nông thôn; 60% kinh phí cho kênh mương xây mới; các công trình khác như trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, sân vận động... được hỗ trợ 70% kinh phí. Tiêu chí môi trường cũng được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện các công trình nước sạch, xây dựng bãi chôn lấp rác, thành lập tổ vệ sinh môi trường... Trong khi đó, tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất lại ít được quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm nay, mới có 4 HTX được vay từ các quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổng số 6,1 tỷ đồng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng còn hạn chế. Liên minh HTX tỉnh tổ chức được 2 lớp cho trên 170 cán bộ HTX với các nội dung về công tác kế toán, trồng trọt, chăn nuôi và triển khai Luật HTX năm 2012, Nghị định 193 hướng dẫn thi hành Luật HTX.
Hiện một số nơi chính quyền vẫn còn can thiệp sâu vào việc điều hành kinh doanh dịch vụ của HTX. Nhiều nơi chưa chủ động xây dựng kế hoạch và đưa cán bộ HTX đi đào tạo chuyên môn, đặc biệt là cán bộ đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn trước khi bổ nhiệm. Cũng có nơi, cán bộ được đào tạo, có trình độ chuyên môn thì lại chuyển sang các bộ phận khác.
Ông Hà Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: "Thực chất các HTX thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư về cơ sở vật chất cũng như vốn để hoạt động, vẫn phải tự lo vốn sản xuất, kinh doanh. Số lượng các HTX được vay vốn ít, thời gian vay cũng không được dài. Một số khâu dịch vụ mà HTX cung cấp cho nhân dân thì tư nhân cũng làm nên cạnh tranh lớn. Thậm chí tư nhân có vốn lớn nên việc cung ứng tốt hơn HTX. Có dịch vụ nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ bị lỗ".
Để nâng cao chất lượng hoạt động, các HTX cần xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn về phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm cơ sở để huy động vốn. Các HTX cần cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là kế toán HTX. Phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật HTX, các văn bản pháp luật có liên quan và điều lệ HTX về kết nạp và khai trừ xã viên. Về phía các cơ quan nhà nước cũng cần tạo điều kiện để các HTX hoạt động đúng luật và các văn bản pháp quy, không can thiệp vào hoạt động của HTX khi HTX không vi phạm pháp luật. Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, hỗ trợ các HTX xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lãi suất tiền vay khi mua máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các HTX.
THANH HÀ