Trọn tình, vẹn nghĩa

Đời sống - Ngày đăng : 08:41, 27/07/2014

Bố tôi là một thương binh thời chống Mỹ, cánh tay phải của ông đã để lại chiến trường, khuôn mặt ông lỗ chỗ những vết thương của mảnh pháo.



Ông trở về quê hương, sau giám định thương tật, ông là thương binh hạng 2/4, nhưng với mẹ tôi đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời.

Điều hạnh phúc hơn nữa với bố mẹ là khi sinh hai anh em chúng tôi, cả hai đều không bị di chứng của chất độc da cam. Bố đã mừng ứa nước mắt khi biết điều đó. Bố kể: “Điều mà đến nay bố không thể nào lý giải nổi là tại sao các con lại không bị di chứng của chất độc tai hại đó. Bởi vì những đồng đội cùng đơn vị với bố hầu hết khi sinh con ít nhiều cũng bị nhiễm di chứng đó”.

Tuy chỉ còn cánh tay trái nhưng việc gì bố cũng làm rất giỏi. Từ bổ củi, cuốc đất, trồng trọt đến nấu cơm, chăm lo cho cuộc sống gia đình bố đều làm rất chu đáo và vẹn toàn, vì lúc đó mẹ tôi đang là công nhân của nông trường nên mọi công việc đều do một tay bố đảm nhận. Điều khiến anh em tôi rất tự hào là bố chưa bao giờ có tư tưởng “công thần địa vị” với ai. Mọi chế độ thương binh, chất độc da cam với bố đó là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm động viên đối với những người có công với nước chứ không phải là bổng lộc gì. Hằng ngày bố khuyên anh em chúng tôi: “Các con học cho giỏi, học bằng trí tuệ và sức lực của mình, đừng ỷ lại vào bố là thương binh để được cộng điểm ưu tiên, như vậy là không nên chút nào. Thương binh đó là vết thương đau đớn không riêng gì đối với mọi thương binh như bố mà nó còn là nỗi đau của cả dân tộc vì họa xâm lược của những thế lực nước ngoài. Vì thế mà điểm số các con lấy từ sự hy sinh mất mát đó chẳng vinh quang chút nào cả mà hãy lấy số điểm đó từ trí tuệ của các con, đó mới là niềm tự hào các con ạ!”. Những lời căn dặn của bố càng khiến cho hai anh em tôi nỗ lực phấn đấu học tập hơn nữa. Năm tôi học lớp 11, em gái học lớp 9 thì một tai họa giáng xuống gia đình tôi. Mẹ tôi bị tai biến mạch máu não liệt nửa người nằm một chỗ. Trước tình cảnh đó tôi nói với bố xin nghỉ học để ở nhà cùng bố phục vụ mẹ. Nhưng bố động viên: “Việc học vì tương lai của các con, bố không muốn vì chuyện nhỏ nhặt này mà làm mất đi tiền đồ tươi sáng của các con được. Điều các con nên làm hôm nay là cố gắng học thật giỏi, không được nghĩ đến chuyện nghỉ học nghe chưa?”. Đúng là bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trong bố vẫn luôn tỏa sáng, không những khi đối mặt với kẻ thù giữa cái sống cái chết cận kề mà ngay cả với những khó khăn trong cuộc sống đời thường. Bố đã vượt lên tất cả để thể hiện mình, thể hiện tấm gương của một người thương binh “tàn nhưng không phế”. Hai anh em tôi học xa phải ở trọ, vậy mà hằng tháng bố vẫn gửi tiền, gạo chu cấp cho hai anh em không thiếu thứ gì. Bằng đồng lương thương binh ít ỏi của bố cộng với sự siêng năng làm việc, những đồng tiền đó đã giúp anh em chúng tôi học xong đại học. Cả hai anh em tôi lại nhận công tác ở một huyện miền núi cách nhà trên 50 km. Biết được tin đó, bố động viên: “Thời buổi này có nơi nhận các con vào làm việc là tốt lắm rồi, cứ yên tâm công tác, chuyện của mẹ con, bố đã lo được hơn chục năm rồi có gì đâu mà các con phải lo lắng. Các con không thể chăm mẹ bằng bố được đâu. "Con chăm cha không bằng bà chăm ông" mà. Nếu các con có hiếu thì hằng tháng gửi về cho mẹ con mấy đồng để bà ấy vui”. Chính nhờ sự động viên cổ vũ của bố mà anh em tôi an tâm công tác và ai cũng thành đạt, có một gia đình riêng cho mình. Giờ đây bố đã ngoài bảy mươi, tuổi cao sức yếu, đã hơn 20 năm bố vẫn săn sóc mẹ bằng tình cảm phu thê một cách chân thành âu yếm và đầy tình cảm mặn nồng không hề vơi cạn. Căn nhà cấp bốn được đồng đội xây cất cho bố đã sưởi ấm không những tình cảm cuộc sống vợ chồng mà nó còn sưởi ấm tình đồng đội đồng chí...

VÕ HOÀNG NAM