Làm gì để bảo tồn?
Di tích - Ngày đăng : 03:53, 28/07/2014
Trong khi nhiều công trình xuống cấp thì xã hội hóa được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích...
Chân cột nhà bia chùa Cao Xá, xã Cao An (Cẩm Giàng) đã bị mục nát
Trải qua thời gian, phần lớn các di tích đều rơi vào tình trạng hư hại, xuống cấp. Trong khi đó, hàng năm số lượng các di tích được trùng tu, tôn tạo không nhiều khiến việc bảo tồn di tích trở thành bài toán khó.
Trùng tu "nhỏ giọt"
Chùa Giám ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Giàng) là một trong 3 di tích liên quan đến cuộc đời Thiền sư, Đại danh y Tuệ Tĩnh. Nổi tiếng với các công trình kiến trúc cổ độc đáo, ngôi chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1974. Tuy nhiên, công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đứng ngoài sân nhìn lên mái tòa thượng điện có thể thấy rất nhiều mảng ngói bị sụt lõm. Trong thượng điện, xà gỗ đã bị mục, hỏng. Nhà chùa đã mấy lần thuê thợ lợp lại, song vẫn không khắc phục được. Mỗi khi mưa, nhà chùa phải dùng bạt che tượng và các đồ thờ tự tránh bị hư hại. Ngoài ra, tòa cửu phẩm cũng đang bị nghiêng và có rất nhiều mộng, khớp nối đã há. Để tránh nguy hiểm, nhà chùa phải dán biển cảnh báo du khách không được quay. Ông Nguyễn Đình Hài, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Giàng cho biết, cách đây vài năm, huyện đã kiểm tra, đánh giá sự xuống cấp của chùa Giám và báo cáo lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên đến nay, công trình vẫn chưa được phê duyệt trùng tu. Về phía địa phương do nguồn kinh phí hạn hẹp nên đành bất lực.
Cũng theo ông Hài, huyện Cẩm Giàng hiện có 264 di tích các loại, trong đó có trên 30 di tích được xếp hạng. Rất nhiều di tích lịch sử cũng đang đối mặt với tình trạng xuống cấp như đình thôn La (xã Kim Giang), chùa Cao Xá (xã Cao An)... Năm 2014 này, huyện cũng đề nghị cấp kinh phí tu bổ chùa Phú Lộc (xã Cẩm Vũ) và đình Phượng Hoàng (xã Cẩm Hoàng), nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), tỉnh ta hiện có trên 2.200 di tích tôn giáo tín ngưỡng, 116 di tích cách mạng, trong đó có trên 300 di tích được xếp hạng. Do được xây dựng từ lâu nên phần lớn các di tích đều rơi vào tình trạng hư hại, xuống cấp. Trong khi đó, nguồn kinh phí Trung ương, địa phương dành cho việc trùng tu, tôn tạo di tích có hạn. Ông Vũ Văn Tăng, Trưởng Phòng Thẩm định công trình (Sở VHTTDL) cho biết, mỗi năm, từ nguồn vốn sự nghiệp Trung ương và của tỉnh có từ 10-12 di tích xuống cấp được tu bổ, tôn tạo. Ngoài ra, từ nguồn vốn đầu tư phát triển của cấp trên thường xuyên có 2-3 di tích được trùng tu lớn. Tuy nhiên, so với số lượng các di tích đang đối mặt với sự hư hại, xuống cấp thì chẳng thấm tháp gì. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí liên tục bị cắt giảm như năm 2013 cắt giảm 30%, năm nay cắt giảm 61%. "Với số tiền trung bình 150 triệu đồng cho tu bổ mỗi di tích mỗi năm, có tâm huyết cũng không thể làm được", ông Tăng khẳng định.
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa
Ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Giang cho biết, huyện có 216 di tích, trong đó có 10 di tích được xếp hạng quốc gia, 13 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Có rất nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo lớn, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Đình Bồ Dương (xã Hồng Phong) trùng tu năm 2009 với kinh phí 10 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Đền Tranh (xã Đồng Tâm) quy hoạch mở rộng, xây dựng và nâng cấp nhiều hạng mục với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, chủ yếu từ tiền công đức. Đền thờ Khúc Thừa Dụ, mỗi năm nhân dân công đức hàng trăm triệu đồng hoàn thiện các hạng mục phụ trợ... Trong khoảng 10 năm (từ 2001 - 2011), toàn huyện đã có 128 di tích được tu bổ, tôn tạo, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa.
Thị xã Chí Linh hiện quản lý 10 di tích lịch sử quốc gia, 12 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và hàng trăm di tích, di chỉ cổ đang được nghiên cứu, khảo sát, phục dựng, xếp hạng. Trước tình trạng nhiều di tích bị xuống cấp, thị xã đã thành lập Ban Quản lý di tích với mục đích quy hoạch tổng thể và lập dự án trùng tu, tôn tạo; tuyên truyền tới nhân dân, du khách thập phương công đức tôn tạo cho từng công trình theo nguyện vọng của người công đức. Với cách làm đó, những năm qua, thị xã đã huy động 24 tỷ đồng cho 3 dự án tại đền Chu Văn An; 8 tỷ đồng cho 2 dự án tại đền Sinh, đền Hóa; trên 3 tỷ đồng cho 2 dự án tại di tích đền Cao An Lạc; 18 tỷ đồng cho trùng tu đền thờ Nguyễn Thị Duệ, 5 tỷ đồng cho trùng tu chùa Thanh Mai…
Theo thống kê của Sở VHTTDL, từ năm 2001 đến nay, mỗi năm các tổ chức xã hội, nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp từ 10-15 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích. Ngoài các di tích đã được xếp hạng, nhiều di tích tại các thôn, khu dân cư cũng được tôn tạo và gìn giữ bởi chính người dân địa phương.
Để huy động mạnh mẽ các nguồn lực tham gia trùng tu, tôn tạo các di tích, các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ trách nhiệm đối với vốn di sản, văn hóa của cha ông. Ngoài ra, cũng cần tìm tòi, phục dựng lại các giá trị lịch sử văn hóa vốn có, làm sinh động các lễ hội để thu hút du khách. Bên cạnh đó, ngành VHTTDL cần tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác xã hội hóa, quản lý và sử dụng các nguồn xã hội hóa như tiền công đức, tiền bán vé, tiền tài trợ, tiền kinh doanh dịch vụ sao cho công khai, minh bạch.
NGỌC HÙNG