Thiết bị y tế vỏ Đức, ruột Trung Quốc
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:33, 30/07/2014
Ngày 29-7, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, tổ trưởng tổ công tác kiểm tra thiết bị y tế tại Hà Nội - cho biết qua xác minh ban đầu tại hai bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức và Thường Tín cho thấy vỏ máy xét nghiệm sinh hóa tự động có dấu hiệu “đầu dê, ruột chó”.
Cụ thể, theo hợp đồng, máy xét nghiệm sinh hóa tự động xuất xứ từ Đức (trị giá 648 triệu đồng/máy) nhưng mở bên trong (mới mở một số bộ phận) thấy 3/4 cánh quạt sản xuất tại Trung Quốc, một cánh quạt còn lại sản xuất tại Việt Nam. Xem xét các môtơ cũng cho thấy sản xuất tại Trung Quốc.
Nhập khẩu qua B “phẩy”
Tổng rà soát thiết bị y tế Ngày 29-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo khẩn trương làm rõ việc mua sắm, đấu thầu và sử dụng thiết bị y tế trên địa bàn. Tại cuộc gặp với báo giới chiều cùng ngày, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cũng thừa nhận sẽ phải tiếp tục mở rộng rà soát thiết bị y tế trên địa bàn, do các máy xét nghiệm sinh hóa TYB 20S được cung cấp trong gói thầu cúm gia cầm cũng đang bị các kỹ thuật viên xét nghiệm kêu rất nhiều do trục trặc khi vận hành. |
Theo giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, máy xét nghiệm sinh hóa kể trên nằm trong gói thầu số 4 nguồn trái phiếu Chính phủ gồm 14 loại thiết bị y tế, trong đó có sáu máy xét nghiệm sinh hóa tự động được cấp cho sáu bệnh viện tuyến huyện gồm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Thường Tín, Vân Đình, Thanh Oai, Phú Xuyên và Quốc Oai.
Theo hợp đồng, máy có tên Greiner GA240 xuất xứ từ Đức, do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản cung cấp.
Tuy nhiên, theo kiểm tra của tổ công tác thuộc Sở Y tế ngày 28 và 29-7 tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và Vân Đình, trên vỏ máy ghi sản xuất tháng 5-2010, xuất xứ Đức, nhưng kiểm tra một số bộ phận bên trong cho thấy 3/4 cánh quạt và toàn bộ môtơ được sản xuất tại Trung Quốc, cánh quạt còn lại xuất xứ Việt Nam.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2010, nhưng đến tháng 3-2013 thì máy tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bị hỏng bóng đèn, tháng 6-2013 máy đặt tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín cũng hỏng bóng đèn đến nay chưa khắc phục được, chưa kể các trục trặc phần mềm phải sửa chữa.
Theo báo cáo của trưởng khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Thường Tín Nguyễn Thị Phương, tốc độ trả kết quả xét nghiệm của máy Greiner GA240 kể trên rất chậm, 2 giờ 30 phút mới được 38 kết quả, trong khi lý thuyết thì mỗi giờ máy trả được 180 kết quả.
Bà Phương đề nghị phải mua máy mới hoặc mượn máy của hãng để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm. Theo thông tin chúng tôi nhận được, các máy Greiner GA240 ở các bệnh viện còn lại nhận thiết bị này cũng rất “tậm tịt”, có máy đã phải sửa tới... 35 lần trong vòng hai năm.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ ngày 29-7, ông Nguyễn Quốc Hưng - đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản, đơn vị cung cấp thiết bị - cho biết các thiết bị này công ty mua của một nhà nhập khẩu khác và các hồ sơ chứng từ nguồn gốc cho biết máy xuất xứ từ Đức.
Việc có một số chi tiết linh kiện xuất xứ Trung Quốc và Việt Nam như kiểm tra thực tế của máy, ông Trung cho rằng hiện không một sản phẩm nào do một nhà sản xuất làm từ A-Z!
Còn nhiều khuất tất
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), hiện quy trình thẩm định thiết bị y tế bao gồm ba khâu: xem xét hồ sơ, sau đó là kiểm tra CO chứng minh nguồn gốc xuất xứ, CQ chứng minh chất lượng và các tài liệu hướng dẫn sử dụng máy, khi các tài liệu này đầy đủ sẽ cho lắp đặt máy. Sau khi lắp đặt, nhà cung cấp sẽ bảo hành máy một năm.
Tại cuộc gặp với báo chí ngày 29-7, ông Bùi Hoàng Mai, giám đốc Trung tâm Kiểm định, kiểm nghiệm và hiệu chỉnh trang thiết bị y tế, đơn vị tư vấn gói thầu này - cho biết lô thiết bị kể trên đã được thẩm định đúng quy trình này và trong một năm đầu tiên sau lắp đặt, không thấy bệnh viện nào kêu về chất lượng máy.
Tuy nhiên, ông Mai cũng thừa nhận việc thẩm định chủ yếu trên hồ sơ, sau đó là kiểm định máy chạy thử không tải, có tải... chứ không mở máy ra xem xét về nguồn gốc thực tế của thiết bị.
Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong gói thầu số 4 kể trên và theo ông Nguyễn Khắc Hiền, sau khi kiểm tra tại tất cả bệnh viện được thụ hưởng gói thầu, Sở Y tế Hà Nội mới có thể trả lời.
Do đó, những vấn đề còn chưa rõ ràng, như giấy phép nhập khẩu hàng có sau khi nhà cung cấp đã trúng thầu; thiết bị này không sản xuất tại Đức mà sản xuất tại Trung Quốc rồi chuyển qua Đức dán nhãn trước khi xuất sang Việt Nam; việc các bệnh viện không hề liên hệ với nhà cung cấp thiết bị là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản để sửa máy theo hợp đồng (phải bảo trì trong vòng 10 năm), mà liên lạc với nhà cung cấp hóa chất khác có phải để hưởng hoa hồng cao hơn; chất lượng máy xét nghiệm kém có làm kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân sai lệch... vẫn còn phải để ngỏ.
Lợi ích của một nhóm người Theo một bác sĩ của Học viện Quân y, thiết bị y tế hiện đang là khâu có nhiều vấn đề “lợi ích nhóm”, trong đó có chuyện nhà cung cấp hóa chất xét nghiệm thường trả hoa hồng cho bệnh viện, dẫn tới việc bệnh viện dùng máy của một hãng, hóa chất có khi của một hãng khác, tùy theo hoa hồng cao hay thấp. “Nhiều thiết bị xét nghiệm do Việt Nam mua đều có vấn đề về chất lượng. Hiện các hãng cung cấp thiết bị đều có hai báo giá: giá cho bệnh viện nhà nước mua sẽ cao hơn giá bệnh viện tư nhân mua. Chính tôi khi hỏi mua thiết bị cũng được hỏi là bệnh viện nhà nước hay tư nhân?” - bác sĩ này cho biết. Theo ông Nguyễn Việt Cường, chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, do máy Greiner GA240 của Nhà nước cung cấp bị trục trặc, từ tháng 7-2013 Bệnh viện Đa khoa Thường Tín đã sử dụng máy Hitachi 717 do Công ty Phú Cường An cho mượn để thực hiện xét nghiệm sinh hóa. Tuy nhiên đây là loại máy thế hệ cũ, hiện đã bị cấm nhập vào Việt Nam. Việc máy xuất hiện tại Việt Nam hoàn toàn không có nguồn gốc xuất xứ, là loại hàng nhập lậu và Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã buộc tiêu hủy máy, xử phạt các bên liên quan 30 triệu đồng do “buôn bán hàng không nguồn gốc xuất xứ”! |
LAN ANH - MINH QUANG (Tuổi trẻ)