Bệnh vàng lá lúa di động và biện pháp phòng trừ
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:55, 01/08/2014
Tại Hải Dương, bệnh đã xuất hiện và gây hại từ vụ mùa năm 2012 và 2013 tại các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành, Thanh Hà. Kết quả điều tra đồng ruộng ngày 23-7-2014 cho thấy, bệnh đã xuất hiện gây hại diện hẹp tại xã: Minh Đức (Tứ Kỳ) trên các giống Q5, BC15, Hương thơm, nếp.
Triệu trứng:
- Bệnh phát sinh ban đầu từ những lá phía dưới (bị vàng), sau lan dần lên các lá phía trên. Vết bệnh thường xuất hiện từ mép lá, chóp lá sau lan dần vào trong phiến lá. Lá lúa co ngắn lại và xoè ngang ra giống như lá cây gừng;
- Bệnh nặng cây lúa kém phát triển, lùn, lụi hẳn xuống, rễ có màu đen nên ảnh hưởng lớn tới năng suất, thậm chí không cho thu hoạch.
Nguyên nhân gây bệnh:
- Bệnh do vi-rút Rice Transitory yellowing gây ra; bệnh có liên quan chặt chẽ với yếu tố thời vụ, đất, giống, chăm sóc và mật độ rầy xanh đuôi đen;
- Hiện chưa có thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh vàng lá di động; do đó để hạn chế bệnh phát sinh, gây hại cần áp dụng đồng bộ các biện pháp. Chú trọng các biện pháp canh tác (phòng là chính) và phun trừ rầy xanh đuôi đen (là môi giới truyền bệnh) ngay từ giai đoạn mạ hoặc khi có bệnh xuất hiện trên đồng ruộng.
Biện pháp phòng, trừ:
- Không gieo, cấy những giống đã bị nhiễm bệnh vàng lá di động ở vụ trước như: Q5, BC 15, Hương thơm, nếp...
- Chủ động điều tiết nước theo nguyên tắc “nông - lộ - sâu”;
- Bón phân cân đối (NPK); tăng cường phân chuồng, lân và ka li; hạn chế bón đạm;
- Trên những vùng, nơi đã bị nhiễm bệnh vàng lá di động ở vụ mùa trước, cần theo dõi và phòng trừ rầy xanh đuôi đen ngay từ giai đoạn mạ;
- Khi bệnh phát sinh:
+ Phun thuốc trừ rầy xanh đuôi đen trước khi tiến hành nhổ lúa tiêu hủy; khi phun thuốc trừ rầy cần phun cả xung quanh bờ và cỏ dại;
+ Ruộng bị nhiễm bệnh nặng thì phải tiêu hủy hoàn toàn. Ruộng bị nhiễm nhẹ thì tiến hành nhổ, tiêu hủy cây bệnh và kết hợp tỉa dặm lại những cây khỏe, cây bình thường;
- Sau khi tỉa dặm có thể sử dụng các dạng phân bón rễ tiêu như: Phân chuồng mục, phân bón qua lá, phân kích thích rễ để tăng khả năng hút dinh dưỡng và tăng khả năng phục hồi của cây;
- Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng an toàn, hiệu quả;
- Khi phun thuốc làm tốt công tác bảo hộ lao động trước, trong và sau khi phun thuốc, bỏ bao bì đựng thuốc vào đúng nơi quy định, hạn chế ô nhiễm môi trường.
KS. VŨ ĐÌNH PHIÊN (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh)