Tóc bão
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:08, 05/08/2014
Minh họa: VĂN HÀ
Trong ngôi nhà tình nghĩa do chị em Chi hội Phụ nữ xóm Bùi chung tay góp sức xây đắp, bà Tính cùng với mấy đứa con nuôi xin từ trại mồ côi khi mới 2-3 tuổi, nay đã trưởng thành đang ngồi trước màn hình theo dõi đường đi của cơn bão vào Biển Đông, bỗng những kỷ niệm về mùa bão năm xưa ùa về.
Bấy giờ trai tráng làng Cẩm Khê đi hết, chỉ còn lại ông già, lũ trẻ trâu và phần đông là đàn bà. Xóm Bùi duy nhất còn có Trần Vườn tuổi đầu ba chỉ vì chân đi cà nhắc mới ở lại, nên mọi việc đổ lên đầu. Thực ra Vườn cũng mấy lần xung phong nhưng khi khám tuyển đều bị loại. Vườn vừa công tác Đoàn xã lại kiêm Đội trưởng đội sản xuất số 4, đội phó thủy lợi, đội giống nữa chứ. Tối mặt, tối mũi suốt ngày.
Thế mà trận bão số 5 chưa khắc phục hết hậu quả, cơn bão số 6 lại đang đến. Giờ này Vườn vừa chui vào mấy gian nhà kho rỗng tuếch để tìm chiếc dùi kẻng thì lũ mối, lũ kiến cánh cùng với bướm sâu quấn chặt lấy người tưởng như ngạt thở. Trước mặt Vườn là mấy khóm tre xơ xác vẫn còn những bối rơm rạ dây chuối, cỏ khô quấn trên ngọn như những dải tóc đang vật vã trước những cơn gió lúc rạp xuống tận mái tranh, lúc vật ngửa trở lại... Có người gọi là tóc bão. Gió bắt đầu lật lá. Bụng Vườn nói, trận này lớn lắm đây. Kinh nghiệm của các cụ già bảo sáng nay rồi. Năm Mậu Thân cũng thế, đang mưa gió ầm ầm bỗng nắng bừng lên một lúc rồi bão quật lại, mạnh chưa từng thấy. Người ta gọi là mắt bão đi qua, mọi người tưởng là bão chỉ qua loa thế thôi nên chủ quan. Không ngờ gió gầm lên như muôn con tàu đổ ập xuống rồi giật ngược lại. Người chết, kẻ bị thương, toàn bộ nhà tranh sụp đổ rồi cuốn lên không trung từng mảng. Cây đa nghiêng, tre, xoan, vải nhãn bị bứng cả bồng văng đi xa. Làng Cẩm Khê chỉ một lúc mà tan hoang. Ruộng đồng ngập trắng, lúa đang vào mẩy bỗng nát như dưa. Thật khủng khiếp. Ấy thế mà chỉ ba năm sau, năm Tân Hợi lại một trận bão lớn kèm theo mưa như trời sụp hàng tuần hàng tháng, úng lụt, ba tháng liền nước ngâm trong nhà, đi lại trong làng bằng thuyền nan, bè chuối và cũng là năm thiếu đói, may mà có mì Liên Xô, ngô Ấn Độ... cứu trợ.
Tiếng run rẩy từ thanh tà vẹt han thủng lỗ chỗ rung lên sau mỗi lần Vườn trút lên qua chiếc dùi sắt bằng chiếc răng bừa cùn, như muốn chuyển đến mọi người mọi nhà sự khẩn cấp chưa từng thấy.
Thế nhưng đám phụ nữ đội 4 xóm Bùi lại cứ bình thản như không, còn đùa đú đến sốt ruột:
- Này nhá, bão gì mà dồn dập nhanh thế, mới tháng trước chưa đủ, tháng này đã đến, cũng phải từ từ chứ, giời ạ!
- Ông giời có phân lịch các trận bão đâu mà các bà đong đưa nhàn nhã thế?
- Thì ông bảo, suốt năm sáu ngày ông bắt chúng tôi ngâm dầm, quần quật vác đất ấp trúc đê, sáng nay mới được buổi nghỉ, phải đun gáo nước gội đầu chứ, để quạ làm tổ ư? Đám phụ nữ, người nào cũng ôm trong lòng mớ tóc vừa chải vừa hong. Lại đúng vào lúc trời lặng gió, những đốm nắng loang loáng trên mặt sân, khiến chị em càng nói mạnh.
- Trời đất này có đếch gì gọi là bão gió mà đội trưởng cứ hoắng lên, mắng mỏ chúng tôi như mắng con nít ấy. Cẩn thận đấy không bọn này lại dìm xuống nước như chiều qua mới kinh! Tại sao ông lại nhìn chị em tắm hả?
- Nói bậy, các bà cậy đông bắt nạt mình tôi là đàn ông, dang tay vây, siết chặt tôi, vú vê, tóc tai áp vào mặt, tưởng chết ngạt, rồi đùi vế các bà trắng nhễ nhại quật vào tấm thân gày nhom của tôi, chui lối nào cũng chẳng thoát, chẳng nhẽ tôi nhắm mắt. Đừng lấy thịt đè người, cậy đông mà ức hiếp nhau. Tôi nói thực với các bà, tụi người yêu của các bà trong chiến trường trông thấy cảnh này chắc là rã rời tay súng, đừng nói rằng khi lên đường chúng nó còn nhắc tôi là chăm sóc bảo ban các bà để khi đánh xong thằng Mỹ trở về cưới các bà còn nguyên đai nguyên kiện. Tôi trông nom chăm sóc các bà cũng là nhiệm vụ của người hậu phương để người cầm súng yên lòng mà đánh thắng. Các bà hiểu chửa?
- Ha ha ha... Nói hay đấy, vậy thì tắm xong đi kiếm cho "các bà" lá thơm về đun nước để các bà gội đầu tập thể đi. Nhớ rằng đội trưởng còn phải chịu một trận đòn nữa mới yên.
- Các bà khiếp lắm, tiếc rằng đám trai tráng đi hết, nếu ở nhà, cưới xong, chúng nó trị cho đêm bảy ngày ba, chẳng có bà kêu oai oái van lạy.
- Họp gì thì họp đi, để tụi này vừa nghe vừa tranh thủ hong mớ tóc chẳng mai mưa bão ập đến chẳng có thời gian... Đội trưởng cứ ngồi vào giữa mà phổ biến.
Trần Vườn chẳng hiểu được mưu đồ của đám phụ nữ bày ra chuyện gì nhưng cũng cứ ngồi vào giữa. Họ nhích dần, khép kín vòng. Mấy cô tóc dài nhất lại bám sát sau lưng.
- Mà ông Vườn ơi cứ theo danh sách phân công trận bão trước là được chứ gì? Chú ý đến các gia đình chính sách, mỗi bà phụ trách 3 gia đình. Trước hết lo đến tính mạng con người. Cụ già, trẻ em đưa vào các hầm kèo tre tránh đạn, lấy liếp che cửa. Mấy gia đình gần nhà thờ họ, gần đình thì sơ tán sang. Việc chống, néo, đè nẹp nhà cửa thì sau trận báo trước chúng tôi đã tinh tươm rồi, thuốc men cáng võng đủ cả... còn gì mà dài dòng.
- Chưa được, còn nhiều việc nữa. Ngay sau đây mọi người về nhà chuẩn bị gầu, dây, cuốc xẻng đưa ra khỏi nhà đề phòng nhà sập không còn gầu mà đấu úng đâu.
- Gớm thật, ông Vườn lo xa... Chúng tôi xin chấp hành. Nhưng chúng tôi hỏi - lại một cô gây gổ - Tại sao Chi hội Phụ nữ đội 4 xóm Bùi này không được xếp số 1? Thi cày xếp số 1 này, thi cấy xếp số 1 này, bắn xạ kích nhất huyện, văn hóa 100% hết cấp 2, hát chèo cũng vào hàng xuất sắc, chỉ thiếu có 1 bài thi kiểm tra chính trị của "bà" Bùng kia vì đang thi bị đau bụng mà đánh tụt xuống hạng nhì, cần thì cho bà Bùng giấy bút thi lại. Hay là "ông" Vườn đã bị cô đội trưởng số 3 đút lót cái gì rồi để đội số 3 được đội lên hàng số 1, đội mình xuống hạng hai. Không chịu, không chịu...
- Đút cái gì, cái gì? - Vườn hùng hổ.
- Chẳng hạn cái hòm, cái xiểng - Mọi người cười ngặt nghẽo, vỗ đùi reo hò như vỡ chợ.
- Cô Phương hãy xác định lại thái độ cho nghiêm túc. Riêng cách ăn nói hàm hồ của cô đã đủ để Hội đồng thi đua đánh tụt điểm của cả đội rồi đấy! Cô nhớ rằng cô là đoàn viên gương mẫu, đối tượng cảm tình sắp đi bồi dưỡng chính trị để kết nạp đợt 1 vào tháng 12 đấy. Lựa chừng mà phát ngôn.
- Thôi, em xin lỗi đội trưởng
Mấy bà lại nhấp nhổm
- Này, cô Phương nói đúng đấy, đừng bênh, đội trưởng số 3 có chồng làm Thanh tra tỉnh đấy, cứ tấp tểnh coi mà mất đầu! Thôi, thế này, hôm nay lại phải ra thêm một ngón đòn để ông Vườn luôn nhớ rằng phải vun vào cho Chi hội xóm ta, chị em vất vả và tâm huyết ngày đêm tối mắt tối mũi lo toan việc công, đừng để thiệt.
Trần Vườn vừa gấp sổ lại thì có tiếng hô "hai, ba này". Bốn năm cô liền hất tung mái tóc của mình trùm lên phủ kín đội trưởng. Bất ngờ, đội trưởng Vườn bị cả núi tóc trùm lên tưởng chết ngạt, bèn đứng phắt dậy, nhưng tóc của chị em đã quấn vào tay, vào cổ như tấm lưới.
- Tóc bão đang buộc đội trưởng vào, nhớ đời chưa, đừng nhìn chị em tắm nữa đấy. Lấy ai thì bảo đi, tha hồ mà chọn, ba mươi rồi đấy, không nên để các cụ suốt ngày than thở.
- Này nhá, đã nói rồi, tôi đợi anh em ở chiến trường tề tựu đông đủ mới cưới, dẫu là bốn mươi hay năm mươi tuổi cũng vẫn đợi. Tôi lạy các bà, bão đang trở lại kia, gió đang ầm ầm đến rồi.
- Chúng tôi cũng nghe đài đây, không bắt bịt được nhau đâu, bão ngày kia mới đến cơ, đò bà Cựu Xá có chở thì bão mới sang được, đừng có dọa...
Nhưng câu nói chưa hết thì bỗng một cơn lốc xoáy ập trên đầu mọi người, cả một núi tóc rối tung mù mịt một góc sân. Cơn lốc qua nhanh, chị em lại nhanh tay vơ suối tóc chải, bện, cặp, búi lại như ngày thường và vẫn già mồm:
- Thế để bọn này bạc hết tóc ư.
- Yên tâm, chiến trường đang dồn dập thắng lớn. Ba ngày đi học chính trị trên huyện hôm trước, nghe sáng sủa lắm, mừng lắm, thắng đến nơi rổi. Qua trận bão sẽ nói thời sự cho nghe.
Trận bão ấy xảy ra, tuy gió khá mạnh, tốc độ nhanh, nhưng được báo trước lại có kinh nghiệm từ những trận bão trước, nhà cửa được chị em chống néo, đè nẹp chu đáo nên thiệt hại không lớn. Xóm Bùi đổ mất 2 nhà, tốc mất 10 mái, gẫy cột điện, sạt nhà kho, nhưng người an toàn. Chỉ có điều úng ngập diện rộng... cho nên chống úng cứu lúa được đặt lên hàng đầu. Đội nữ xóm Bùi ngày phải dồn ra đồng, đắp bờ đấu úng, chiều về sớm chia nhau trước hết đến các nhà thương binh, liệt sĩ, nhà bộ đội neo đơn dọn dẹp nhà cửa, bó rơm rạ, chẻ lạt chuẩn bị dựng lại nhà đổ, dặm dọi mái, đắp tường vách sạt lở. Được cái chị em nào cũng rất thành thạo vì đã được tập huấn nhiều lần. Đội trưởng Vườn công việc ngập đầu, chỗ này gọi, chỗ kia tìm, bước chân thậm thọt cũng thoăn thoắt không kém, miệng tiếng vang vang.
Có tiếng ú ớ kêu cứu từ trong đống rạ nhà mẹ liệt sĩ Tích, Vườn nhảy vào tưởng là rạ đổ đè lên bèn ôm gỡ người ra nhưng đến ba bốn cô phá lên cười sằng sặc.
- Các cô rút rạ lợp lại nhà cho mẹ Tích, nhớ dằn nếp rạ cho chặt, đến đâu buộc nẹp chặt đến đó, nếu không đạt sẽ phạt điểm đấy!
- Có mà phạt "cái con cần cật". Một cô thách thức như vậy rồi tất cả ôm Trần Vườn vật ngửa ra đống rạ như kịch bản đã vạch ra, đứa cầm chân, đứa ngồi lên bụng, đứa tụt quần: "Phải xem đội trưởng xóm ta đực hay là cái mà áp sát da thịt chị em hàng ngày chẳng thấy lão có biểu hiện rung động gì?".
Vườn lấy sức vùng dậy:
- Này, nghe thằng Vườn nói lại, vì các cô đều là người yêu của các bạn thân của tôi, Trần Vườn này không thể sàm sỡ với cô nào được, giữ gìn cho bạn là giữ gìn cho mình.
- Nói khoác, ông không phải là ông bụt trong chùa đâu nhá, đè tiếp anh ta xuống, quất cho ba roi hỏi:" Trần Vườn yêu ai trong bọn này, nói mau".
- Vườn này chưa biết yêu và cũng chẳng yêu đứa nào cả, à ... mà tớ có người yêu ở xóm khác rồi.
- Vợ lão Thanh tra tỉnh chứ gì?
- Đừng bậy bạ
- Chị Vùng kiểm tra, anh ta có gì không?
- Có đủ bộ.
- Các bà là giặc cái mất rồi!
- Thách nữa không? Thôi, tha cho lão đi, có người đang gọi đằng kia.
*
- Yên tâm, còn hai bà để thằng này cưới tuốt.
- À, thì ra mấy chục năm bọn này chờ đợi, ông chỉ phục có thế thôi ư. Thảo nào mấy chục năm, giục ông lấy vợ, ông từ chối, bọn này bám vào, ông cứ đẩy ra, lúc nào cũng cứ chờ bạn ở chiến trường về, cưới một thể, cưới tập thể, sao mà tham thế!
Quả là khi hòa bình thống nhất đất nước, đôi nào vào đôi ấy, xóm Bùi, làng Cẩm Khê trật thó còn hai bà Tâm và Tính, trong mớ tóc xưa nay đã có sợi bạc.
Chị Tính bảo chị Tâm:
- Chỉ còn có tôi với chị chung một ông đội trưởng, thôi tôi nhường cho chị, tôi sẽ nuôi vài đứa con mồ côi do chiến tranh để lại. Thiên hạ còn nhiều cảnh ngộ, nhiều mảnh đời bất hạnh, đó là những vết vỡ của chiến tranh cần tiếp tục hàn gắn.
Truyện ngắn của NGUYỄN LONG NHIÊM