Muốn tăng giá xăng, phải xin ý kiến Thủ tướng

Thị trường - Ngày đăng : 14:08, 05/08/2014

Gần đây, giá xăng dầu thế giới trong xu hướng giảm, dư luận trong nước đang mong chờ một đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong nước.

Chiều 4-8, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện nay Nghị định 84/2009 của Chính phủ là cơ sở pháp lý quan trọng để điều hành giá xăng dầu. Các cấp, bộ, ngành đã trình Chính phủ phương án cuối cùng của nghị định thay thế nghị định 84 để khắc phục những bất cập. “Hy vọng Thủ tướng Chính phủ sớm ký ban hành Nghị định mới này”, ông Hải kỳ vọng.

Muốn giảm giá xăng dầu phải theo giá cơ sở bình quân 30 ngày. Ảnh minh họa:KT

Trong bối cảnh này, Nghị định 84/2009 vẫn là cơ sở pháp lý cho việc điều hành giá xăng dầu trong nước. Do đó, giá cơ sở để tính toán điều chỉnh giá xăng dầu là theo giá bình quân 30 ngày. Cho nên, “dù hiện tại giá xăng dầu thế giới có giảm, giá trong nước nếu muốn điều chỉnh giảm nữa (mới có đợt giảm giá ngày 28-7) thì phải chờ đủ bình quân 30 ngày theo quy định. Khi đó, nếu giá có thể giảm được nữa, sẽ giảm ngay. Còn nếu tăng giá xăng dầu, phải rất cân nhắc và phải báo cáo Thủ tướng, không phải ai muốn tăng thì tăng, muốn giảm thì giảm, kể cả cấp bộ”, ông Hải nhấn mạnh.

Tuần vừa qua, dù bạo lực gia tăng tại Libya cũng như tại các "điểm nóng" của thế giới như Iraq và Ukraine, giá dầu vẫn giảm ngay trong phiên giao dịch từ đầu tuần (ngày 28-7), trong bối cảnh nguồn cung dầu hiện đang khá dồi dào, đặc biệt là tại Biển Bắc và khu vực Tây Phi, trong khi lượng xăng dự trữ tại Mỹ có xu hướng tăng.

Đáng chú ý, tại phiên giao dịch ngày 31-7, giá dầu mỏ thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng qua, khi giá dầu giao tháng 8-2014 niêm yết tại thị trường New York giảm 29 cent, và ở mức 97,88 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 6-2-2014.

Còn trên thị trường Singapore, giá xăng RON 92 gần một tuần trở lại đây có xu hướng đi xuống. Sau khi đạt ngưỡng 115,03 USD vào ngày 29/7, giá xăng giảm 0,42 USD/thùng vào ngày 30-7. Vì thế, giá cơ sở cho điều hành giá xăng dầu trong nước của mặt hàng xăng RON 92 xuống còn 25.760 đồng, giảm 212 đồng so với ngày 25-7. Và, tại thời điểm 28-7, giá xăng bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh giảm 330 đồng/lít, về 25.310 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 17 lần điều chỉnh, trong đó có 5 lần tăng, 7 lần giảm. Các lần còn lại là điều chỉnh mức sử dụng quỹ bình ổn và trích lợi nhuận định mức để giữ giá. Trong đó, mặt hàng xăng được điều chỉnh tăng 5 lần và duy nhất một lần giảm giá gần đây vào ngày 28-7. Lần tăng mạnh nhất vào ngày 7-7 từ 130 đồng đến 420 đồng đưa giá xăng bán lẻ lập kỷ lục lên tới 25.640 đồng/lít.

Theo Bộ Tài chính, một lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu (18%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng), thuế giá trị gia tăng (10%), tương đương 8.244 đồng.

XUÂN THÂN (VOV)