Ngăn chặn tội phạm sản xuất và sử dụng súng

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 09:04, 06/08/2014

Chỉ trong tháng 7, trên địa bàn Hải Dương đã xảy ra 5 vụ việc các đối tượng phạm tội sản xuất, tàng trữ, sử dụng súng.


Công an Kinh Môn niêm phong vũ khí thu giữ được


Đây là thực trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Tình trạng này còn cảnh báo về xu hướng hoạt động của tội phạm có vũ khí nóng ngày càng gia tăng.

Mới đây, ngày 26-7 xảy ra vụ nổ súng giữa ban ngày ở đường Bạch Đằng (TP Hải Dương), đến nay cơ quan công an vẫn chưa xác định được đối tượng. Trước đó, ngày 20-7, tổ công tác của Công an huyện Kinh Môn tiến hành kiểm tra phòng trọ của gia đình bà Phạm Thị Xoa (sinh năm 1964, tại thôn An Cường, xã Hiệp Sơn) đã phát hiện, bắt quả tang Bùi Văn Hải cùng một số đối tượng đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tiến hành khám xét phòng trọ và nơi ở của Hải ở xã Tân Dân (Kinh Môn), lực lượng công an còn thu giữ 1 khẩu súng colt, 1 viên đạn cùng nhiều dụng cụ, phụ kiện để sản xuất súng như máy mài, máy khoan, máy hàn, đạn bi, ổ xoay và mô hình súng colt 6. Vào các ngày 5 và 11-7, Công an huyện Kim Thành cũng đã bắt giữ 2 đối tượng sử dụng súng tự chế đe dọa, dùng báng súng đập vào đầu gây thương tích cho nạn nhân...

Theo các đối tượng sản xuất cũng như sử dụng súng khai nhận tại cơ quan công an, mỗi khẩu súng tự chế được chúng bán với giá từ 2 - 6 triệu đồng. Đây là cái giá không quá cao đối với các đối tượng muốn sở hữu súng. Trong khi đó, rất có thể số vụ việc, đối tượng và số lượng súng lực lượng công an trong tỉnh phát hiện, thu giữ được từ đầu tháng 7 đến nay chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".

Thực hiện Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-6-2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thời gian qua lực lượng công an toàn tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp công tác nhằm thu hồi các loại vũ khí, súng quân dụng, súng săn. Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương tuyên truyền, quản lý có hiệu quả đối với các loại vật liệu nổ phục vụ khai thác khoáng sản, sản xuất của một số đơn vị sản xuất xi-măng, khai khoáng và các công cụ hỗ trợ. Điều đó đã góp phần không nhỏ làm giảm một số loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có sử dụng súng, vật liệu nổ ở tỉnh ta trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc nói chung, tại Hải Dương nói riêng tình hình tội phạm có sử dụng súng lại bắt đầu có dấu hiệu phức tạp. Không dừng lại ở hành vi sử dụng, các đối tượng có xu hướng tự nghiên cứu chế tạo, sản xuất súng để bán và sử dụng. Tại Hải Dương thời gian qua, các vụ việc sử dụng súng gây án mặc dù chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người, nhưng cũng là hồi chuông đáng báo động.

Các đối tượng phạm tội rồi sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, về lâu dài và từng bước hạn chế, ngăn chặn thực trạng này thì ngoài sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng công an trong tuyên truyền, quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo các quy định của pháp luật, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân. Đặc biệt là các đơn vị, cơ sở được phép sử dụng cần quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, không để lọt vào tay các đối tượng sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

ĐỨC THỊNH(Công an tỉnh)