Cần đầu tư bài bản
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:38, 06/08/2014
Nhờ đưa điện ra đồng, việc tưới, tiêu của nông dân xã Phạm Kha (Thanh Miện) thuận tiện hơn nhiều
Thuận tiện cho sản xuất
Mặc dù đã hơn 3 giờ chiều, nhưng trên cánh đồng thôn Đỗ Hạ, xã Phạm Kha (Thanh Miện) vẫn rất ít người đi làm. Ông Phạm Văn Đối ở đội 8 cho biết: "Phải 4-5 giờ chiều khi trời mát thì nông dân mới ra đồng nhiều. Vì nếu đi sớm tưới nước cho rau trong lúc nắng nóng thế này thì dễ chết lắm. Do đã có điện thắp sáng rồi nên nhiều người làm đến 7-8 giờ tối mới về".
Điện không chỉ thắp sáng ngoài ruộng mà còn giúp nông dân trong việc tưới, tiêu. Ông Đợi cho biết thêm, gia đình ông trồng 3 sào với nhiều loại rau. Trước đây, để tưới hết diện tích rau thì 2 người có sức khỏe phải làm việc cả buổi chiều. Vào mùa khô hạn, việc tưới cho rau vất vả hơn nhiều, có khi phải gánh nước cách đó vài trăm m. Chính vì thế nên nhiều luống không được tưới đầy đủ, rau chậm lớn, cằn cỗi, giá bán thấp. Từ khi có điện, gia đình ông chỉ cần lắp máy, bơm nước trực tiếp lên ruộng, sau đó dùng ca té nước lên rau. Thời gian, công sức làm việc giảm đi đáng kể, chỉ cần 1 người. Rau màu có đủ nước cũng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
Gần ruộng nhà ông Đối là 2,5 sào rau màu của gia đình ông Nguyễn Quang Sáng ở đội 7. Ông Sáng cho biết, ông năm nay đã 69 tuổi không còn đủ sức để gánh nước như trước đây nữa nên khi được vận động kéo điện ra đồng, gia đình ông đồng ý ngay. Mỗi gia đình tùy theo độ dài của đường dây mà đóng góp số tiền khác nhau. Gia đình ông ở đầu cánh đồng thì đóng 1 triệu đồng, còn những nhà ở phía cuối thì đóng từ 2-3 triệu đồng. Từ khi có điện, mỗi lần cần tưới nước cho rau, ông lại lắp máy vào bơm nước lên ruộng. Vào mùa mưa bão, có điện cũng thuận tiện hơn nhiều. Những loại cây nếu ngập úng sẽ bị hỏng như củ đậu thì gia đình bơm gạn nước ra ngoài thay vì phải tát bằng tay như trước đây.
Cùng với Phạm Kha, nông dân ở một số vùng trồng cà rốt cũng đã đưa điện ra đồng để phục vụ sản xuất. Anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách) cho biết: "Nhà tôi trồng 1,5 mẫu cà rốt. Đây là loại cây trồng cần nhiều nước tưới. Trước đây chúng tôi phải dùng xăng hoặc dầu để chạy máy bơm nước tưới dưỡng cho cà rốt. Từ năm 2012, tôi cùng một số người kéo điện ra đồng, mỗi lần bơm nước, chi phí rẻ hơn, tính ra mỗi tháng gia đình chỉ mất 100 nghìn đồng tiền điện, giảm 200 nghìn đồng so với dùng xăng dầu cho nông dân.
Ngoài các vùng trên, một số vùng trồng hoa như Kim Đính (Kim Thành), Đồng Tâm (Ninh Giang)... nông dân cũng kéo điện ra đồng để phục vụ sản xuất.
Không chỉ dùng điện vào việc tưới, tiêu, thắp sáng mà nhiều người còn sắm cả đài mang ra ruộng để nghe tin tức, thời sự, ca nhạc, góp phần cải thiện đời sống tinh thần.
Cột điện tại cánh đồng thôn An Xá, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) làm bằng cọc tre, không bảo đảm an toàn
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, xuất phát từ nhu cầu thực tế nên nông dân đã tự bỏ tiền làm đường điện mà chưa có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía cơ quan chức năng. Hệ thống điện ra đồng dài khoảng 5 km ở xã Phạm Kha được làm từ năm 2008, tập trung ở 2 thôn Đỗ Hạ và Đỗ Thượng với kinh phí 200 triệu đồng. Ông Vũ Văn Quynh, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Kha cho biết: "Xã không có kinh phí hỗ trợ mà chỉ giúp các hộ dân làm thủ tục xin phép đơn vị quản lý điện để được kéo điện, xác định vị trí chôn cột. Hiệu quả của việc này đã rõ nên xã cũng khuyến khích nông dân ở những đội còn lại, nếu có điều kiện thì mở rộng hệ thống điện ra đồng để thuận tiện cho việc sản xuất ".
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hệ thống điện ở xã Thái Tân không bảo đảm. Cột điện được làm bằng cọc tre, mỗi người mua 1 loại dây khác nhau để kéo điện mà chưa có sự thống nhất về chủng loại, kích cỡ. Các cột điện kéo chưa theo quy hoạch, lộn xộn. Điều này không bảo đảm an toàn khi sử dụng điện, ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Về lâu dài, để khắc phục tình trạng trên, ông Trần Quốc Bính, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Tân cho biết: "Chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị quản lý điện và nhân dân để cùng bàn bạc, thống nhất việc kéo điện ra đồng cho thành hệ thống, bảo đảm an toàn, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đồng thời cũng kiến nghị các ngành, các cấp cần có cơ chế, chính sách đối với hệ thống điện ra đồng phục vụ sản xuất cho người dân, tránh tình trạng tự phát như hiện nay".
THANH HÀ