"Lời thề" khẳng định chủ quyền Hoàng Sa

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 16:04, 07/08/2014

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã xây dựng một tác phẩm mang đậm tính nhân văn, dựa trên những yếu tố có thật trong lịch sử.

Đầu tháng 8/2014, nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho ra mắt cuốn sách mới “Lời thề. Đây là tiểu thuyết văn học đầu tiên ở Việt Nam đề cập đến vấn đề chủ quyền Hoàng Sa. Tác phẩm bao gồm 34 chương, với độ dày 500 trang do nhà văn Nguyễn Quang Vinh sáng tác.

Phóng viên đã phỏng vấn tác giả - nhà văn Nguyễn Quang Vinh về nội dung, cũng như thông điệp gửi gắm qua tác phẩm.


Nhà văn Nguyễn Quang Vinh

PV:Thưa nhà văn Nguyễn Quang Vinh, ông có thể chia sẻ cho khán giả biết lý do nào thôi thúc ông viết tác phẩm tiểu thuyết “Lời thề”. Tiểu thuyết được sáng tác trong bao lâu?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Tôi mất 3 năm để hoàn thiện cuốn sách này. Tôi bắt đầu viết tác phẩm vào năm 2011. Tôi thích biển vì nó có yếu tố lãng mạn bên cạnh sự chới với, khốc liệt của các trận đấu trên biển. Khoảng thời gian làm lính hải quân cũng khiến tôi cảm nhận được nỗi cô đơn “kinh khủng” của những người lính đảo. Cảm xúc cộng với vốn sống và sự thích thú của bản thân thúc đẩy tôi khai thác một đề tài văn học mà chưa nhà văn nào làm, hoặc làm mới lại những đề tài cũ nhưng ở góc nhìn khác.

Mang trách nhiệm của một người cầm bút, tôi thấy mình phải góp phần cung cấp cho độc giả cách nhìn chân thực hơn về lịch sử. Tôi mất đến 2 năm để giới thiệu bản thảo tới các nhà xuất bản. Chủ quyền biển đảo là đề tài nhạy cảm nên phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa, chờ đợi.

PV: Được biết, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về chủ đề biển đảo. Trong cuốn tiểu thuyết có nhắc cụ thể đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam không, thưa ông?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Trong tác phẩm, tôi không đề cập đến tên địa danh Hoàng Sa mà thay thế bằng cách gọi Đảo Cát Vàng, cách gọi cũ của quần đảo Hoàng Sa từ thời Vua Minh Mạng trở về trước. Bối cảnh câu truyện được tôi đẩy lùi về thời Lý, tức cách đây gần 1.000 năm.

Câu truyện bắt đầu từ việc Hoàng đế nhận được thông tin về một đảo vàng trên biển, nên đã cử đội thủy binh do Đô tướng Lý Nhất dẫn đầu cùng 200 thủy binh ra đó. Với sự chỉ huy của Đô tướng Lý Nhất, họ gây dựng cột mốc chủ quyền tại quần đảo. Bên cạnh đó, tôi còn tập trung về nhân vật quan Lý Vân, người được Hoàng đế cử đi sứ ở Trung Quốc. Trong đó, đáng chú ý là những lời đối thoại hào hùng của Lý Vân với Hoàng đế Trung Quốc.

Ngoài ra, trong tác phẩm, tôi cũng miêu tả tình yêu đẹp của Đô tướng Lý Nhất với Lý Thắm, một trong những cô gái theo đoàn thủy binh ra giữ đảo. Đặt trên mối tình đó là lòng yêu nước, lòng yêu chủ quyền.


Bìa tiểu thuyết "Lời thề"

PV: Nội dung câu truyện có được xây dựng từ nhiều yếu tố thật trong lịch sử không, thưa nhà văn?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Tác phẩm được tôi sáng tác theo lối viết của tiểu thuyết dã sử, nhưng được căn cứ vào hiện thực lịch sử. Lịch sử tất yếu là quần Đảo Cát Vàng, tức Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Sự thật đó đã tồn tại suốt bao nhiêu năm qua, và với trách nhiệm của một nhà văn, tôi muốn khẳng định thêm điều đó.

Đối với tôi, tác phẩm này giống như một lời cảnh báo về sự an toàn trong vấn đề biển Đông, bởi nơi đây giàu tiềm năng, hiểm về địa thế quân sự, khoáng sản. Tôi sử dụng hình ảnh người xưa để thể hiện tiếng nói của con người Việt Nam ngày nay một cách hào khí nhưng nhã nhặn, mềm dẻo, dựa trên nhận thức đúng đắn.

PV: Vì sao nhà văn lấy tên tác phẩm là “Lời thề”? Nhà văn muốn gửi gắm thông điệp gì tới độc giả qua tiêu đề và nội dung tác phẩm?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: “Lời thề” là lời mà những người lính thủy đã thề với Hoàng đế của Việt Nam thời đó, dù có phải hy sinh tới người cuối cùng trong binh đội thì cũng phải gìn giữ, bảo vệ được chủ quyền biển đảo.

Thông qua tư tưởng của Đô tướng Lý Nhất, tôi đưa ra phương thức giữ chủ quyền một cách hòa bình, nhân văn – đó là sinh con đẻ cái, an cư trên đảo. Ở những trang cuối của “Lời thề”, chỉ còn lại 2 người là Lý Thắm và Đô tướng Lý Nhất. Nhân vật Lý Thắm hạ sinh một bé trai, đó là hình ảnh về thế hệ tương lai tiếp nối trách nhiệm của những thế hệ đi trước.

Trách nhiệm đó vẫn kéo dài tới tận bây giờ, và còn mang tính lâu dài, muôn thuở. Từ đó, tôi muốn độc giả hiểu rằng, để giữ vững chủ quyền biển đảo, chúng ta không đơn thuần chỉ chiến đấu bằng vũ lực mà quan trọng là phải chiến đấu được bằng trí tuệ, bằng cả tình yêu, sự bao dung của bản thân và lòng quyết tâm gìn giữ biển đảo.

PV:Được biết, nhà văn đã từng chuyển thể nhiều tác phẩm thành các kịch bản điện ảnh, sân khấu lớn. Ông có dự định sẽ làm  tương tự với “Lời thề” không?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Có thể nói, nội dung của “Lời thề” gần như đã là một kịch bản điện ảnh có tính văn học hoàn chỉnh bởi tôi sử dụng lối viết giàu hình ảnh. Nhưng tôi cho rằng, nếu để chuyển thể tác phẩm lần này thành kịch bản điện ảnh thì sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí lớn.

Tôi dự định trong khoảng 2 năm tới, sẽ cho ra mắt một tập sách nữa dày dặn hơn về đề tài chủ quyền biển đảo. Tôi muốn viết thêm tác phẩm văn học về lịch sử biển đảo Việt Nam, với bối cảnh cách đây 1.000 năm từ thời Lý. Có thể trong tương lai, sẽ có nhà văn khác tiếp nối hoặc lớp trẻ sau này có thể ra mắt tác phẩm hay hơn, nhưng trước mắt, tôi muốn mình viết để độc giả thế hệ sau biết được một Việt Nam với biển đảo là như thế nào.

PV:Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Vinh.

THANH THANH - THU LINH(VOV)