Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 15:05, 14/08/2014
Trần Mai Hưởng là một nhà báo, một cán bộ quản lý báo chí có uy tín, đồng thời ông cũng là tác giả nhiều bài thơ được bạn đọc chú ý. Bài thơ Viếng bà Phi Yến là một trong số đó. Đây là bài thơ về một sự kiện lịch sử, đã được dân gian hóa bằng câu ca dao quen thuộc: "Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu đời đắng cay".
Quả vậy, đến Côn Đảo ai cũng được nghe chuyện bà Lê Thị Răm, tức bà Phi Yến và hoàng tử Cải. Bà Lê Thị Răm là quý phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh, sau này là vua Gia Long khởi lập triều Nguyễn. Dạo đó, nghĩa quân Tây Sơn đánh Trịnh, đuổi Nguyễn nhằm thống nhất giang sơn. Nguyễn Phúc Ánh phải chạy ra Côn Đảo, tìm đường cầu viện ngoại bang. Bà Phi Yến quyết liệt can chúa, nhưng chúa không nghe. Chúa liền bỏ lại bà một mình trong một cái hang sâu trên đảo. Người con trai là hoàng tử Cải kêu khóc đòi mẹ, bị chúa cho vứt xuống biển. Người đời sau tôn bà là Trung Trinh Tiết Liệt và lập miếu An Sơn để thờ phụng. Ngày nay, khách du lịch đến Côn Đảo ai cũng vào miếu An Sơn thắp hương thành kính viếng hai mẹ con bà.
Từ chuyện lịch sử về người phụ nữ nặng lòng với nước, Trần Mai Hưởng đã mở đầu bài thơ thật da diết thương cảm: "Con xin có nén nhang này/Viếng bà Côn Đảo giữa ngày bão giông".
Đây là cảm xúc về một sự kiện lịch sử. Nhưng nhà thơ không kể lại như một bài lịch sử, mà đi ngay vào chủ đề quan trọng nhất của bài thơ, tri ân tư tưởng cao cả của người liệt nữ. Bởi "Thời gian đâu dễ phai màu/Vọng lời Người giữa cao xanh đại ngàn": "Cũng là máu đỏ da vàng/Cớ sao phải viện ngoại bang tương tàn/Có thắng cũng chẳng vẻ vang/Tránh sao muôn sự luận bàn đời sau".
Bốn câu thơ đó đã nâng tầm vóc một bà quý phi thành một người phụ nữ Việt Nam khí tiết trước vận nước lâm nguy, can ngăn chúa dừng lại trước bước đi nguy hiểm, "cõng rắn về cắn gà nhà". Bài thơ lướt qua cái chi tiết đau xót: bỏ vợ, hại con và vạch rõ tâm địa của Nguyễn Phúc Ánh: "Chúa còn ham mộng sơn hà/Thì tình cốt nhục có là gì đâu".
Và rồi đất nước lại diễn ra cảnh: "Bao phen binh lửa hoang tàn/Máu xương người Việt ngập tràn muôn nơi".
Lịch sử nước ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã trải qua biết bao đau thương thảm khốc, chính từ thời điểm đó, khi vị chúa bỏ qua lời khuyên đúng, đặt lòng tin vào sự "hào hiệp" của kẻ bên ngoài, thực chất là bọn thực dân đang rắp tâm cướp nước ta.
Chỉ với 24 câu, bài thơ xen lời dẫn chuyện với lời bình, trong cảm xúc tiếc thương, cảm phục nhân vật. Khép lại toàn bài là một ghi nhận, một sự tri ân của dân tộc, lại khéo léo lồng hai câu ca dao đầy chia sẻ: "Bình yên khát vọng ngàn đời/Lời ru còn mãi khôn nguôi nhớ Người/"Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu đời đắng cay".
Nhà thơ Vũ Quần Phương có lần nhận xét về bài thơ: "Đọc thơ mà lại thấy được cái sắc sảo trong bàn thời cuộc rất nhà báo là ở chỗ này".
Viếng bà Phi Yến Con xin có nén nhang này Viếng bà Côn Đảo giữa ngày bão giông Từ trong lòng biển sóng cồn Nỗi niềm xưa lại một lần quặn đau... Thời gian đâu dễ phai màu Vọng lời Người giữa cao xanh đại ngàn "Cùng là máu đỏ da vàng Cớ sao phải viện ngoại bang tương tàn Có thắng cũng chẳng vẻ vang Tránh sao muôn sự luận bàn đời sau..." "Trung trinh tiết liệt" anh hào Một mình nhận lấy bao nhiêu bạo tàn Con chết, mẹ ở đảo hoang Tử sinh ly biệt muôn ngàn xót xa Chúa còn ham mộng sơn hà Thì tình cốt nhục có là gì đâu Ném hoàng tử xuống biển sâu Mặc người vợ trẻ dập đầu khóc than... Bao phen binh lửa hoang tàn Máu xương người Việt ngập tràn muôn nơi Bình yên khát vọng ngàn đời Lời ru còn mãi khôn nguôi nhớ Người "Gió đưa cây Cải về trời Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay..." TRẦN MAI HƯỞNG |