Bé trai 2 tuổi tử vong sau khi tiêm kháng sinh trị viêm họng

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 20:50, 21/08/2014

Bị viêm họng, gia đình đưa bé trai 2 tuổi đến bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi được tiêm thuốc cháu bé lập tức bị co giật, tím tái rồi tử vong.

Chị Lê Thị Diễm (sinh năm 1986, trú thôn Mỹ Liên, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) như người mất hồn sau cái chết đột ngột của đứa con trai. Nước mắt ngắn dài, chị buồn bã kể, con trai chị tên là Nguyễn Minh Vương (2 tuổi) bị sốt vào hôm 15/8. Gia đình có đưa cháu đi khám lấy thuốc theo đơn của bác sĩ về nhà cho uống. Tuy nhiên, cháu vẫn không hết sốt. Khoảng 16h30 ngày 17/8, gia đình đưa cháu Vương đến nhập Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh để điều trị.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại khoa khám bệnh tự nguyện của Bệnh viện Kỳ Anh chẩn đoán cháu Vương bị viêm họng, sốt hơn 38 độ C. Sau đó, giới thiệu lên khoa Tai - Mũi - Họng. Tại đây, bác sĩ Linh yêu cầu đưa cháu đi chụp phim, siêu âm, xét nghiệm máu và kết luận bệnh nhân bị viêm họng, đầy hơi. Còn lại các thông số khác đều bình thường.

Chị Diêm đau đớn vật vã khóc sau cái chết của con trai 2 tuổi.

Chị Diễm đau đớn vật vã khóc sau cái chết của con trai 2 tuổi.

Ngay sau đó, y tá tiến hành truyền. Một lúc sau, y tá test lấy ven ở tay của bé rồi tiêm thuốc. "Mới test được khoảng 3 phút thì y tá rút kim, truyền thuốc vào. Khi đẩy thuốc vào, thuốc không vào được. Y tá chuyển sang lấy ven ở tay khác để tiêm cũng không được. Cuối cùng y tá lấy ven ở trán để tiêm cho hết thuốc", chị Diễm cho biết.

Cũng theo mẹ cháu bé thì sau khi tiêm xong khoảng 2 phút, y tá về phòng. "Tôi thấy con trai bắt đầu biểu hiện tím tái rồi mắt trợn trắng, thở ngược dồn dập. Tôi giật mình rồi khẩn trương gọi y tá. Khoảng 5 phút sau, bác sĩ Linh đến rồi chỉ định đưa cháu lên phòng cấp cứu Nhi.

Khi đưa lên phòng cấp cứu, con tôi thở ngược dồn dập, co giật, cắn lưỡi chảy máu. Các bác sĩ nói cháu bị phản ứng thuốc nên tiêm 3 mũi để cấp cứu. Lúc này, bác sĩ Tuấn trưởng khoa Nhi đến chỉ đạo khẩn trương đi mượn máy về để tập trung cấp cứu. Phải chờ hơn 30 phút họ mới đưa máy về. Họ lắp máy thở một lúc thì máy đo nhịp tim. Cháu nằm bất động. Khoảng 20h30, bác sĩ ngừng cấp cứu rồi thông báo cháu đã tử vong", chị Diễm đau đớn kể.

Theo chị Diễm, bé Dương chưa đầy 2 tuổi mà nặng 18 kg, khỏe mạnh. Khi đưa cháu đi viện, cháu vẫn chơi, vẫn vẫy tay chào ông bà. Thế mà chỉ mấy giờ đồng hồ sau thì cháu mất. Gia đình quá đau lòng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Chị Lê Thị Liễu (sinh năm 1988, em gái chị Diễm) cũng bức xúc cho rằng bệnh viện Kỳ Anh đã tắc trách khi y tá tiêm thuốc không theo dõi mà trở về phòng. Trong khi cấp cứu, các bác sĩ lúng túng. Máy móc thiết bị cấp cứu không sẵn sàng tại chỗ dẫn đến việc bé Vương tử vong.

[Caption] Người nhà đau buồn, phản ánh bức xúc

Người nhà đau buồn, bức xúc trước sự ra đi đột ngột của đứa cháu.

Sáng ngày 20/8, bà Phạm Thị Xuân Liễu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh, cho biết, bé Vương nhập viện lúc 16h30. Tiến hành khám, bác sĩ chẩn đoán viêm họng cấp rồi cho lên khoa Tai - Mũi - Họng. Hôm đó, bác sĩ Nguyễn Thị Linh và y tá Nguyễn Thị Liên trực. Sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp X quang, bác sĩ Linh cho truyền dung dịch Natstriclo sau đó cho tiêm Taxibiotic.

Theo dõi một lúc không có vấn đề gì thì y tá về phòng. Một lúc sau bệnh nhân tím tái, nghĩ đến sốc phản vệ nên đưa bệnh nhân lên phòng cấp cứu Nhi. Ca xử lý có sự tham gia của bác sĩ Nguyễn Hoài Nam trực khối nội chuyên khoa 1 Nhi, bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng khoa Nhi cùng tham gia cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ nhưng do bệnh nhân sốc quá nặng nên đã không qua khỏi.

Về loại thuốc sử dụng tiêm cho bệnh nhân, bà Liễu cho rằng theo quy định của Bộ Y tế thì thuốc đó không cần test. Tuy nhiên, để thận trọng, y tá cũng đã thử test. Còn về máy móc phương tiện cấp cứu, bà Liễu khẳng định đầy đủ, chỉ đi mượn thêm máy monitorin để theo dõi các chỉ số bệnh nhân.

[Caption] GĐ Bệnh viện ĐK Kỳ Anh- bà Phạm Thị Xuân Liễu trao đổi về vụ việc 

Bà Phạm Thị Xuân Liễu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trao đổi về vụ việc.

Sau khi bệnh nhân tử vong, gia đình bức xúc, bệnh viện cũng đã có mời công an cùng gia đình làm việc. Phía gia đình yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của bệnh nhân. Bệnh viện trả lời muốn làm rõ thì cần phải khám nghiệm tử thi. Nhưng sau đó gia đình đã không đồng ý khám nghiêm mà yêu cầu bệnh viện hỗ trợ kinh phí mai táng. Bệnh viện đồng ý hỗ trợ các chi phí khâm liệm, mai táng, huyệt mộ... giá trị khoảng 20 triệu đồng. Sau khi thống nhất như vậy, đến khoảng 2h sáng ngày 18/8 thi thể bệnh nhân được đưa về quê an táng.

"Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc lên Sở Y tế, tiến hành họp kiểm thảo sau tử vong vào ngày hôm 19/8. Tôi nghĩ rằng bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ. Đây là một tai biến y khoa. Dù đã làm hết trách nhiệm, nhưng không cứu được bệnh nhân chúng tôi cũng rất đau lòng", bà Liễu nói.

Về phản ánh của gia đình xung quanh việc y tá khi tiêm thuốc không theo dõi mà bỏ về phòng cũng như khi cấp cứu bệnh nhận vẫn nghe điện thoại, bà Liễu khẳng định nếu đúng như vậy là sai. "Về nội dung này nếu gia đình yêu cầu, bệnh viện sẽ bố trí buổi làm việc để đối chất làm rõ", bà Liễu nói.

(Nguồn: Báo Lao Động)