Mệt mỏi vì lấy phải... chồng đảm

Đời sống - Ngày đăng : 14:49, 22/08/2014

Tuấn hơn Liên 5 tuổi, cái tuổi để người chồng có thể đủ chín chắn và già dặn hơn người vợ để lo cho cuộc sống gia đình trên mọi mặt.

Hơn nữa, hai người lấy nhau vì yêu, chứ cũng không phải ai ép uổng gì. Cái thời này, nói chuyện ép uổng cưới nhau e là chuyện hiếm. Nghĩa là có tìm hiểu nhau kỹ rồi mới cưới. Nhưng có những thứ, khi yêu là ưu điểm, còn khi bước vào cuộc sống gia đình, nó lại là nhược điểm.

Mọi người ai cũng khen Liên sướng, gia đình chồng có điều kiện, vừa lấy nhau xong ông bà nội đã cho tiền mua đất, mua nhà… chồng thì công việc ổn định. Hơn thế, Tuấn còn là một người chồng cực kỳ đảm đang và sạch sẽ có tiếng của xóm. Mọi người thường trêu Liên:

Mệt mỏi vì lấy phải... chồng đảm 1

Hôm ấy, Tuấn đi công tác mấy ngày, cuối tuần mới về. Ở xóm, mọi người cũng đều đi làm,
 cuối tuần mới nhộn nhịp hơn những ngày thường. (ảnh minh họa)

Có ai sướng bằng cô nữa, chồng đẹp trai, lại đảm đang, chịu khó nhất xóm còn gì bằng!

Tuấn được gọi là người đàn ông đảm đang của xóm quả là cũng không ngoa tí nào. Hôm nào cũng vậy, năm giờ sáng khi vợ vẫn còn nằm, Tuấn đã dậy để quét dọn và làm đồ ăn sáng cho cả nhà. Liên chỉ dậy, rửa mặt, đánh răng, ăn sáng đi làm. Con cái đã có Tuấn cho ăn và đưa tới trường. Chiều về nhà, nếu Liên về sớm hơn thì nấu cơm, nếu không thì hầu như là Tuấn về đi chợ và nấu ăn cho cả nhà.

Nhiều lần, cả xóm liên hoan ăn cơm ở nhà Tuấn, cũng chỉ thấy chồng vào bếp nấu nướng mọi thứ còn Liên chỉ lăng xăng bên ngoài. Chị em trong xóm càng được dịp ca tụng tuấn hết lời. Trong xóm, thỉnh thoảng các bà vợ lại nói cạnh các ông chồng:

Sang mà học chú Tuấn kia kìa. Chồng nhà này chỉ biết vác cái mồm về ăn thôi. Nấu nồi cơm cũng không biết đổ bao nhiêu nước cho vừa.

Các ông chồng bắt đầu cãi cùn kiểu:

Đấy, sang mà ở với chú Tuấn.

Các bà vợ cũng chẳng vừa:

Vâng, cũng sắp rồi đấy!

Thế là nhiều khi gia đình lại xảy ra chiến tranh lạnh vì người đàn ông hàng xóm đảm đang. Người ta bảo, khi đi ăn quán, xuất ăn cùng giá tiền của người bên cạnh khi nào cũng ngon hơn đĩa thức ăn của mình. Chuyện vợ chồng và hàng xóm có lẽ nào cũng thế?

Nhiều khi mấy ông ngồi uống nước với nhau cũng nhắc Tuấn:

Mày chịu khó vừa thôi, vợ tao suốt ngày so sánh tao với mày đau hết cả đầu rồi.

Tuấn cười xòa:

Ôi trời, vợ em nó có biết làm cái gì đâu. Về nhà muốn ăn ngon thì lăn vào mà nấu. Mình ăn ngon quen rồi, ăn người khác nấu không vừa miệng không chịu được!

Thế nhưng có ai biết được nỗi khổ của Liên, được khen có chồng giỏi giang chuyện bếp núc, Liên cũng chỉ biết thở dài. Nói ra, mọi người lại càng chê mình vụng mà thôi. Nên im lặng cho lành.

Hôm ấy, Tuấn đi công tác mấy ngày, cuối tuần mới về. Ở xóm, mọi người cũng đều đi làm, cuối tuần mới nhộn nhịp hơn những ngày thường. Liên cũng như các chị , háo hức chợ búa nấu nướng đợi chồng về ăn bữa cơm cuối tuần xum họp đầm ấm có cả gia đình.

Liên háo hức bê mâm cơm với đầy món mà Liên tâm đắc, với bao nhiêu công sức hì hụi trong bếp suốt cả buổi sáng. Tuấn nhìn mâm cơm, gắp ăn thử mấy món. Liên nhìn chồng cứ như là mấy cô đi thi “Vua đầu bếp” hồi hộp chờ đánh giá của ban giám khảo vậy. Mãi chả thấy Tuấn nói gì, cũng không có biểu hiện phấn khích nào, Liên đành phải hỏi:

Anh, mấy món này có ngon không? Anh ăn có vừa miệng không?

Tuấn đáp cụt lủn:

Cũng tạm. Món này hơi nhạt, món này hơi mặn, món này thiếu cái này, món này thiếu cái kia… hơi nhừ, hơi sống…

Liên ngồi, mặt mũi ngắn lại, suốt bữa cơm chả nuốt nổi miếng nào ngon lành vào mồm. Nước mắt chỉ trực trào ra.

Ai bảo lấy chồng đảm, chồng khéo là sướng chứ. Suốt bao nhiêu năm cưới nhau, bây giờ thằng bé cũng đã ba tuổi rồi, chưa bao giờ Tuấn hào hứng với những món Liên làm, hay khen Liên hôm nay khéo tay, hôm nay có món này ngon, món này đặc biệt… Lời khen của Tuấn dường như chưa bao giờ dành cho vợ.

Nhưng khổ hơn nữa, không phải chỉ có trong gia đình mà bên ngoài cũng vậy. Chưa bao giờ có khách khứa mà mọi người khen Liên nấu ăn ngon, người ta chỉ toàn bảo Tuần khéo thế nọ, khéo thế kia. Liên nghe mà xấu hổ, cứ ngỡ như, Tuấn mới là người đàn bà trong nhà vậy. Có chăng, mọi người nhìn Liên cười:

Cô Liên sướng thật, toàn được chồng nấu những món ngon cho ăn. Chả như nhà tôi!

Mệt mỏi vì lấy phải... chồng đảm 2

Tất nhiên, người phụ nữ nào cũng mong lấy được người chồng chịu thương
 chịu khó, biết giúp vợ việc nhà. (ảnh minh họa)

Người ta thì muốn có chồng đảm như Tuấn, nhưng nhiều lúc Liên lại ước: giá như, Tuấn đừng khéo tay như thế, đừng đảm đang như thế, có lẽ Liên lại thấy đỡ áp lực và nhẹ nhõm hơn. Có lẽ, Liên sẽ được hưởng cái niềm vui nho nhỏ là mỗi khi ăn cơm, được chồng khen là khéo tay, được con khen mẹ nấu ngon chứ không phải là cái lắc đầu của Tuấn, hay một câu nhạt tếch: ăn tạm! của chồng.

Chính vì Tuấn làm được mọi thứ hơn Liên, nên trong mắt Tuấn, Liên mãi là cô vợ trẻ vụng về, trẻ con. Cái gì cũng phải dạy, cái gì cũng phải nói. Vì thế, trong nhà Tuấn là người làm mọi việc cho Liên nhưng cũng là người đàn ông hay chê bai và cằn nhằn về Liên nhiều nhất. Mặc dù Liên đã cố gắng nhưng khả năng có hạn, Liên vẫn không thể nào hơn Tuấn được. Vì thế, khi có người khen sướng, lấy được chồng đảm đang, chịu khó nhất xóm, Liên cũng chỉ biết cười trừ, ngậm bồ hòn làm ngọt.

Tất nhiên, người phụ nữ nào cũng mong lấy được người chồng chịu thương chịu khó, biết giúp vợ việc nhà. Nhưng nhiều khi lấy chồng đảm quá, người phụ nữ bị nép vế ở chính những thế mạnh riêng của mình, hẳn cũng không dễ dàng chấp nhận. Nó cũng giống như cảm giác của người đàn ông lấy được người vợ giỏi giang, kiếm được nhiều tiền hơn và luôn về nhà chê chồng kém cỏi vậy.

Vì thế, dù người bạn đời của mình có vụng về hay đảm đang, đều có những mặt tốt và xấu của nó. Đừng vội chê bai, cũng đừng nhìn sang hàng xóm mà thèm. Bởi, ở trong chăn mới biết chăn có rận! Mà chăn nhà nào cũng có rận cả, chỉ là rận nhiều hay ít, to hay bé mà thôi!

 (Nguồn: Khampha.vn)