Đừng để quy hoạch “trên giấy”
Môi trường - Ngày đăng : 03:22, 24/08/2014
Có quy hoạch nhưng không có kinh phí thực hiện nên dự án thì vẫn nằm trên giấy, ô nhiễm môi trường thì vẫn diễn ra hằng ngày...
Nhiều hộ dân ở thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) nuôi lợn trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường
Nhiều nguyên nhân
Theo ông Vương Đức Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tất cả 17 xã trong huyện đều bố trí khu chăn nuôi tập trung (KCNTT) xa khu dân cư. Các KCNTT thường có quy mô 3 ha, cách khu dân cư tối thiểu 500 m. Đa phần các xã bố trí một địa điểm làm KCNTT, còn lại một số xã bố trí 2 địa điểm cho việc này. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện chưa có xã nào xây dựng được KCNTT xa khu dân cư theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã đề ra. Riêng xã Tân Trường có KCNTT nhưng được xây dựng từ trước năm 2010.
Tại 2 huyện Ninh Giang, Kim Thành, việc đưa các hộ chăn nuôi ra khu tập trung xa khu dân cư cũng không khả quan hơn. Trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã đều bố trí địa điểm xây dựng KCNTT xa khu dân cư nhưng đến nay chưa có xã nào ở 2 huyện trên thực hiện được. Một số xã đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung nhưng nuôi thủy sản đóng vai trò chính, còn chăn nuôi chỉ là phụ. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh.
Việc các địa phương quy hoạch KCNTT xa khu dân cư nhưng chưa thực hiện được xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thị trường, giá bán nông sản bấp bênh, nhiều rủi ro về dịch bệnh, thời tiết, chi phí đầu tư lớn… khiến nhiều hộ dân không muốn đầu tư chăn nuôi. Những hộ dân có nguồn vốn lớn, có kinh nghiệm, muốn đầu tư vào chăn nuôi lại vướng nhiều khó khăn khác. Một số năm trước, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất lúa để chăn nuôi tập trung bị vướng mắc ở Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (chuyển mục đích đất trồng lúa phải xin phép Thủ tướng Chính phủ). Đó là chưa kể nếu được chuyển mục đích sử dụng đất lúa thì số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cũng rất lớn. Những hộ không có tiềm lực kinh tế sẽ không thể có mặt bằng cho chăn nuôi. Riêng đối với diện tích đất công điền, địa phương chỉ có thể ký hợp đồng đấu thầu với thời hạn 5 năm nên người chăn nuôi khó yên tâm đầu tư… Nếu đi thuê đất, tiền thuê đất cao cũng khiến nhiều người chăn nuôi không chịu được.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh vẫn chưa hấp dẫn, thủ tục thanh quyết toán rườm rà nên chưa có tác dụng khuyến khích sản xuất. Trong Đề án "Phát triển chăn nuôi, thủy sản tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường giai đoạn 2011-2015", tỉnh ta có chính sách đối với KCNTT là: Ngân sách hỗ trợ lần đầu 20% tổng vốn đầu tư cho KCNTT xây dựng cơ sở hạ tầng (tường bao, trục giao thông chính, hệ thống cấp thoát nước, trạm biến áp, đường điện, hầm bi-ô-ga) và trang thiết bị dùng cho chăn nuôi (hệ thống làm mát tự động, sàn chuồng, cũi nhốt, hệ thống dẫn nước, van nước tự động, máng ăn, đèn hồng ngoại). Thực tế đã có những hộ dân xây dựng KCNTT đáp ứng tiêu chí đề ra nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của tỉnh. Nguyên nhân do trong thủ tục để nhận hỗ trợ, người chăn nuôi phải có hóa đơn đỏ hoặc giấy biên nhận mua hàng có xác nhận của UBND xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi mua vật tư, thiết bị. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều hộ chăn nuôi, thủ tục này vẫn còn rườm rà. Do vậy, đến nay, tỉnh ta vẫn chưa hỗ trợ được trường hợp nào theo chính sách trên.
Hứng chịu ô nhiễm
Chưa có các KCNTT xa khu dân cư đồng nghĩa với việc nhiều hộ dân vẫn chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thôn, làng, vùng chuyển đổi, kéo theo những hệ lụy về môi trường. Chăn nuôi trong khu dân cư thường gây ô nhiễm về mùi, nước thải, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khỏe của người dân. Hình ảnh những thôn, khu dân cư nồng nặc mùi hôi của lợn, gà, dòng nước thải đen ngòm xả ra ven đường đã trở nên quen thuộc ở nhiều địa phương.
Một con kênh ở xã Lai Vu (Kim Thành) bị ô nhiễm nặng vì nước thải chăn nuôi, sinh hoạt
Tại thôn Đình Giọng, xã Đại Đức (Kim Thành), một số hộ chăn nuôi gà, vịt với số lượng nhiều làm phát tán mùi hôi ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Một người dân chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm mùi ở đây (xin giấu tên) cho biết: Dạo này người ta nuôi ít gia cầm, vệ sinh tốt nên mùi hôi còn đỡ. Những lúc nuôi nhiều, mùi hôi kinh khủng. Nhà tôi ngồi ăn cơm phải đóng kín cửa mà vẫn còn mùi. Có lần nước thải đen như than xả ra rãnh ở trong khu dân cư. Tôi góp ý nhưng người ta không nghe.
Các địa phương còn rất nhiều việc cần làm nếu không muốn quy hoạch KCNTT xa khu dân cư “nằm trên giấy”. Theo ông Phạm Viết Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành, trước hết, mỗi hộ chăn nuôi cần có ý thức di chuyển sản xuất ra KCNTT. Mặt khác, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng KCNTT vì người dân khó có điều kiện làm việc này. Còn ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị tỉnh cần tăng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng KCNTT từ mức 20% như hiện nay lên 25-30% để ngang bằng với chính sách hỗ trợ hạ tầng ở vùng thủy sản tập trung từ 50 ha trở lên. Ngoài ra, tỉnh cần tạo thuận lợi về quỹ đất, nguồn vốn, sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục nhận hỗ trợ để chăn nuôi trong khu dân cư ngày càng giảm, nhường chỗ cho các KCNTT xa khu dân cư.
NINH TUÂN