Cần bảo tồn kiến trúc truyền thống

Di tích - Ngày đăng : 04:48, 25/08/2014

Nhiều công trình sau khi được trùng tu, nâng cấp đã mất đi kiến trúc truyền thống mà thay vào đó là những kiến trúc lai căng, pha tạp...



Sư tử đá "án ngữ" chùa Thanh Mai


Tỉnh ta hiện có trên 2.300 di tích tôn giáo, tín ngưỡng, cách mạng. Những năm qua, từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, nhiều di tích xuống cấp đã được trùng tu, tôn tạo. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2001 đến nay, mỗi năm các tổ chức xã hội, nhân dân trong và ngoài tỉnh đóng góp từ 10-15 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các di tích. Ngoài các di tích đã được xếp hạng, nhiều di tích tại các thôn, khu dân cư cũng được tôn tạo và gìn giữ bởi chính người dân địa phương. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các di tích cũng nảy sinh những bất cập. Tình trạng đầu tư xây dựng, nâng cấp một cách tùy tiện, làm thay đổi hiện trạng di tích diễn ra phổ biến, nhất là những di tích chưa được xếp hạng. Một số công trình tôn giáo còn đưa những nét văn hóa ngoại lai, du nhập không phù hợp thuần phong mỹ tục. Chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) là di tích gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ. Do xuống cấp nghiêm trọng nên năm 2005 đến nay, chùa được Nhà nước đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng 10 gian chính điện, 2 gian nhà bia, 7 gian nhà khách, 7 gian nhà tăng và các công trình phụ trợ khác. Thế nhưng về đây, du khách không khỏi băn khoăn khi thấy giữa sân chùa lừng lững xuất hiện đôi sư tử ngoại lai dữ dằn nhe nanh.


Ở TP Hải Dương cũng có rất nhiều các ngôi chùa sau khi tu bổ đã thay đổi hiện trạng ban đầu, nổi bật là kiểu kiến trúc 2 tầng theo Phật giáo Tiểu thừa phổ biến ở miền Nam như: chùa Đồng Niên, chùa Nhị Châu, chùa Đông Thuần... Ông Bùi Dương Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin TP Hải Dương cho biết, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp di tích nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống và phát huy các giá trị đó. Thế nhưng, việc du nhập kiến trúc lạ đang phá vỡ những nét nguyên bản, kiến trúc chùa truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, gây lãng phí di sản, hiểu không đúng về đặc điểm tôn giáo vùng, miền.      

Theo ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp di tích hiện được làm khá chặt chẽ ở các di tích lớn, tiêu biểu. Còn các di tích nhỏ hay chưa được xếp hạng thì việc xây dựng, tu bổ chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa. Mặt trái là tình trạng xây dựng tự do, tùy tiện, lai căng, pha tạp, phá vỡ nét kiến trúc truyền thống.

Để việc đầu tư xây dựng, nâng cấp di tích mới không lãng phí, cần có những quy định chặt chẽ hơn. Ngành văn hóa cần rà soát kỹ lưỡng để mỗi công trình được trùng tu thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân về sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa và phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Việc thẩm định, cấp giấy phép cũng như quản lý xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích cần phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành văn hóa, ngành xây dựng. Bảo tồn kiến trúc truyền thống, kiên quyết chấn chỉnh các kiến trúc lạ, kiến trúc mang tính lai căng, du nhập không phù hợp trong xây mới các công trình tôn giáo. Các địa phương thành lập Ban quản lý di tích, danh lam thắng cảnh để thuận cho việc duy tu, quét dọn thường xuyên cũng như quảng bá tốt các giá trị của di tích phát triển du lịch.

NGỌC HÙNG



Ngày 8-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du dịch (VHTTDL) đã có Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị yêu cầu không trưng bày, không sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng. Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.

Chiều 19-8, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VHTTDL) đã gửi công văn đến Sở VHTTDL, Thanh tra văn hóa các tỉnh, thành phố để giới thiệu mẫu linh vật "canh cửa" của Việt Nam.