Tầm nhìn văn hóa rộng lớn trong bản Di chúc
Tin tức - Ngày đăng : 12:49, 26/08/2014
Bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ tầm nhìn văn hóa rộng lớn và trí tuệ văn hóa sâu sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu
toàn quốc lần thứ nhất (1-5-1952)
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng, luôn đau đáu nỗi niềm trăn trở làm sao phải xây dựng Đảng, củng cố Đảng thật trong sạch, vững mạnh, thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, đầy tớ trung thành của nhân dân, dễ hiểu tại sao trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại "trước hết nói về Đảng" mà cụ thể là về văn hóa Đảng.
Từ góc độ văn hóa, đoàn kết chính là giá trị, là sức mạnh và cũng là hạt nhân quan trọng của văn hóa Đảng: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Đối với Hồ Chí Minh, văn hóa Đảng chính là trí tuệ, lương tâm và sự trong sạch của Đảng, Đảng phải "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". Để làm được điều đó, "trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình" và mỗi cán bộ, đảng viên phải "thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng" cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Cụm từ "đạo đức cách mạng" được sử dụng đến hai lần và cả hai lần đều được in nghiêng cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vấn đề này. Coi văn hóa đạo đức là nội dung bên trong của lối sống nên Người coi trọng việc giáo dục, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng. Có đạo đức mới đoàn kết tốt; thực hiện đoàn kết tốt, là đảng viên đã thấm nhuần đạo đức cách mạng, sẽ làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trước hết là ở những giá trị đạo đức của nó, ở phẩm chất đạo đức và nhân cách của những người cộng sản. Một nền văn hóa có những con người có đạo đức, nhân cách, có lối sống cao đẹp như vậy thì những cái xấu, cũ kỹ, hư hỏng nhất định sẽ bị quét sạch. Đó chính là mục đích của cuộc cách mạng mà nhân dân phải tiếp tục tiến hành khi cả nước thống nhất, non sông liền một dải như Người đã từng chỉ rõ năm 1967: phải "thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm... Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc".
Quan tâm đến con người với ý nghĩa là chủ thể sáng tạo của mọi giá trị văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết chăm lo phần "công việc đối với con người". Trong Di chúc, Người căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Suốt cuộc đời Bác đã "hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân". Lúc sắp ra đi, Bác vẫn chỉ nghĩ đến việc chăm lo hạnh phúc cho con người, tiết kiệm thì giờ và tiền bạc cho nhân dân: "Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân...". Trong bản thảo tháng 5-1968, Bác đã vạch ra những dự kiến về việc xây dựng đất nước sau chiến tranh, có tính đến từng đối tượng cụ thể: thương binh, gia đình liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, phụ nữ, nông dân. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình hay đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ, Người căn dặn "phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn", "phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét". Thấm nhuần đạo lý văn hóa truyền thống của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn", Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho đồng bào nông dân "để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất" sau nhiều năm liên tục ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Quan tâm đến cuộc sống con người, Di chúc cũng thể hiện khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hình thành một loại hình văn hóa mới bảo đảm cơ sở tự nhiên bền vững cho cuộc sống con người: Văn hóa sinh thái: "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" dần dần sẽ được phổ biến...".
45 năm qua, Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo toàn dân thực hiện Di chúc và đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa: Giành độc lập và thống nhất trọn vẹn cho đất nước; vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất - văn hóa của nhân dân, nâng cao vị trí, uy tín quốc tế trong khu vực và trên thế giới...
Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong xã hội đã được nâng lên, chủ trương của Đảng về văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Văn hóa được quan tâm hơn về chủ trương, chính sách, nguồn lực và ngày càng có sự gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, an ninh quốc phòng, xây dựng con người... Tự hào về những thành tựu đạt được, song chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thử thách không nhỏ. Đáng chú ý là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Thực tế, sự suy thoái về đạo đức, lối sống nếu không ngăn chặn kịp thời, chẳng những gây tổn thương nặng nề cho văn hóa mà còn làm suy giảm sự phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa trực tiếp tới sự ổn định và bền vững của chế độ chính trị. Chúng ta càng thấy thấm thía hơn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng và chỉnh đốn đối với Đảng cầm quyền.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; nghiêm túc vận dụng những lời răn dạy trong Di chúc của Người; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thật sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân.
Thạc sĩ VŨ THỊ KIM YẾN