Siết chặt quản lý bán hàng đa cấp
Thị trường - Ngày đăng : 16:22, 28/08/2014
Bán hàng đa cấp cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém, có không ít sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật, do sự biến tướng, núp bóng bán hàng theo mô hình kim tự tháp...
tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thế Vinh – TTXVN
Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, bán hàng đa cấp rất khó kiểm soát bởi các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa phương nhưng lại thường hoạt động ở các thành phố lớn. Vì vậy, Nghị định 42/2014/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP, với những quy định chặt chẽ và chi tiết sẽ quản lý chặt hơn bán hàng đa cấp.
Bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng tiên tiến, phục vụ khách hàng tiện lợi, hiệu quả đã tồn tại và phát triển 8 thập niên trên nhiều quốc gia ở các châu lục. Ở Việt Nam, bán hàng đa cấp xuất hiện gần 15 năm, đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế - xã hội. 67 doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp đang hoạt động, thu hút gần 1,2 triệu lao động tham gia.
Tuy nhiên, bán hàng đa cấp cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém, có không ít sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật, do sự biến tướng, núp bóng bán hàng theo mô hình kim tự tháp, không được pháp luật thừa nhận. Một số doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh, hoặc phá sản, tự đóng cửa. Những vụ lừa đảo ở các công ty Tâm Mặt Trời hay muaban24.vn… là những minh chứng chưa cũ.
Nhận định về vấn đề này, ông Bạch Văn Mừng cho biết: Những bất cập của hoạt động kinh doanh này đã tạo nên những hình ảnh xấu cho mô hình, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp bán hàng không đăng ký với cơ quan chức năng, mắc sai phạm trong quá trình hoạt động, vi phạm nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, vi phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về quảng cáo… Có doanh nghiệp cung cấp những mặt hàng không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại cho các nhà phân phối và người tiêu dùng.
Để có thể quản lý tốt hơn việc kinh doanh này, sự thay đổi về quy định cấp giấy phép được cho là có hiệu quả đáng kể. Cụ thể, theo Nghị định 42/2014 NĐ-CP, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sẽ do Bộ Công Thương trực tiếp cung cấp thay vì giao cho địa phương cấp phép như hiện nay. Ngoài ra, nghiêm cấm loại hình kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp - bản chất là mô hình hàng hóa không đến tay người tiêu dùng, không xuất phát từ sản phẩm mà chủ yếu từ việc đóng phí của người tham gia.
Bên cạnh đó, Nghị định 42/2014/NĐ-CP cũng đưa ra những quy định mới nhằm hạn chế những hành vi sai trái về bán hàng đa cấp. Ví dụ trước đây doanh nghiệp bán hàng đa cấp ký quỹ vốn rất thấp và kiếm lời trong thời gian ngắn rồi tự giải tán. Tuy nhiên, với nghị định mới, các cơ quan chức năng có tiêu chí để quản lý, bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm người tiêu dùng và doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Ông How Kam Chiong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Amway Việt Nam đánh giá cao Nghị định 42/2014 bởi những quy định mới về việc cấp Chứng chỉ đào tạo viên. Đây là một thách thức đối với doanh nghiệp, vì bản thân các doanh nghiệp phải có bước chuẩn bị để theo kịp quy định mới. Cụ thể là việc đào tạo phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, cũng theo ông How Kam Chiong, đây cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp củng cố lại kiến thức của đội ngũ đào tạo viên, nâng cao và phổ biến những quy chuẩn mới của luật pháp cho họ. Những động thái này sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong thời gian tới, tạo động lực cho những công ty kinh doanh bán hàng đa cấp chân chính, tin tưởng, gắn bó và đầu tư lâu dài, cụ thể là việc mở rộng quy mô sản xuất hoặc xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Những người tham gia kinh doanh bán hàng đa cấp sẽ phải có trách nhiệm hơn và tuân thủ luật pháp trong quá trình tham gia hoạt động bán hàng đa cấp. Đây là cột mốc để tất cả các doanh nghiệp chấn chỉnh và tuân thủ luật pháp một cách chặt chẽ, cùng nhau làm “trong sạch hóa” loại hình bán hàng đa cấp đối với cộng đồng.
TTXVN