Thơ chết thì người còn sống sao?
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 15:24, 04/09/2014
Nhà thơ Khương Hữu Dụng khi đã ngoài 60 tuổi đến thăm Côn Sơn, lúc về có làm bài thơ tứ tuyệt "Lên Côn Sơn" gửi cho báo Hà Nội mới, nguyên văn:
Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi
Trên đầu xanh ngắt một bầu không
Bàn cờ thế sự quân không động
Mà thấy quanh mình nỗi bão giông
Khi báo phát hành đến tay nhà thơ đọc so với bản lưu bài thơ đó, thấy chữ thứ năm của câu thứ tư nhà thơ viết là "Nổi bão giông", nhà thơ không những không vui như mọi khi bài của mình được đăng báo mà còn tỏ ra buồn rầu, bực bội. Nhà thơ lập tức đến ngay tòa soạn chất vấn Ban Biên tập: "Các ông làm ăn thế này thì chết tôi rồi!". Một cán bộ biên tập tiếp nhà thơ từ tốn thưa:
- Thưa cụ! Các cháu có làm gì mà đến nỗi cụ phải chết? Xin cụ chỉ giáo cho!
Nhà thơ vẫn không hết giận mà nói to hơn:
- Không chết à? In ấn thế này thì thơ nó chết ông ạ, mà đối với chúng tôi thơ đã chết thì người còn sống sao?
Nói rồi, nhà thơ Khương Hữu Dụng dịu giọng phân tích: "Bàn cờ thế sự quân không động. Mà thấy quanh mình nỗi bão giông". Cái chữ "Nỗi" mà in thành "Nổi" (có dấu hỏi) tôi hỏi các ông, các ông có giết tôi không? Hai câu này trong bài tứ tuyệt của mình chỉ có một chữ "nỗi" ấy mà in sai, tức là nó chết cả bài.
Một số bạn bè của nhà thơ Khương Hữu Dụng biết chuyện trên có bàn luận rằng: Nhà thơ Khương Hữu Dụng người Hội An, Quảng Nam (1907-2005) vốn nho nhã hiền lành, ít khi bực bội, nổi nóng. Thế mà lần ấy làm việc với Ban Biên tập Báo Hà Nội mới, già Khương (tên thân mật văn nghệ sĩ thường gọi nhà thơ) lại nổi nóng đến như vậy. Đấy cũng như vì nhà thơ tôn trọng câu chữ của mình. Cụ cho rằng đứa con tinh thần của mình đẻ ra xinh xắn, mẹ tròn con vuông mà có vết chấm đen trên mặt thì người mẹ của nó chịu sao nổi.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)