Xóa bỏ những căn bệnh nguy hiểm

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 04:42, 06/09/2014

Sau gần 30 năm triển khai, công tác tiêm chủng mở rộng đã góp phần to lớn vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.



Chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe nhân dân


Nhiều loại bệnh bị đẩy lùi

Năm 1985, khi bắt đầu triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), bác sĩ Trịnh Văn Triều hiện là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Thái (Ninh Giang) mới công tác tại trạm được 3 năm. Đến giờ bác sĩ Triều vẫn nhớ như in những căn bệnh nguy hiểm lúc đó là nỗi ám ảnh ở vùng quê này. Từ câu chuyện của một trẻ tử vong do mắc bệnh bạch hầu khiến cho cả tỉnh xôn xao đến việc hàng loạt trẻ trong trường mầm non lây nhau bệnh ho gà hay những ca uốn ván sơ sinh khiến cho người dân hoang mang, lo lắng. Đến khi bắt đầu triển khai Chương trình TCMR, đội ngũ cán bộ ở Trạm Y tế lại  phải đối mặt với nhiều khó khăn. “Khi đó bắt đầu tiêm vắc-xin BCG phòng bệnh lao, sau mũi tiêm này trẻ thường bị sốt, ở nốt tiêm mưng mủ và để lại sẹo thì mới có tác dụng phòng bệnh. Nhiều gia đình thấy vậy nghĩ tiêm xong trẻ bị áp xe nên không dám cho trẻ ra trạm tiêm. Chúng tôi phải xách phích vắc-xin đến tận nhà người dân để vận động và tiêm cho trẻ”, bác sĩ Triều nhớ lại. Cả Trạm Y tế xã lúc đó chỉ có 10 kim tiêm trong khi có hàng trăm trẻ cần tiêm. Cứ tiêm cho 10 trẻ xong, cán bộ trạm lại nhanh chóng luộc kim tiêm để khử trùng. Phích bảo quản vắc-xin cũng chưa hiện đại như bây giờ, cán bộ trạm phải cho đá viên vào phích, đá tan có khi vắc-xin cũng nổi lềnh phềnh trong phích...

Là một trong những cán bộ gắn bó lâu năm với công tác TCMR, bác sĩ Bùi Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang cho biết, trong những năm đầu triển khai chương trình này không chỉ Hồng Thái mà nhiều địa phương khác trong huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung đều gặp phải những khó khăn trên. Nhưng nhận thức được tiêm chủng là cách phòng bệnh hiệu quả nhất nên toàn ngành y tế lúc đó đã tập trung lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng. Hằng năm, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin trong Chương trình TCMR trên địa bàn huyện đều đạt từ 97-98%, đặc biệt tất cả phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván. Nhờ đó, các bệnh nguy hiểm như ho gà, bại liệt, uốn ván sơ sinh đã được thanh toán từ nhiều năm trước, người dân coi tiêm chủng là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Gần 30 năm qua đã có thêm 8 loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác được bổ sung vào chương trình tiêm chủng miễn phí cho trẻ như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B... Quy trình tiêm chủng an toàn cũng được tỉnh quan tâm triển khai ở tất cả các trạm y tế. Nhờ đó, tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã giảm rõ rệt. So sánh với năm 1985, đến nay các bệnh bạch hầu, bại liệt, uốn ván sơ sinh đã được loại trừ ở tỉnh ta. Tỉnh ta luôn nằm trong tốp đầu về thực hiện tốt Chương trình TCMR với tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vắc-xin  đạt trên 95%.

Những thách thức mới

Không thể phủ nhận lợi ích to lớn mà Chương trình TCMR mang lại nhưng những năm gần đây, công tác này cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức mới.


Tiêm chủng đầy đủ là cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Trong ảnh: Tiêm vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1
 cho trẻ tại Trạm Y tế phường Nhị Châu (TP Hải Dương)


Những tai biến sau tiêm vắc-xin Quinvaxem 5 trong 1 hay thông tin tử vong có liên quan đến vắc-xin viêm gan B sơ sinh thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả tiêm chủng. Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ có 65,5% số trẻ sinh ra ở các bệnh viện trong tỉnh được tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh. Thậm chí, một số địa phương có tỷ lệ tiêm đạt rất thấp như Nam Sách (4,49%),  Chí Linh (25,24%), Cẩm Giàng (34,83%). Một số dịch bệnh như sởi, quai bị, thủy đậu cũng có xu hướng xuất hiện trở lại và một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh như sốt xuất huyết, cúm A... càng cho thấy vai trò của Chương trình TCMR nặng nề hơn bao giờ hết.

Để nâng cao chất lượng Chương trình TCMR, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế, bên cạnh việc tăng cường giám sát quy trình tiêm chủng an toàn ở các địa phương, ngành y tế đã và đang chấn chỉnh lại hệ thống tiêm chủng, thường xuyên tập huấn cho cán bộ TCMR cũng như tiêm chủng dịch vụ về các quy định an toàn tiêm chủng. Ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện tất cả các điểm tiêm chủng, bảo đảm an toàn, chất lượng tiêm chủng cho trẻ em.

MINH HẠNH