Đằng sau những vụ vỡ tín dụng đen
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 14:23, 06/09/2014
Chỉ vì sự tin tưởng, hám lợi, thiếu hiểu biết của người dân... khiến những vụ vỡ nợ mà hậu quả của nó để lại rất nặng nề...
Bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên cán bộ Hội Phụ nữ phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) đã vay gần
20 tỷ đồng của trên 100 hộ dân nhưng không có khả năng chi trả. Trong ảnh: Ngôi nhà của bà Hòa
luôn đóng cửa im ỉm sau khi vụ việc vỡ lở
Vỡ hàng loạt
Năm 2013, vụ vỡ nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng ở huyện Nam Sách khiến dư luận bàng hoàng về số tiền mà bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Hanh Thúy (Nam Sách) huy động của người dân. Hàng trăm người dân trong và ngoài xã Nam Trung, từ người cung cấp nguyên vật liệu, hàng xóm láng giềng có chút tiền tiết kiệm đến những hộ buôn bán nhỏ ở địa phương đều trở thành nạn nhân của bà Thúy. Người có mối quan hệ làm ăn, buôn bán thì tin tưởng. Người có tiền tiết kiệm thì ham lãi cao. Nhiều người còn vay mượn thêm anh em họ hàng để cho bà Thúy vay.
Cuối năm 2013, trên 100 hộ dân ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) lại có đơn gửi công an phường phản ánh về việc bà Nguyễn Thị Hòa, đại biểu HĐND, cán bộ Hội Phụ nữ của phường vay của mọi người gần 20 tỷ đồng nhưng không có khả năng chi trả. Bà Hòa đã vay của rất nhiều hộ dân trong phường, thậm chí nhiều người thân của cán bộ phường cũng cho bà Hòa vay tiền với mong muốn được hưởng lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng. Nhiều người đã dùng số tiền tích cóp để an dưỡng tuổi già, tiền huy động của người thân, gia đình, bạn bè cho bà Hòa vay với mong muốn kiếm được chút lãi suất cải thiện cuộc sống. Thậm chí, bà Hòa còn nhận tiền gửi của một số tổ chức hội như Quỹ chăm sóc người cao tuổi phường Cẩm Thượng, Chi hội Người cao tuổi khu 4, phường Cẩm Thượng. Khi bà Hòa tuyên bố không còn khả năng trả nợ, hàng trăm hộ dân như ngồi trên đống lửa khi tài sản tích cóp được của họ có nguy cơ không thể lấy lại được.
Hơn một tuần nay, người dân thôn Phương Khê, xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) vẫn chưa hết bàn tán về cái chết tức tưởi của anh Vũ Văn Hải. Nhiều người cho rằng, chính vợ anh Hải là Vũ Thị Ngần đã gián tiếp đẩy chồng mình đến cái chết. Liên tục trong hàng chục năm trời, Vũ Thị Ngần với chiêu bài vay tiền trả lãi cao đã huy động hàng chục tỷ đồng của nhiều người dân trong xã. Nhiều người vì tin tưởng, ham lãi cao đã đem tiền của gia đình và huy động của anh em, họ hàng cho Ngần vay. Đến khi Vũ Thị Ngần tuyên bố không còn khả năng trả nợ, hàng trăm người dân trong thôn có nguy cơ vào cảnh trắng tay. Chỉ vì không chịu nổi sức ép của những người đến đòi nợ, anh Hải đã dại dột tìm đến cái chết. Đây là cái giá quá đắt và chắc chắn nó sẽ ám ảnh Vũ Thị Ngần đến hết đời.
Chiêu thức cũ, nạn nhân mới
Chỉ tuyên truyền, vận động là không đủ, bởi tín dụng đen đem đến lợi nhuận, nó dễ khiến người dân “mờ mắt” mà phớt lờ mọi lời cảnh báo. |
Tin tưởng, quen biết chỉ là một phần của tín dụng đen. Hầu hết nạn nhân của các vụ vỡ nợ đều bị hấp dẫn bởi mức lãi cao ngất ngưởng mà các con nợ hứa trả cho họ. Các con nợ luôn trả cho người dân lãi suất cao hơn từ 2 - 3 lần so với lãi suất ngân hàng. Sau khi vay được tiền của người dân, các con nợ lại cho người khác vay với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch. Thậm chí, nhiều trường hợp phải vay nóng, mức lãi suất có thể lên tới 5.000 – 7.000 đồng/triệu/ngày. Vì thế, con nợ luôn tìm cách huy động tiền của người dân nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh trái phép của mình. Và con nợ lại trở thành chủ nợ của các con nợ khác. Một vòng luẩn quẩn không lối thoát khiến vỡ nợ dây chuyền có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Vậy vai trò của chính quyền cơ sở ở đâu khi những vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra liên tiếp thời gian vừa qua? Các hoạt động tín dụng đen không thể diễn ra một sớm, một chiều. Nó diễn ra trong nhiều tháng, nhiều năm nhưng chính quyền địa phương lại không thể phát hiện hoặc có phát hiện nhưng lại không có bất cứ biện pháp nào để ngăn chặn. Chỉ tuyên truyền, vận động là không đủ, bởi tín dụng đen đem đến lợi nhuận, nó dễ khiến người dân “mờ mắt” mà phớt lờ mọi lời cảnh báo. Như thừa nhận của ông Vũ Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Bắc: “Mặc dù chính quyền xã đã cảnh báo người dân, tập trung tuyên truyền trong các cuộc họp ủy ban, họp HĐND và trên hệ thống loa truyền thanh xã, thậm chí UBND xã đã mời Vũ Thị Ngần lên làm việc, nhưng vì hám lợi nên người dân vẫn đem tiền gửi”.
Khi xảy ra vỡ nợ, chắc chắn chính quyền cơ sở biết. Tuy nhiên, hầu như họ không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nào, chỉ đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra mới nêu lý do: "sự thiếu hiểu biết của người dân".
VỊ THỦY