Làm giàu từ phế thải
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:34, 17/09/2014
Anh Nguyễn Văn Lực ở thôn Vô Lượng, xã Thống Nhất (Gia Lộc) mới 32 tuổi nhưng đã có một cơ ngơi mà nhiều người phải mơ ước.
Mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Văn Lực thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng từ cơ sở thu gom, tái chế nhựa
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhờ chăm chỉ học hỏi nghề tái chế nhựa anh Lực đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Năm 2001, anh Lực lập gia đình. Anh cùng vợ chịu khó lao động, kiếm sống, dù vất vả nhưng vẫn bị cái nghèo đeo bám. Không cam chịu cuộc sống nghèo túng, anh bàn với vợ tìm hướng làm ăn mới. Năm 2003, anh xin vào làm cho một doanh nghiệp về thu gom và tái chế rác thải. Do chăm chỉ làm việc, lại ham học hỏi, anh Lực nhanh chóng thành thạo và có nhiều kinh nghiệm trong công việc. Về quê, anh cùng vợ thu gom rác rồi ép nhựa. Do thiếu vốn, nhân công, đã có lúc anh nản chí, định từ bỏ, nhưng rồi hai vợ chồng lại quyết tâm làm. Anh thế chấp "sổ đỏ" để vay tín dụng. Lúc đầu chỉ có hai vợ chồng và người nhà làm việc, dần dần mọi việc cũng đi vào ổn định. Anh được xã tạo điều kiện mở rộng xưởng sản xuất, xa khu dân cư, tránh gây ô nhiễm môi trường. Khu tái chế nhựa hiện rộng khoảng 700 m2. Rác, nhựa được anh thu mua ở các đại lý rồi cho công nhân phân loại, đưa vào ép thành kiện để chở đến các khu tái chế trong nước. Hiện nay, xưởng của anh giải quyết việc làm cho 10 công nhân trong xã với mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Gia đình anh còn mua thêm chiếc xe tải nhỏ để chở hàng hóa. Theo anh Vũ Văn Chấn, Bí thư Đoàn xã Thống Nhất, anh Lực là thanh niên làm kinh tế giỏi của xã mà còn là thành viên Hội Liên hiệp thanh niên gương mẫu. Hằng năm, cơ sở thu gom và phân loại rác nhựa của gia đình anh Lực đều được địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra bảo đảm vệ sinh môi trường.
Để phát triển nghề, thời gian tới anh Lực dự định sẽ mở rộng hơn nữa cơ sở thu gom, phân loại, tái chế nhựa, tuyển thêm lao động trong xã, đồng thời đưa máy móc vào sản xuất để người lao động đỡ vất vả.
Từ hai bàn tay trắng, sau hơn 10 năm phấn đấu, đến nay anh Lực đã có cơ ngơi khang trang. Gia đình anh có thu nhập từ 150- 200 triệu đồng/năm, trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi để thanh niên trong và ngoài xã học hỏi.
THU HIỀN