Ước vọng nắng chiều: Nắng thì nắng đủ qua trưa...

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 14:35, 18/09/2014



Sau tập tiểu luận phê bình Duyên mùa thu, Hồ Trọng Xán xuất bản tập thơ Nắng chiều, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Một tập thơ giàu trải nghiệm của một tâm hồn đa cảm. Đã qua mọi cung bậc của thời gian, "nắng chiều" rung động và nói lên cái khát vọng bình yên của con người:

Nắng thì nắng đủ qua trưa
Bão thì bão nhẹ, giông vừa vừa thôi


(Ở trạm khí tượng Tam Đảo)

Nỗi cồn cào nơi tâm can tác giả là miền quê yêu dấu. "Lớn lên tôi đã đi xa/ Nhưng đi đi mãi không qua cổng làng" (Cổng làng). "Dù đi khắp bốn phương trời/ Quê hương mãi mãi là nơi tôi về" (Quê hương). Cây cầu Giát trên sông Thai nhiều duyên nợ, "mấy ngàn ngày thi nhau với giặc". Năm 1968, trước cây cầu đầy thương tích, tác giả đã đặt bút viết về cầu Giát. Nhưng phải đợi sau ngày toàn thắng, năm 1975, bài thơ gan ruột này mới được hoàn thành: "Gió Lào qua thị trấn này/ Phủ lớp bụi lên những ngôi nhà nham nhở/ Bên cửa sổ bông hồng vẫn nở/ Và sông Thai vẫn một màu xanh". Cả nước đều biết ngã ba Đồng Lộc và đã có rất nhiều thơ về những người con gái anh hùng. Nét phát hiện trong thơ Hồ Trọng Xán khi viết Ngã ba Đồng Lộc là ở câu "Mọi ngã ba như tụ về đây", tầm cao và điểm nhấn làm cho bài thơ có thêm sức nặng.

Bom đạn một thời đã chấm dứt, nhưng thiên tai thì vẫn thường xuyên xảy ra. Bài Làng ơi là một tiếng kêu mùa lũ. Bài Miền Trung "sỏi đá, gan gà" cũng đầy vất vả gian nan. Ngay cả khi dừng chân ngắm thác một "trưa Tam Đảo", tác giả cũng nghẹn lòng:

Bên tai thác đổ lưng chừng
Chạnh lòng thương mẹ cháy lưng một đời


Không ít bài thơ có những nét chấm phá tinh tế, qua các sự kiện, đọc lên là hiểu. "Một gánh phở đêm chao ánh đèn" và "Bỗng choàng tỉnh dậy tiếng tàu đêm" là đủ để ta "Nhớ Thạch Lam". "Nào thôn Vĩ Dạ đâu rồi/ Còn không vườn ngọc, mặt người bình yên" và "Mùa xuân dường đã chín rồi/ Nắng tươi Gành Ráng sáng ngời Quy Nhơn", là nỗi nhớ Hàn Mặc Tử. Trước cảnh quan Bạch Đằng đã in đậm lòng người, ai mà chẳng nhớ chiến công oanh liệt của cha ông: "Bạch Đằng/ Cọc gỗ ngàn năm còn nhọn?" (Dưới chân chùa Đồng), "Cây gỗ ngàn năm kinh vía giặc/ Bạch Đằng chảy mãi vẫn chưa xanh" (Dưới bóng cây lim). Giữa một ngày thu Hà Nội, vẫn nghĩ xưa sau: "Lắng nghe hào hoa thanh lịch/ Lắng hồn núi sông truyền hịch/ Lắng nghe tiếng sóng đảo xa...", vâng, đảo xa mà luôn luôn gần gũi.

Nắng chiều ửng lên nhiều hình ảnh có chọn lọc. Đọc "Cầu treo trong mây đu đưa nhịp thở/ Váy áo ai phơi sáng một góc rừng", đủ hiểu người đẹp sông Mã ở quanh đâu đây. Lại đọc "Đất đỏ thắm tình người/ Đủng đỉnh chân voi", ta biết đã đặt chân lên Tây Nguyên. Với "Ước mình là quả táo chua/ Cho em nhặt, giữa sân chùa, ngày xuân" thì rõ là người đang mê mẩn Thị Mầu...

Các bài Thu về, Gặp liễu ở Than Uyên, Hoa rừng..., kể cả Chợ xuân vùng cao, Nhớ Lai Châu, Xuống chợ... là những tâm trạng bâng khuâng mơ hồ "dường như vẫn đợi cuối đường là em", một sự tiếc nuối khi "nắng chiều" dần nhạt. Đó là những khoảnh khắc đáng nhớ đã được vào thơ Hồ Trọng Xán.

VƯƠNG BẠCH