Thanh niên Cẩm Đoài lập vườn cam mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:11, 22/09/2014
Dám nghĩ, dám làm, thanh niên xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng) đã đưa cây cam từ vùng đất bãi ven sông Hồng về trồng thành công ngay trên mảnh đất quê hương.
Vườn cam trĩu quả của gia đình anh Đoàn Thanh Quyên đang chờ ngày thu hoạch
Nhiều lần về thăm quê ngoại ở Văn Giang (Hưng Yên) thấy cây cam mang lại cho dân nơi đây sự sung túc, anh Đoàn Thanh Quyên (sinh năm 1977) ở thôn Hòa Bình nung nấu ý định mang cây cam về trồng trên đất Cẩm Đoài. Nghĩ là làm, năm 2005, anh Quyên là người đầu tiên trong xã thử nghiệm trồng cam. Nhiều người cho rằng anh khá mạo hiểm, bởi từ trước đến nay không ai nghĩ thổ nhưỡng ở đây có thể phù hợp với cây cam. Ngay cả một số người thân của anh cũng không ủng hộ quyết định ấy. Nhưng anh Quyên tin vào sự lựa chọn của mình. Anh nhiều lần cất công đến Văn Giang học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Anh chuyển đổi diện tích cấy lúa bấp bênh của gia đình và thuê lại ruộng của một số hộ xung quanh với tổng diện tích khoảng 7 sào trồng chủ yếu cam Vinh và cam Canh. Năm 2008, cây cam cho thu hoạch vụ đầu tiên với 7 tạ quả. Tuy nhiên, lúc đó người tiêu dùng còn e ngại vì cho rằng đây là loại cam không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chị Nguyễn Thị Vân (vợ anh Quyên) nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi phải cho khách hàng ăn thử miễn phí và đem cam tới các đại lý bán hoa quả để chào hàng, nhiều khi vừa bán vừa khóc…”.
Năm 2006, chị Đoàn Thị Ngân (sinh năm 1975) ở thôn Quảng Cư cũng mạnh dạn trồng cam trên tổng diện tích 8 sào của gia đình và ruộng thuê lại. Theo chị Ngân, khó khăn nhất khi trồng cam vẫn nằm ở khâu kỹ thuật. Chị tạo luống để thuận lợi cho việc tiêu thoát nước, mặt luống rộng khoảng 1,2 m, cao từ 20-30 cm, khoảng cách hợp lý phải bảo đảm giữa các cây từ 2,5-3 m. Việc chăm sóc phải điều chỉnh tùy vào sự sinh trưởng và phát triển của từng cây. Phân bón chủ yếu là đạm, kali, tro bếp, phân chuồng hoai mục. Chị Ngân cũng như các hộ trồng cam ở Cẩm Đoài thường dùng bột ngô, bột đậu tương, cám gạo để bón cho cây vào tháng 3 và cuối tháng 9 là thời điểm cây đang sinh trưởng, phát triển mạnh và khi quả cam dần ngả sang màu vàng. Khi thấy xuất hiện những loại sâu bệnh như ruồi vàng, sâu đục thân, vẽ bùa cần phải trừ kịp thời. Chị Ngân thường dụ ruồi vàng vào các lọ bẫy treo trên cây chứ không phun trực tiếp.
Những khó khăn về kỹ thuật hay tìm đầu ra cho quả cam mà anh Quyên, chị Ngân gặp phải là sự thử thách, để khi vượt qua nó, công sức của họ được đền đáp bởi từ mùa quả ngọt mà cây cam mang lại.
Thu quả ngọt
Sau vụ cam đầu tiên, có những khách hàng chủ động tìm tới tận vườn cam của gia đình anh Quyên để đặt hàng. Đến nay, anh đã mở rộng diện tích trồng cam lên gần 2 mẫu với gần 1.500 gốc cam, trong đó có 1.200 gốc cam Vinh, 300 gốc cam Canh. Hiện nay, gia đình chị Ngân có 700 cây cam Vinh, 400 cây cam Canh trên diện tích 1,2 mẫu. Vào thời điểm thu hoạch, 1 kg cam Vinh có giá từ 70-75 nghìn đồng. Còn cam Canh thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nên được giá hơn, khoảng 100-120 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vườn cam của anh Quyên cũng thu lãi trên 50 triệu đồng. Năm ngoái, với chục tấn cam, gia đình chị Ngân cũng thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Thời điểm này, dù cam mới đang ở độ “vào nước” nhưng hầu hết cam trong vườn của gia đình anh Quyên, chị Ngân đã được khách hàng đặt trước.
Thấy hiệu quả từ mô hình trồng cam, một số hộ khác cũng mạnh dạn áp dụng, họ thường xuyên đến học hỏi kinh nghiệm từ anh Quyên, chị Ngân. Đến nay, toàn xã Cẩm Đoài có 5 hộ trồng cam với diện tích khoảng 2 ha. Anh Đoàn Văn Thăng, Bí thư Đoàn xã Cẩm Đoài cho biết, Đoàn xã luôn tạo điều kiện để thanh niên có cơ hội làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Trồng cam là một mô hình trong nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên trên địa bàn xã như trồng nấm, nuôi thủy sản. Đoàn xã giúp các hộ có điều kiện vay vốn hay mở rộng quỹ đất. Trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt nhưng việc mở rộng diện tích cần phải xem xét, đánh giá, làm theo từng bước tránh làm tràn lan, ồ ạt.
HUYỀN TRANG