Thú chơi tao nhã
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 06:53, 24/09/2014
Không đắt tiền, kén người chơi như tranh sơn mài, sơn dầu hay tỉ mỉ, kỳ công như tranh thêu chữ thập mới nổi, tranh vẽ tường được rất nhiều người ưa thích.
Tường rào được trang trí bằng những bức tranh đẹp mắt
Đời sống ngày càng nâng cao, việc xây dựng, trang trí cho một ngôi nhà được nhiều người quan tâm. Từ nội thất đến vật dụng trong nhà đều được sắp đặt sao cho phù hợp nhất, trong đó không thể thiếu một bức tranh.
Phòng khách nhà chị Phạm Thị Hương ở Đông Hào, xã Quang Minh (Gia Lộc) nổi bật hẳn lên nhờ bức tranh phong cảnh trên tường. Hình ảnh đồng quê đậm chất Việt Nam với đàn trâu thung thăng gặm cỏ, những cánh cò trắng phau đang sải cánh về tổ trên nền mây trời hiền hòa, cánh đồng lúa xanh mượt đã làm căn phòng thêm rộng, cảm giác thanh bình. Bức tranh này được chị thuê vẽ khi vừa hoàn thành căn nhà mới khang trang cách đây không lâu.
Gia đình anh Thường ở Phúc Thành, Kinh Môn cũng vừa hoàn thành bức tranh phong thủy “Anh hùng tương ngộ”. Bức tranh tái hiện hình ảnh hai chúa tể bầu trời (đại bàng) và mặt đất (hổ, chúa sơn lâm). Giải thích lý do đặt vẽ tranh này, anh cho biết, mình thuộc mệnh kim nên nhờ người vẽ tranh với mong muốn được nhiều may mắn trong kinh doanh, con cái học hành tiến bộ.
Không chỉ được sử dụng trong nhà, nhiều cơ quan, trường học hiện cũng rất ưa chuộng loại hình nghệ thuật này. Nếu có dịp đặt chân vào thư viện của Trường Tiểu học Đức Xương (Gia Lộc), chắc chắn nhiều người sẽ có cảm giác như đang lạc bước trong thế giới cổ tích của các bé. Dọc theo ba bức tường là hình ảnh các nhân vật gần gũi trong những câu chuyện cổ tích tuổi thơ như nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, nàng tiên cá, cô bé quàng khăn đỏ,… được vẽ đẹp mắt, sống động.
Tranh vẽ tường không kén người chơi. Từ các gia đình khá giả, có điều kiện đến các hộ bình dân, các cơ quan, đặc biệt là các trường mầm non đều có thể sử dụng loại tranh này. Theo lời họa sĩ Nguyễn Phương ở Không gian Nghệ thuật Nguyễn Gia (xã Quang Minh, Gia Lộc) thì chất liệu chính để vẽ tranh tường là acrylic. Đây thực chất là một loại sơn gần giống với sơn nội, ngoại thất của chúng ta ngày nay. Màu sắc tươi tắn, nhanh khô, phù hợp điều kiện khí hậu Việt Nam, không cần khuy, khoan và đặc biệt là giá thành phải chăng chính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn của tranh vẽ tường. Các thể loại phong cảnh, phong thủy hay tranh trang trí không nền (thường dùng ở các trường mầm non, tiểu học) đều được thể hiện sống động qua từng nét vẽ trên bức tranh. Tuy nhiên, khi chơi tranh tường, chủ nhà đã vô hình trung chấp nhận một hạn chế bởi tính cố định của tranh. Tranh vẽ trực tiếp nên không thể thay đổi hay làm mới trong khoảng thời gian nhất định trong quá trình sử dụng.
Để hoàn thiện một bức tranh, người họa sĩ cần trải qua một số công đoạn chính như chọn sơn, pha chế màu, tùy theo yêu cầu gia chủ mà cắt, cúp tranh cho phù hợp trước khi vẽ. Với kích thước trung bình mỗi bức khoảng 4 - 6 m2, cần 2 - 3 ngày sẽ hoàn chỉnh tổng thể. Theo chia sẻ của anh Hà Huy Hiếu, tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Hải Dương, một người chuyên tư vấn và vẽ tranh trên tường, thì loại tranh này hiện đang được rất nhiều người quan tâm. Giá cả cũng linh hoạt, tùy theo độ khó, dễ của tranh, mỗi m2 có giá dao động từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng. Như vậy, chỉ cần bỏ ra từ 3 - 5 triệu đồng, người chơi đã có một bức tranh trang trí cho căn phòng thêm đẹp mắt, mới lạ. “Với tay nghề kỹ thuật, có kinh nghiệm, sáng tạo và công việc đều, họa sĩ có thu nhập không dưới 10 triệu đồng mỗi tháng”, anh Hiếu cho biết thêm.
Trong nhịp sống hối hả, bận rộn ngày nay, việc chơi tranh treo tường được coi là nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, cũng theo họa sĩ Nguyễn Phương, đây vẫn chỉ là thú chơi phổ biến nhiều ở khu vực nông thôn, mang đậm tính trào lưu, phần nhiều nội dung các bức tranh đã không còn giữ được nguyên mẫu nghệ thuật, chủ thể bản ngã, văn hóa thường thức…
PHẠM LƯƠNG THIỆN