Đầu bạc trước vành móng ngựa

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 10:01, 27/09/2014

Hai phiên tòa trong hai ngày liên tục ở Tòa án Nhân dân tỉnh có những điểm tương đồng đến kỳ lạ: Phòng xét xử vắng người, bị cáo đầu đã bạc...


Mẹ con bị cáo Vân trước vành móng ngựa


Con "dắt" mẹ ra vành móng ngựa


Tại phiên tòa ngày 27-8, không khí trầm lắng. Hai người phụ nữ một già một trẻ dắt díu nhau ra trước vành móng ngựa. Họ là hai mẹ con. Chồng mất cách đây hơn 20 năm, người đàn bà góa bụa và cô con gái côi cút nương tựa vào nhau. Giờ đây, họ lại bấu víu lấy nhau trước vành móng ngựa. Người mẹ là bà Đào Thị Vân (62 tuổi, trú tại thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng, Thanh Miện) mái tóc gần như bạc trắng, gương mặt nhợt nhạt, tiều tụy, bước từng bước run rẩy. Hai mẹ con bà Vân đều là cán bộ bưu điện, riêng bà Vân đã có trên 30 năm công tác. Trước và trong phiên tòa, bị cáo Vân liên tục quay về phía sau tìm người thân, ánh mắt tuyệt vọng khi chạm phải những hàng ghế dài trống trải. Người bị hại xin xử vắng mặt. Còn người thân của bị cáo mãi đến giữa phiên tòa mới đến. Vài ba người ngồi thu mình lại ở hàng ghế cuối cùng. Những khuôn mặt khắc khổ, u buồn, đẫm nước mắt. Trước vành móng ngựa, bị cáo Vân đứng không vững nên được Hội đồng xét xử cho phép ngồi. Còn Bùi Thị Quỳnh Hồng, cô con gái trên 30 tuổi, chưa lập gia đình chỉ biết nắm chặt gấu áo, nức nở: "Mẹ bị cáo chỉ có một mình bị cáo. Khiến mẹ bị liên lụy như thế này, bị cáo ân hận vô cùng". Nghe con nói, bị cáo Vân chỉ lặng lẽ lau nước mắt.

Từ tháng 3 đến tháng 12-2005, Hồng nhiều lần vay mượn bà Nguyễn Thị C. cùng con cái và người quen của bà C. để có tiền kinh doanh. Theo bị cáo Hồng, do quá tin tưởng bà C. nên bị cáo không ghi lại các khoản vay mượn, mỗi lần trả tiền cũng không lấy lại giấy vay. Không chỉ vậy, lãi suất thực tế bị cáo phải trả lớn hơn so với mức 1,2%/tháng ghi trên giấy tờ. Khi số nợ đã quá lớn, Hồng nhờ mẹ đến nhà bà C. vay tiếp. Lãi mẹ đẻ lãi con, đến tháng 2-2006, số nợ của Hồng lên tới hơn 2 tỷ đồng, khoản tiền bị cáo Vân vay cho con là 77 triệu đồng. Không còn khả năng thanh toán, Hồng bỏ trốn khỏi địa phương. Ít lâu sau, bà Vân cũng trốn theo con vào miền Nam sinh sống. 8 năm lang bạt nơi đất khách quê người, hai mẹ con phải làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày, lênh đênh nay đây mai đó. Đến năm 2014, họ bị bắt theo lệnh truy nã.

Bị cáo Vân buồn bã khai: "Bị cáo không biết trước đó con đã vay số tiền lớn như thế. Chỉ thấy mấy tháng trời con rầu rĩ, không ăn không ngủ. Thương con, bị cáo hỏi, thì Hồng bảo: Bà C. không cho con vay tiền nữa. Mẹ đến vay bà ấy mới đồng ý. Vậy là bị cáo đến gặp bà C. vay tiền cho con...". Khi Hội đồng xét xử đề cập đến việc hoàn trả số tiền cho chủ nợ, bị cáo Vân rưng rưng nước mắt: "Bị cáo đã bán hết nhà cửa, tài sản lấy tiền trả nợ, sổ lương hưu thì đang bị tạm giữ. Bây giờ bị cáo không còn gì nữa rồi!”. Nói đến đây, hai mẹ con bị cáo cùng khóc. Họ đã trắng tay. Dường như chỉ còn những giọt nước mắt để xoa dịu những cay đắng, xót xa, ân hận muộn màng.

Phút nóng giận nhất thời


Bị cáo Hanh trước vành móng ngựa

Tại phiên tòa ngày 28-8, bị cáo Khúc Duy Hanh (sinh năm 1933) đến từ rất sớm, ngồi chơ vơ trước vành móng ngựa. Nhìn ông lão gầy se sắt, lọt thỏm trong chiếc áo len ngả màu cháo lòng, không ai tưởng tượng được rằng ông đã sát hại chính con trai mình chỉ bằng một nhát dao. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân bày tỏ sự ngạc nhiên bởi cách đây vài tháng, khi vụ án mới xảy ra, ông có dịp gặp bị cáo, bị cáo khỏe mạnh chứ không hom hem, gầy yếu như hiện tại.

Để trả giá cho tội lỗi của mình, thay vì ở trong ngôi nhà đầm ấm, sum vầy cùng con cháu thì họ lại phải giam tuổi già của mình sau song sắt lạnh lẽo.
Trong phiên tòa này, người nhà bị cáo cũng chính là người nhà nạn nhân. Ngày tòa xử là ngày gia đình chuẩn bị cúng 49 ngày cho cháu Khúc Thị Nhiên (sinh năm 1998), con gái nạn nhân Khúc Duy Kính, cháu nội của bị cáo đã mất vì căn bệnh ung thư.  Như sợ chứng kiến nỗi đau chồng chất nỗi đau nên người nhà và cả 9 nhân chứng đều vắng mặt. Chỉ có ông Khúc Duy Bắc, em họ bị cáo đồng thời là đại diện hợp pháp gia đình bị hại là người đưa bị cáo đến tòa. Tại tòa, phần xét hỏi bị cáo gặp rất nhiều khó khăn vì bị cáo không nghe thấy, không hiểu câu hỏi và không nhớ rõ để trả lời. Ngay cả tên bố mẹ, bị cáo cũng không thể trả lời chính xác. Ông Bắc phải đến ngồi bên cạnh nhắc lại câu hỏi cho bị cáo. Nhiều câu hỏi một đằng, bị cáo trả lời một nẻo. Về nguyên nhân sát hại con, bị cáo Hanh bảo: “Thưa thầy, nó đi uống rượu ở nhà ông chú về say quá, rút nồi cơm điện ra. Em tức quá nên em chém nó. Tất cả là do em hết. Giờ em biết ngu rồi!”. Ông Bắc cho biết: “Ông Hanh có 6 người con, một người bị tâm thần nặng, những người còn lại đều không khôn ngoan. Riêng ông Hanh từ thời trẻ đã không có trí khôn nhưng chưa bao giờ được khám bệnh nên không biết có mắc bệnh tâm thần hay không. Vợ ông Hanh mù lòa, gia đình hết sức khó khăn”.

Trong thời gian chờ Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo Hanh vẫn ngồi trơ trọi trước vành móng ngựa. Bị cáo quay về phía chúng tôi hỏi ngô nghê: “Liệu tôi có phải tù không? Vào trong tù có phải lao động nhiều không? Tôi chỉ biết quét nhà và cắm nồi cơm thôi”. Rồi bị cáo khoe: “Hồi ở TP Hải Dương (bị cáo Hanh bị tạm giữ 9 ngày để điều tra), mỗi bữa tôi ăn được 6 bát cơm đấy! Ăn cơm có thịt, có cá, về nhà chỉ có rau với cá khô thôi! Nếu còn được ở đấy, tôi còn béo lên nữa...”. Bị cáo vừa kể chuyện vừa cười, nụ cười ngờ nghệch. Miệng cười nhưng những giọt nước mắt cứ chảy ra từ đôi mắt mờ đục khiến bị cáo liên tục rút khăn lau.

Kết cục buồn

Bị cáo Bùi Thị Vân bị tuyên án 27 tháng tù về tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Khúc Duy Hanh bị 16 năm tù về tội giết người. Không kiến nghị về bản án, bị cáo Hanh vẫn một mực “xin các thầy cho đi bệnh viện chữa cái miệng bị đau”. Được biết, trước khi tòa xét xử, bị cáo Hanh đã phải "thi hành án" ngay trong chính gia đình mình. Từ nhiều tháng nay, bị cáo sống trong sự ghẻ lạnh, dằn vặt của con cháu. Người nhà đã xây dựng một căn phòng riêng "giam lỏng" bị cáo Hanh vì lo sợ bị cáo tiếp tục gây án.

Người xưa có câu: "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh", nghĩa là bước sang tuổi 50, người ta có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, hiểu được mệnh trời. Thế nhưng vì nhiều lý do, những người đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời vẫn phạm phải lỗi lầm. Họ phạm tội vì tình thương, vì một phút nóng giận nhất thời... Để trả giá cho tội lỗi của mình, thay vì ở trong ngôi nhà đầm ấm, sum vầy cùng con cháu thì họ lại phải giam tuổi già của mình sau song sắt lạnh lẽo.

KHÁNH CHI