Một ngày ở “chợ lao động”

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 11:18, 04/10/2014

Khi có khách, tất cả bu lại như đàn kiến kiếm được mồi. Họ giành giật, tranh cướp, thậm chí chửi nhau… miễn là có việc.




Lao động ở ngã tư Bến Hàn chủ yếu là người của hai xã An Châu, Thượng Đạt (TP Hải Dương)


Người nhiều, việc ít


Một ngày lao động tự do ở ngã tư Bến Hàn đem lại cho tôi đôi tay đau rát, lưng mỏi nhừ, đến tận hôm sau chân tay vẫn run vì quá mệt.
Khoảng 7 giờ sáng, hơn chục người phụ nữ, đàn ông đã đứng ngồi lố nhố dưới bóng râm của cây trứng cá ở phía bên tay phải lối đi từ quốc lộ 5 tới Bến Hàn. Nét mặt ai cũng nhàu nhĩ, đen sạm, lấp ló sau nhiều lớp khăn, nón để chuẩn bị cho ngày lao động. Chưa có việc nên cả chục người chẳng ai nói với ai câu nào, tất cả im lìm trong không khí chờ đợi.

Trong vai một sinh viên mới ra trường, thất nghiệp, muốn kiếm công việc để có thu nhập sống qua ngày, tôi mặc một bộ quần áo đã phai màu, nón, khăn đầy đủ để xin “gia nhập” đội ngũ những người làm thuê tại ngã tư Bến Hàn. Lân la làm quen, tôi bắt chuyện với chị Phùng Thị Tình ở thôn Nam Giàng, xã Thượng Đạt (TP Hải Dương). Khi tôi vừa bày tỏ ý định kiếm lấy công việc lao động chân tay để đắp đổi qua ngày, chị Tình đã vội khuyên: “Em trẻ thế vào các công ty mà làm, chứ học sinh làm sao kham nổi công việc này. Vất vả mà tranh cướp nhau ghê lắm, em không làm được đâu”.

Cả ngày hôm đó tôi đã được thấy cảnh mà chị bảo. Khoảng hơn 8 giờ sáng, một người phụ nữ đi xe máy tới quăng ra một câu hỏi: “Dọn nhà không?”. Lập tức cái không khí im lìm biến mất, tất cả phụ nữ, đàn ông bật dậy như lò xo, xô ra vây quanh lấy chiếc xe máy, nhao nhao: “Cần mấy người, đàn ông hay đàn bà?”, “Xa không, chị đạp xe đến dọn cho?”… Hai người phụ nữ nhanh nhẹn đã leo lên ngồi sau xe. Một người đàn ông còn cố trèo lên yên xe đã chật cứng, ngay lập tức bị người nhanh chân hơn ngồi trước tru tréo chửi: “Ơ, đ.m lão già này! Chật rồi, xuống đi!”. Người phụ nữ ngồi trên xe cau mày: “Tôi cần một người đàn ông dọn nhà, thế thôi, mấy bà xuống đi, đổ xe bây giờ”. Tất cả vẫn cố vớt vát: “Em ơi dọn đồ gì, bọn chị làm còn nhanh hơn đàn ông”. “Ơ hay cái bà này, chuyển nhà toàn đồ nặng, làm sao được mà làm. Anh làm được không?”. “Được”. “Thế đi theo tôi”. Nói rồi người phụ nữ chờ người vừa thuê được lấy xe để đi theo mình qua đường 5, mang theo những ánh mắt tiếc nuối của những người ở lại. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 3 phút.




Thất thểu ngồi chờ việc

“Chợ lao động” tự phát ở đây đã hình thành hàng chục năm nay, mỗi ngày có khoảng 30 người gồm cả đàn ông, phụ nữ từ 40 đến 50 tuổi, độ tuổi mà hầu hết các doanh nghiệp không tuyển dụng. Họ nhận làm tất cả mọi việc, từ dọn dẹp nhà cửa đến việc nặng nhọc như bốc vác, xuống gạch... cốt lấy công làm lãi. Đây hầu hết là người của hai xã Thượng Đạt và An Châu ở TP Hải Dương, phụ nữ thường được thuê làm việc xếp dỡ, chuyển gạch lên các xe tải, đàn ông thì bốc vác hàng lên xuống xe tải theo yêu cầu. Trước đây, phụ nữ còn được thuê lau dọn nhà cửa nhưng gần đây kinh tế khó khăn nên ít việc, một số người đi thu mua đồng nát lại kiêm luôn cả công việc này nên càng khó khăn hơn. Họ tập trung khoảng 20 người ở chỗ gốc cây trứng cá, còn lại thì tản mạn mỗi chỗ một vài người. Nói như chị Tình, đây là công việc “bắc nước chờ gạo người”, chỉ mong bán được sức lao động của mình nhưng cũng rất khó. Anh Nguyễn Văn Duyên ở thôn Trác Châu, xã An Châu cho biết, anh đã làm nghề xe ôm kiêm bốc vác được gần 5 năm. Gia đình anh có gần 2 sào ruộng nhưng đã bỏ cấy vì chuột hại, sâu bệnh nhiều. Cứ ai gọi đi bốc vác, phá dỡ nhà cửa, anh lại gửi xe tại quán nước, đi theo họ, thời gian còn lại trong ngày làm xe ôm. Việc bốc vác của đàn ông nặng hơn phụ nữ nên tiền công cao hơn. Tuy vậy, mỗi ngày họ cũng chỉ được thuê vài tiếng, nhiều nhất được trả từ 200 đến 300 nghìn đồng. Đấy là những hôm có việc, còn nhiều hôm phải ngồi chơi cả ngày. Công việc bấp bênh nhưng thu nhập cả tháng của anh chỉ khoảng 3 triệu đồng.

Đến 10 giờ, có khoảng chục người đã được gọi đi làm, “chợ lao động” còn hơn 20 người. Cây trứng cá có thể che được cái nắng trên đầu chứ không xua được cái không khí nóng bức, chán nản của những người ngồi lại. Những chiếc xe tải chạy qua rầm rập bốc bụi phủ lên mặt họ một lớp trắng nhờ, khiến họ trông như già đi hàng chục tuổi. Khuôn mặt họ thẫn thờ, thi thoảng có người giở nón quạt mấy cái, ánh mắt dõi ra đường chờ đợi.




Bốc gạch từ sáng đến tối cũng kiếm được 300 nghìn đồng


Nhọc nhằn bán sức

Ngồi đến khoảng 11 giờ, bỗng chuông điện thoại của chị Tình reo lên, thì ra có người gọi điện thuê chị chiều đi xuống gạch. Thấy vậy, tôi liền xin đi theo chị Tình phụ việc. Đã trưa, xem chừng không còn ai đến gọi, mọi người lục tục kéo nhau đi ăn “cơm bụi”. Chị Tình cùng vài người khác dẫn tôi đến một quán ăn trên đường Nguyễn Thượng Mẫn. Mỗi người gọi một suất cơm giá 15 nghìn đồng. Nhìn đĩa cơm cũng biết đây là loại gạo rẻ tiền, có lẽ trước khi nấu người ta đã ngâm gạo hàng giờ cho nở để nấu được nhiều cơm hơn. Thức ăn được gắp từ những chiếc đĩa, bát đầy dầu mỡ đã xỉn màu. Bỏ dở nửa suất cơm, tôi theo các chị về lại gốc cây trứng cá vật vờ ngồi đợi đến chiều để đi làm.

Thời gian chầm chậm trôi, chị Tình và một số người đã tranh thủ gục đầu xuống đầu gối, tiếng thở đều đều. Mãi cũng đến 1 rưỡi chiều, chúng tôi đi xuống lò gạch gần bến Hàn. Hai người phụ nữ trèo lên thùng xe xếp gạch, tôi và hai người còn lại đứng dưới đưa gạch lên. Họ làm nhanh thoăn thoắt dưới cái nắng chang chang oi bức như không biết mệt, những giọt mồ hôi thấm ướt khăn mặt trên đầu, quàng cổ, lưng áo cũng ướt sũng. Mọi người làm việc khá im lặng, ít tiếng cười đùa, chỉ có tiếng thở ngày một nặng nhọc, nhưng đôi tay vẫn liên tục như máy. Các chị cho biết, để “xuống gạch” không phải dễ, nếu chậm chạp, lừ đừ thì cả ngày không “xuống” được một xe gạch, chẳng ai thuê. Cùng xếp gạch với chúng tôi là chị Hồ Thị Hằng ở thôn Tiền, xã An Châu, năm nay 49 tuổi. Chị Hằng đã làm lao động tự do ở ngã tư Bến Hàn được gần chục năm nay. Trước kia chị làm cốm như nhiều người khác trong xã. Sau này thấy vừa làm, vừa đi bán cốm quá vất vả nên chị đã bỏ, chuyển sang làm lao động tự do. Hiện tại ở nhà chị cũng có vài sào đất trồng lúa, nuôi lợn, nuôi cá, nhưng cứ trông vào vườn rau, con cá thì không đủ sống nên chị phải đi làm thuê. Mỗi người phụ nữ như chị bốc được khoảng 1 vạn gạch/ngày, được trả công 300 nghìn đồng. Sau hơn 2 tiếng lao động liên tục, cuối cùng chúng tôi cũng bốc xong một xe gạch. Tay tôi đau rát, có chỗ đã phồng rộp, còn vai và lưng thì mỏi nhừ, chiếc áo tôi mặc ướt sũng mồ hôi. Thấy tôi kêu đau, chị Hằng cho tôi xem bàn tay gân guốc, từng cục chai nổi lên cứng như đá. Hầu hết dân lao động ở đây đều có bàn tay chai sạn, gương mặt đen đúa, quần áo lam lũ như nhau. Hết xe gạch, họ lại đi theo xe đến cầu Phú Lương để bốc xe gạch khác. Lấy cớ ngày đầu đi làm không quen, tôi chào chị Tình và mọi người ra về. Lúc này đã gần cuối buổi chiều, nhưng khi về qua “chợ lao động”, tôi vẫn thấy lác đác một vài người cố ngồi xem có ai thuê cuối ngày không. Người lao động ở đây thường chỉ chờ việc đến 4 giờ chiều, nếu sau giờ đó mà không có khách thuê thì họ lại trở về nhà.

Một ngày lao động tự do ở ngã tư Bến Hàn đem lại cho tôi đôi tay đau rát, lưng mỏi nhừ, đến tận hôm sau chân tay vẫn run vì quá mệt. Đồng ruộng không ăn thua, doanh nghiệp không nhận, họ cũng không còn trẻ để theo đuổi một nghề nào đó, nên phải cố bám lấy công việc ở “chợ lao động” này. Phải tranh giành nhau mới có việc làm, kiếm những đồng tiền ít ỏi để lo miếng cơm manh áo cho cả gia đình. Ngày ngày, họ vẫn đứng bạc mặt ở “chợ lao động” ngóng người gọi việc.

VIỆT QUỲNH