Nhiều khó khăn, bất cập

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 05:24, 08/10/2014

Trong khi người học không mặn mà thì sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và cơ chế chính sách về hướng nghiệp, dạy nghề còn hạn chế...



Huyện đoàn Cẩm Giàng phối hợp với các trường dạy nghề trên địa bàn tư vấn hướng nghiệp
 cho học sinh THPT tại Văn miếu Mao Điền


Khó tuyển sinh

Năm 2010, Huyện đoàn Nam Sách thành lập văn phòng giới thiệu việc làm cho thanh niên, đào tạo một số lĩnh vực như tin học văn phòng, xuất khẩu lao động... Lúc đầu, văn phòng thu hút được nhiều thanh niên tham gia, nhưng chỉ sau hơn 1 năm thì giải thể. Anh Nguyễn Đăng Xuân, Bí thư Huyện đoàn Nam Sách cho biết, từ đầu năm đến nay, Huyện đoàn chưa tổ chức được một lớp dạy nghề nào cho thanh niên. Nguyên nhân là do thanh niên trực tiếp đến các công ty xin việc làm chứ không thông qua tổ chức đoàn. Một số thanh niên có suy nghĩ học nghề xong vào các công ty phải đào tạo lại từ đầu, trong khi thời gian học nghề tại các công ty vừa nhanh lại vừa có lương. Vì thế, việc thu hút thanh niên vào các lớp học nghề rất khó.

Hiện nay, huyện Nam Sách có hơn 30 nghìn thanh niên trong độ tuổi lao động, trong đó 15 nghìn thanh niên nông thôn, hơn 6.000 thanh niên công nhân, còn lại là thanh niên khối trường học và các khối khác. Trung tâm Kỹ thuật, tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề của huyện thường xuyên phối hợp với các nhà trường để hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên tốt nghiệp THPT, thi đại học không đỗ và có ý định đi làm công nhân tại các công ty. Ông Nguyễn Viết Chi, Giám đốc trung tâm cho biết, trung tâm dạy các nghề như may, quản lý điện nông thôn, vi tính văn phòng, gốm sứ, nhưng hiện nay chỉ thu hút được một số người đến học may, còn những nghề khác thì rất hiếm.

Từ đầu năm đến nay, Huyện đoàn Kim Thành mới tổ chức được một lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho thanh niên nông thôn. Một số nghề khác không gắn liền với thực tiễn nên rất khó thu hút thanh niên. Một số thanh niên thất nghiệp, có nhu cầu học nghề nhưng chưa có tổ chức nào đứng ra định hướng nghề nghiệp cho họ. Thực tế, các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề chưa liên kết được với doanh nghiệp để tổ chức dạy nghề cho thanh niên. Anh Nguyễn Văn Cung, Bí thư Huyện đoàn Kim Thành cho biết, khó khăn nhất đối với một số địa phương là thanh niên chưa xác định được nghề để học và nhu cầu của thị trường lao động. Tỷ lệ thanh niên theo học nghề tại các trung tâm đào tạo nghề còn rất thấp. Nhiều trang thiết bị dạy nghề được đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả do thiếu người học. Việc khảo sát nhu cầu việc làm đối với thanh niên còn hạn chế, chưa xác định được thanh niên muốn học nghề gì, muốn làm gì... Một số thanh niên làm nông nghiệp thì được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân hoặc các đoàn thể khác tổ chức, nhưng số người được học cũng không nhiều. Ngoài ra, kinh phí để Đoàn Thanh niên đứng ra tổ chức lớp dạy nghề, tập huấn rất hạn hẹp nên việc mở lớp cũng gặp không ít khó khăn.


Trung tâm Kỹ thuật, tổng hợp, hướng nghiệp dạy nghề huyện Nam Sách đang dạy 5 nghề,
nhưng chỉ có thanh niên học may, các nghề khác hầu như không có người học


Quan tâm định hướng nghề nghiệp

Từ đầu năm đến nay, Tỉnh đoàn đã hướng nghiệp cho hơn 20 nghìn thanh niên khối trường học, tư vấn học nghề cho gần 8.000 thanh niên, giới thiệu việc làm cho hơn 5.000 thanh niên và hơn 1.500 thanh niên xuất khẩu lao động, giảm so với nhiều năm trước. Anh Vũ Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh cho biết, càng ngày việc thu hút thanh niên đến học nghề càng khó vì hiện nay có rất nhiều trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề. Thực tế nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang thiếu nhân công. Nếu Nhà nước hỗ trợ vốn đào tạo nghề các trung tâm, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tiếp nhận nhân công chưa có tay nghề để đào tạo và bảo đảm nghề nghiệp sau khi kết thúc khóa học. Tuy nhiên thực hiện được điều đó cũng cần có tiêu chí và cơ chế ràng buộc khắt khe để cả học viên và doanh nghiệp phải tuân thủ.

Để thanh niên nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao tay nghề thì chính thanh niên cần nhận thức cơ bản về nghề nghiệp, có tinh thần vượt khó, năng động và nhạy bén trong học tập, tự tìm kiếm việc làm. Các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác nắm bắt tình hình thị trường lao động, nhu cầu việc làm trên địa bàn để chủ động kế hoạch triển khai công tác đào tạo nghề cho thanh niên. Ngoài kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, các đoàn thể cần tìm kiếm, huy động các nguồn lực để mở rộng, nâng cấp các cơ sở đào tạo nghề hiện có; có chính sách thu hút, khuyến khích việc đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động. Các trung tâm đào tạo nghề phải định hướng nghề nghiệp cho thanh niên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Các cấp bộ đoàn cần có các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, dạy nghề và tại doanh nghiệp, giúp thanh niên có điều kiện được lựa chọn ngành nghề phù hợp ngay từ khi vào trường, đồng thời có nhiều thông tin cần thiết về việc làm khi sắp tốt nghiệp.

Mỗi thanh niên nông thôn cần tạo cho mình cơ hội cập nhật, nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của xã hội. Tỉnh cần có nhiều biện pháp thu hút thanh niên học nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Tăng cường hỗ trợ thanh niên học nghề và lập nghiệp


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều trung tâm tư vấn, giới thiệu và đào tạo nghề cho người lao động. Thanh niên không biết cơ sở nào tốt, đào tạo chất lượng để tham gia học nghề.

Thực hiện Đề án 103 về “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh sẽ tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề và lập nghiệp, tập huấn kỹ năng tìm việc làm cho cán bộ đoàn và tuyên truyền viên; tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp, chuyển giao kỹ thuật cho thanh niên nông thôn. Trước mắt, trung tâm sẽ tập trung triển khai tại 2 huyện Ninh Giang và Tứ Kỳ. Ngoài tư vấn, trung tâm phối hợp với các Huyện đoàn để định hướng nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn, khắc phục tình trạng bị động tìm việc làm ở thanh niên hiện nay.

NGUYỄN THÀNH ĐÔNG, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên  công nhân và lao động trẻ tỉnh


Cần bảo đảm đầu ra cho người lao động sau học nghề


Năm 2009, Huyện đoàn Cẩm Giàng cũng đã mở một văn phòng tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên, nhưng đã giải thể do không thu hút được thanh niên tham gia. Nguyên nhân do thiếu kinh phí, nhân lực, một số cán bộ đoàn phải kiêm nhiệm nên không bảo đảm chất lượng công việc. Lao động địa phương làm việc tại các khu công nghiệp chiếm khoảng 80%. Huyện đoàn đã phối hợp với một số doanh nghiệp mở sàn giao dịch việc làm để tuyển những lao động có tay nghề và trình độ, song không đáp ứng được do hầu hết vẫn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, chất lượng thấp.

Thời gian tới, đề nghị các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể vào cuộc, hỗ trợ thanh niên nông thôn có điều kiện học nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, các đơn vị dạy nghề cũng cần bảo đảm đầu ra cho lao động sau học nghề.

VƯƠNG THỊ HUYỀN, Bí thư Huyện đoàn Cẩm Giàng


Tổ chức Đoàn cần phối hợp với  doanh nghiệp trong tuyển lao động


Hiện tại, xã Ngũ Phúc (Kim Thành) có hơn 700 thanh niên trong độ tuổi lao động. Trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp may mặc, điện tử... thu hút được nhiều lao động. Tuy nhiên, thanh niên làm việc tại các doanh nghiệp hay bị dao động, nhiều thanh niên làm thời vụ, hết thời gian phải tự đi tìm công việc khác nên chất lượng công việc không bảo đảm.

Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đứng ra bảo đảm giới thiệu lao động là thanh niên cho doanh nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng nguồn lao động và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.

NGUYỄN THANH TUẤN, Bí thư Đoàn xã Ngũ Phúc (Kim Thành)





MINH NGUYỆT