Phố nghề ngày ấy, bây giờ

Kinh tế - Ngày đăng : 11:42, 11/10/2014

Qua bao năm tháng, không ít phố nghề đã mai một nghề cũ. Riêng phố Hàng Bạc, phố Khách, Hàng Giầy năm nào vẫn còn sót lại chút bóng dáng của nghề xưa.


Thành Đông xưa có những phố nghề nổi tiếng như Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Giầy, Hàng Lọng, phố Khách, Bến Bè, Đông Thị... Qua bao năm tháng, không ít phố nghề đã mai một nghề cũ. Riêng phố Hàng Bạc, phố Khách, Hàng Giầy năm nào vẫn còn sót lại chút bóng dáng của nghề xưa.




Phố Xuân Đài (trước đây là phố Hàng  Bạc) hiện có 6 cửa hàng kinh doanh vàng bạc


Từ chế tác bạc đến buôn bán vàng


Phố Hàng Bạc nay là phố Xuân Đài thuộc phường Trần Hưng Đạo. So với lúc mới lập phố Hàng Bạc, nghề này đã có nhiều thay đổi. Từ chỗ chủ yếu chế tác bạc, phố đã chuyển sang kinh doanh vàng là chính. Phố hiện có 6 cửa hàng kinh doanh đồ trang sức bằng vàng bạc.

Chúng tôi vào cửa hàng Phương Thành ở số 13 phố Xuân Đài. Nhiều thế hệ gia đình ông Vũ Lưu Phương đã gìn giữ nghề truyền thống của ông cha. Dù năm nay đã 76 tuổi nhưng khi chúng tôi hỏi về nghề chế tác, kinh doanh vàng bạc, ông Phương vẫn nhớ như in. Ông Phương kể quê ông ở làng Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Nơi đây có nghề chế tác bạc nổi tiếng. Ngày xưa, dân ta hay dùng đồ bạc như vòng đeo cổ, khánh, xà tích, ấm, chén... Đến khoảng những năm 40, ông nội ông chuyển ra phố Hàng Bạc ở Thành Đông làm nghề này. Ngày xưa, các thợ bạc ngồi ngoài vỉa hè, dụng cụ chế tác bạc là bễ, đe, búa... Bạc được nung nóng chảy bằng “than ta” (than củi) chứ không có đèn xì như bây giờ. Ban đầu, những người thợ chế tác bạc làm công lấy lãi. Sau này, khi có vốn tích lũy, một số người chuyển sang buôn bán vàng bạc, dần dần hình thành nên các hiệu kim hoàn Hợp Thành, Đức Thành, Công Thành, Phú Thành, Hiệp Thành... Cửa hiệu nhà ông có tên Phương Thành và giữ tên này từ đó đến nay.

Từ năm 1961, ông Phương làm việc tại Thị đoàn TP Hải Dương nên không tiếp tục làm nghề chế tác vàng bạc nữa. Năm 1991, sau khi về hưu, ông phục hồi lại nghề truyền thống. Ông Phương đã đem tâm huyết, kỹ thuật tinh xảo của nghề vàng bạc để truyền lại cho 3 người con trai là Vũ Quang Hiền, Vũ Quang Vinh và Vũ Quang Huy. Hiện nay, gia đình các anh Hiền, Vinh tiếp tục nối nghiệp cha làm nghề buôn bán vàng bạc.

Mai một nghề đóng giầy

So với lúc mới lập phố Hàng Bạc, nghề này đã có nhiều thay đổi. Từ chỗ chủ yếu chế tác bạc, giờ phố này đã chuyển sang kinh doanh vàng là chính.
Sát phố Xuân Đài là phố Sơn Hòa, trước kia có tên là phố Hàng Giầy. Sách Địa chí TP Hải Dương (tập 1) có ghi về phố Hàng Giầy như sau: “Khoảng cuối thế kỷ XIX, những thợ làm giầy từ làng Trúc Lâm (xã Hoàng Diệu, Gia Lộc) đã di cư ra Đông Kiều phố để sản xuất, buôn bán giầy các loại, dần dần hình thành một phố chuyên sản xuất và kinh doanh giầy, nên phố có tên là Hàng Giầy. Khi thực dân Pháp mở mang thành phố, việc sản xuất giầy ngày càng phát triển. Nhiều hộ đã có xưởng đóng giầy, tuy vẫn sản xuất chủ yếu theo phương pháp thủ công nhưng giầy dép đã sản xuất hàng loạt, mẫu mã có thay đổi. Thợ đóng giầy còn sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, kiểu dáng theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài giầy, nhiều thợ giỏi nghề còn làm yên ngựa, gối và một số sản phẩm từ da khác. Giầy dép sản xuất ở phố Hàng Giầy còn được tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác. Trên phố Hàng Giầy có một số cửa hiệu buôn bán giầy dép nổi tiếng là Hoàng Long, Quy Thức...”.

Chúng tôi gặp ông Phạm Khắc Tùng là con ông Phạm Khắc Mai, chủ hiệu giầy Quy Thức trước đây. Ông Tùng năm nay 68 tuổi, hiện ở căn nhà số 5 phố Sơn Hòa. Ông Tùng nhớ lại: “Trước kia, chủ các hiệu giầy Hoàng Long, Quy Thức, Bảo Hưng là người chính gốc ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc). Hồi tôi còn trẻ, phố này có khoảng 10 hiệu giầy. Lúc ấy, thợ đóng giầy giỏi lắm. Mỗi hiệu thường có các catalo để sẵn. Khách hàng vào xem, thấy ưng mẫu nào sẽ bảo thợ đóng giầy theo mẫu đó. Năm 1958, những người thợ đóng giầy vào HTX tiểu, thủ công nghiệp. Sau này, khi HTX giải tán, nhiều xã viên làm nghề khác, nghề đóng giầy mai một dần. Hiện nay, phố Sơn Hòa không còn ai làm nghề đóng giầy”. Có lẽ, một chút bóng dáng của nghề xưa sót lại đến bây giờ là một số cửa hàng ở phố Sơn Hòa còn buôn bán, sửa chữa giầy, dép. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tùng mong mỏi TP Hải Dương sẽ đặt tên một con phố là Nguyễn Thời Trung. Bởi Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung quê ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) chính là ông tổ của nghề thuộc da, đóng giầy của Việt Nam.



Ông Quan Văn Vinh, chủ hiệu thuốc Công Phát Long rất quan tâm gìn giữ nghề bốc thuốc bắc gia truyền

Giữ nghề truyền thống

Từ phố Xuân Đài, chúng tôi đi bộ một đoạn ngắn tới phố Bắc Kinh, trước kia có tên là phố Khách. Đây từng là nơi sinh sống đông đúc của người Hoa với nghề bốc thuốc chữa bệnh, bán thuốc bắc nổi tiếng. Trước kia, đa số các hộ sinh sống ở phố Khách đều làm nghề bán thuốc bắc. Hiện nay, nhiều ngôi nhà ở phố Bắc Kinh vẫn giữ được kiến trúc cổ kính. Ngôi nhà người Hoa sinh sống thường rất dài, phần nhà sát mặt phố làm nơi bán hàng, giao dịch, còn phần kéo dài phía sau làm kho chứa hàng, nơi sản xuất.

Ở phố Bắc Kinh hiện còn 3 hộ làm nghề bốc thuốc bắc chữa bệnh, trong đó nổi tiếng nhất là nhà thuốc Công Phát Long. Chúng tôi đến nhà ông Quan Văn Vinh, chủ hiệu thuốc Công Phát Long. Đi qua một con ngõ chật chội, chúng tôi lên tầng 2 của ngôi nhà. Vừa đến tầng 2, chúng tôi đã ngửi thấy mùi thuốc bắc thơm lừng. Các loại thuốc để gọn gàng ở từng ngăn tủ, hộp đựng. Ông Vinh cho biết: “Tổ tiên chúng tôi từ Trung Quốc sang đây làm ăn, đến chúng tôi đã là thế hệ thứ 4. Ông cụ thân sinh ra tôi là lương y Quan Bá Hưng. Ông sinh được 5 người con nhưng chỉ mình tôi theo nghề bốc thuốc bắc chữa bệnh”. Trung bình mỗi ngày ông Vinh bán được 30 thang thuốc cho khách hàng ở trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố khác. “Tôi sinh được 1 người con gái, một người con trai. Tôi đang truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm để các con nối nghiệp cha”, ông Vinh tâm sự.

Thành Đông xưa còn một số phố nghề khác như Hàng Đồng (chuyên làm đồ đồng, nay là phố Đồng Xuân), Hàng Lọng (chuyên làm lọng, nay là phố Tuy Hòa), Bến Bè (chuyên bán bè tre, gỗ, nay là phố Tam Giang), Đông Thị (chuyên bán bánh kẹo, nay là đoạn đầu phố Quang Trung). Trải bao thăng trầm, đến nay các phố này hầu như không còn lưu giữ được nghề cũ.

MINH ANH