Viettel đáp trả cáo buộc ‘đổi sim lấy bò’
Công nghiệp - Ngày đăng : 14:13, 11/10/2014
Theo ông Đỗ Minh Phương, Tổng giám đốc Viettel Telecom, chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì với sự tham gia của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, T.Ư Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Bộ NN-PTNT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và UBND 11 tỉnh biên giới phía Bắc. Ban Chỉ đạo chương trình đặt mục tiêu trong giai đoạn 2014-2016 sẽ huy động đóng góp, ủng hộ để mua 24.000 con bò cái sinh sản trao tặng các gia đình thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn quốc gia tại 11 tỉnh gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Yên Bái.
Với mỗi khách hàng tự nguyện cam kết sử dụng dịch vụ viễn thông tối thiểu 100.000 đồng/tháng trong vòng 3 năm, Viettel sẽ hỗ trợ chương trình 1 triệu đồng. Như vậy trung bình cứ 15 khách hàng đồng nghĩa với việc Viettel hỗ trợ một con bò trị giá 15 triệu đồng cho chương trình. Tiền mua bò được Viettel ứng ra ngay khi có đủ 15 khách hàng và chưa phát sinh đồng doanh thu nào.
“Khi khách hàng sử dụng tối thiểu 100.000 đồng/tháng có nghĩa là họ vừa được dùng dịch vụ tương ứng với số tiền trên, đồng thời Viettel cũng chuyển 100.0000 đồng này cho quỹ mua bò”, ông Phương giải thích.
Có ý kiến cho rằng sau 3 năm, với 15 thuê bao sử dụng liên tục với mức cước phí tối thiểu là 100.000 đồng/tháng thì Viettel đã thu được 54 triệu đồng; như vậy Viettel vẫn có lãi lớn vì chỉ phải bỏ ra 15 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Phương điều này là không chính xác. “Con số 54 triệu là doanh thu, còn lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí chỉ tương đương 8-10 triệu đồng, thấp hơn con số 15 triệu đồng mà Viettel đã ứng ra để mua bò ngay từ lúc đầu. Đó là lý do Viettel khẳng định không làm chương trình này vì lợi nhuận”. Đó là chưa xét đến yếu tố rủi ro là thuê bao cam kết nhưng giữa chừng rời mạng.
Tổng giám đốc Viettel Telecom cũng phủ nhận mục tiêu của chương trình là phát triển số lượng thuê bao. “Hiện nay tốc độ tăng trưởng thuê bao của Viettel rất tốt. Từ đầu năm 2014 đến nay trung bình mỗi tháng Viettel có thêm khoảng 300.000-400.000 thuê bao mới. Trong đó số lượng thuê bao tham gia chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ”, ông Phương khẳng định.
Về việc một số tỉnh "giao chỉ tiêu", áp đặt các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn mua sim, ông Phương lý giải đây có thể là sự hiểu lầm. “Theo chúng tôi được biết ví dụ như ở Quảng Ninh thì UBND tỉnh chỉ ra văn bản kêu gọi vận động các đơn vị mua sim chứ không có nội dung ép buộc phải mua. Còn bản thân Viettel là doanh nghiệp nên không có quyền gì để ép các đơn vị hay doanh nghiệp khác phải dùng dịch vụ của Viettel”, ông Phương phân trần.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Viettel Telecom, chương trình hướng tới khách hàng ở mọi địa phương và cho phép người mua sim được lựa chọn nơi nhận hỗ trợ. Ví dụ một khách hàng của Viettel ở TP.HCM sau khi tham gia chương trình và muốn hỗ trợ tới đồng bào ở Lai Châu thì khách hàng này sẽ được cung cấp một bản chứng nhận là họ cùng với 14 người khác đã tặng một con bò giá trị 15 triệu đồng cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn X ở tỉnh Lai Châu.
“Ông Nguyễn Văn X cũng sẽ được Viettel tặng một máy điện thoại Viettel để người tặng có thể liên hệ kiểm tra hoặc thăm hỏi. Ngược lại người nhận bò cũng sẽ có cơ hội bày tỏ sự tri ân của mình đến người đã đóng góp tặng bò”, ông Phương cho biết.
Viettel Telecom cho biết đây là mô hình dự án xã hội lần đầu tiên được một nhà mạng Việt Nam đưa ra. Sau hơn 3 tháng triển khai, quỹ bò đã được hình thành với gần 4.200 con và đã giao được khoảng 500 con. Dự kiến trong tháng 10-2014 sẽ tiếp tục tổ chức trao tặng bò cho các hộ nghèo ở 11 tỉnh biên giới, mỗi tỉnh từ 200-300 con.
VẠN LÝ (Thanh niên)