Đọ Xá vươn lên từ đói nghèo
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:09, 12/10/2014
Thành công hôm nay của Đọ Xá có được bởi sự đoàn kết, đồng thuận cao trong chi bộ Đảng và các tầng lớp nhân dân.
Diện mạo khu dân cư Đọ Xá hôm nay
Đưa chúng tôi đi thăm KDC, đồng chí Cao Xuân Quyền Bí thư Chi bộ hồ hởi giới thiệu từng nét đổi thay của quê hương, từng công trình phúc lợi lớn nhỏ. Nhưng trong ông vẫn hằn sâu hồi ức một thời quá vãng chưa xa, cái thời nghèo khổ được gắn như một “thương hiệu” mà ông và bất kỳ người dân Đọ Xá nào cũng muốn quên.
Quả thật, bị các nhánh sông Đông Mai bao bọc khiến Đọ Xá như một bán đảo quạnh hiu, biệt lập. Cái thực tế bất lợi đó khiến cuộc sống mỗi ngày của người Đọ Xá là một cuộc vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt. Cả KDC động mưa là úng, động lũ là ngập. Đồng hành với lụt lội là đói, là nghèo. Mỗi kỳ giáp hạt, cả thôn nhao nhược vì đói. Thương nhau mà chẳng biết lấy gì san sẻ.
Với người khác, cực khổ dễ làm nản lòng, thối chí, quyết tâm rời bỏ quê hương, nhưng với người Đọ Xá, cực khổ chỉ làm cho "ý thêm nung", "chí thêm cứng", "tâm thêm nặng" với đất ông cha. Muốn hết khổ phải hành động. "Kẻ thù" của Đọ Xá là “thủy tặc” thì phải tìm cách để ngăn, miễn cả làng đồng lòng lo gì không làm được. Chủ trương của chi bộ thôn được xã đồng thuận. Đưa ra họp dân, nhiều người nhất trí, nhưng một số người vẫn nghi ngờ: Đọ Xá các mặt là sông, lụt lội hằng năm đã có từ thời các cụ, sức người có hạn, làm nổi không? Hoài nghi không giúp lụt lội bị đẩy lùi. Thế là cả làng tình nguyện xuống đồng đắp đê bao. Lúc đầu con đê chỉ là một vệt mỏng như sợi chỉ. Ròng rã 2 năm, đê bao đã như con mãnh long ôm ấp quanh làng. Sau đắp đê là làm thủy lợi, xây dựng trạm bơm điều tiết tưới tiêu. Tính ra cùng với sức, mỗi nhân khẩu trong KDC phải bỏ ra cả triệu đồng. 300 mẫu ruộng, trên 400 nóc nhà được bảo vệ, chở che. Giờ mỗi mùa mưa bão không còn nơm nớp lo sợ trôi cửa trôi nhà. Từ lúc chỉ cấy được vụ chiêm, vụ mùa bấp bênh, nay đồng ruộng Đọ Xá cho mỗi năm hai vụ thắng lợi. Giờ nhìn lại con đê dài 5 km, ai nấy đều tự hào và coi nó như biểu tượng "cách mạng nông nghiệp"ở Đọ Xá.
Tuy nhiên so với các vùng nông nghiệp khác, mức sống của người Đọ Xá vẫn nghèo. Phải làm sao cho quê hương khởi sắc, cho đời sống nhân dân khấm khá? Nỗi niềm đau đáu đó đã khởi nguồn cho cuộc "cách mạng nông nghiệp thứ hai"đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng.
Hơn 90% số hộ dân ở Đọ Xá làm nông nghiệp, bởi vậy đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, thay đổi tập quán canh tác đã gắn với người nông dân hàng trăm năm không dễ. Chi bộ nhất trí giao cho ban chi ủy, trưởng thôn đứng ra chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước chi bộ, trước dân. Năm 2004-2005 do cán bộ và dân đều mơ hồ, thiếu kinh nghiệm chọn giống, ngâm mạ, làm đất, gieo vãi không đều tay nên triền miên thất bại. Nhưng thất bại đã giúp những người đứng mũi chịu sào có được nhiều kinh nghiệm xương máu để theo đuổi hoài bão lớn. KDC tập trung vận động, khuyến khích nông dân gieo cấy các giống mới, giống lúa lai, lúa chất lượngcao do các đơn vị uy tín cung cấp. KDC cử người đi học tập kinh nghiệm làm đất, ngâm giống, cách gieo vãi tại các vùng đã thành công về phổ biến lại cho nông dân. Thôn quy hoạch toàn bộ diện tích canh tác nông nghiệp thành 5 vùng, mỗi vùng khoảng 50 ha và gieo cấy tập trung một giống lúa. Căn cứ vào các vùng quy hoạch mà tiến hành điều tiết nguồn nước tưới tiêu theo lịch, thông báo ngày ngâm giống, ngày làm đất. Những biện pháp trên đã tạo ra mô hình sản xuất tập trung, loại bỏ tình trạng thiếu nhất quán. Cây lúa được áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu nên phát triển tốt, ít sâu bệnh, vụ nào cũng được mùa. Lúa ở Đọ Xá luôn đạt năng suất trung bình 240 kg/sào, có nhiều hộ chăm bón tốt đạt 3 tạ/sào, cao hơn hẳn các cánh đồng lân cận.
Được lợi, người dân hiểu và tin vào sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, cán bộ thôn. Giờ thì 100% số hộ sản xuất nông nghiệp trong KDC áp dụng biện pháp gieo sạ. Kỹ thuật gieo vãi đã đều tay, không còn phải tỉa như trước. Ngày trước mỗi vụ cấy kéo dài gần tháng trời, nay rút xuống còn 3 ngày. Các vùng bãi trũng, nước thủy triều lên xuống thất thường giờ cũng áp dụng thành công biện pháp gieo sạ. Nhiều người mạnh dạn bỏ tiền mua máy làm đất, máy gặt để phục vụ nông dân.
Được dân hiểu, dân tin, chi bộ Đảng, cán bộ KDC càng quyết tâm làm tốt. Sau thành công của cây lúa, KDC dành ra 5 ha đất vùng cao chuyên canh rau màu, tập trung vào cà chua, dưa lê, rau… Chất lượng sản phẩm tốt, đến vụ, ô-tô về tận đầu làng thu mua. 3 vụ quay vòng với sự cần cù chịu khó của người dân, mỗi sào màu cho lãi từ 15-18 triệu đồng/năm. Tiếp đến là việc chuyển đổi 30 ha đất bãi cho hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi thủy sản. Thôn hình thành 10 gia trại, trung bình mỗi năm một gia trại xuất ra thị trường hàng tấn cá, thu lãi 50-100 triệu đồng.
Đa dạng cung cách làm ăn, khi con trâu không còn được dùng để lấy sức kéo, thì người dân Đọ Xá lại chuyển sang nuôi trâu đàn để làm hàng hóa. Nhà ít nuôi vài ba con, nhà nhiều hàng chục con. Hiện KDC Đọ Xá có khoảng 10 hộ nuôi trên 60 con. Để tiết kiệm nhân lực, các gia đình có trâu đã hợp lại thành đàn vài chục con chăn thả tập trung. Ông Nguyễn Văn Ân chính là người đề xuất cách chăn thả trâu tập trung, tiết kiệm nhân công trên. Hiện ông Ân có 6 con trâu nái, vài trâu thịt đang chăn thả tập trung với gần chục hộ khác trong KDC và là nhóm trưởng. Ông Ân cho biết, từ chăn nuôi trâu hàng hóa, có người mỗi năm thu nhập đến cả trăm triệu đồng.
Đồng chí Cao Xuân Quyền, Bí thư chi bộ khoe: Cùng với phát triển kinh tế, sự đồng thuận còn giúp chúng tôi kiến thiết quê hương như ngày nay. Trong khi các nơi đang tập trung dồn điền, đổi thửa thì Đọ Xá đã hoàn thành việc này từ nhiều năm trước. Khu trung tâm văn hóa thôn với diện tích 1 ha cũng đã được quy hoạch ngay từ khi chỉnh trang đồng ruộng. Trên diện tích đó, năm 2008, nhân dân đóng góp 450 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa khang trang. Sau khi xóm của đồng chí Quyền làm điểm, phong trào làm đường giao thông lan khắp KDC. Đến nay, 4 km đường trong KDC đã được bê-tông hóa. Đường trục mang tên nhà cách mạng Trần Cung được Chi hội Người cao tuổi trong thôn trồng 700 cây xanh và đảm nhiệm việc trông nom. Hiện cổng làng đang xây dựng với kinh phí 180 triệu đồng cũng hoàn toàn do nhân dân trong thôn và con em xa quê đóng góp.
Ngày trước Đọ Xá nổi tiếng với truyền thống cách mạng kiên cường. Ngày nay, Đọ Xá lại kiên cường vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp. Thành quả ấy là kết quả của sự nỗ lực, đoàn kết, đồng thuận cao trong chi bộ và các tầng lớp nhân dân.
Đọ Xá là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Đọ Xá hiện có 410 hộ dân, 1.700 nhân khẩu, trong đó 65% hộ khá và giàu, hộ nghèo chỉ chiếm 1%. Thu nhập bình quân năm 2013 đạt 18 triệu đồng/người/năm. Năm 2008, KDC được công nhận danh hiệu văn hóa. Năm 2013, di tích đình Đọ Xá được khánh thành và xếp hạng di tích cấp tỉnh. Năm 2013, chi bộ Đảng và nhân dân KDC Đọ Xá được UBND tỉnh biểu dương là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. |
NGỌC HÙNG