Bàn tay một ngón

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:25, 16/10/2014

Từ ngày biên chế vào đội phẫu thuật giải phóng mù lòa, bác sĩ Trần ít có thời giờ thư giãn. Thường thì mỗi chiều, nghe tiếng xe máy ông về, đã có bệnh nhân ra tận ngõ đón. Ông chỉ kịp thay quần áo rồi lại tiếp tục khám mắt cho bà con đến tận tối. Nhưng hôm nay ông Trần hỏi qua không thấy có bệnh nhân nào nặng, ông hướng dẫn dùng thuốc rồi xin phép nghỉ.

Bác sĩ Trần ngả mình trên cái xích đu ở sân thượng. Gió từ phía bờ sông thổi vào mát rượi. Hình ảnh người bệnh cuối cùng ở trạm xá Hải Thượng lại hiện lên. Chả là lúc đó, trạm xá đã vắng người. Trong một buồng bệnh, chỉ còn một thiếu phụ chừng sáu mươi tuổi. Giữa lúc thân nhân vắng, người đó lại cần vào nhà vệ sinh. Bất đắc dĩ, bác sĩ Trần phải giúp. Hai mắt băng kín, người ấy chìa tay cho ông dắt. Ông chợt nhận ra bàn tay phải người ấy chỉ còn một ngón cái. Phải, chỉ còn một ngón. Không có lẽ đấy là...

Gần bốn mươi năm trước ông đang ngơ ngác chờ tàu thì máy bay Mỹ ném bom vào ga Hải Dương. Chưa biết hướng hầm tránh ở đâu thì đã thấy một bàn tay phụ nữ kéo về phía cuối ga. Cô ấn ông xuống một hố cá nhân trước rồi mình xuống sau mới kéo cái mũ rơm che miệng hố. Sau loạt bom rung chuyển, ông đã định nhoi lên. Nhưng cô gái đã kịp níu ông lại trước một loạt rốc két nổ. Không nhìn rõ mặt, nhưng chắc cả hai cùng ngượng nghịu.

Kẻng báo yên thì trời đã chiều. Thị xã mất điện, ông và cô gái ra khỏi hố tránh bom.
- Anh bộ đội đi về đâu? - cô gái chủ động hỏi.
- Tôi về đơn vị - ông đáp.
- Đơn vị anh ở đâu?
- Bên kia cầu Phú Lương.
- Thế thì cùng đường với em rồi.
- Cô cũng ở gần đấy?
- Vâng, em ở trận địa 37 ly.
- À, thế thì ta gần nhau rồi. Tôi ở trạm xá cạnh làng phải đi qua chỗ cô đấy... Nhưng mà cô đi đâu lên đây?

- Em mua mấy thứ cho đàn bà con gái ấy mà - cô bẽn lẽn. Đến lúc đấy ông mới nhận ra trong cái túi lưới cô xách có cả vải màn và gương lược.

Chờ tàu xe lâu, hai người đi bộ ra hướng đầu cầu. Ngay đêm ấy, trận địa của cô gái bị trúng bom. Người ta chuyển đến trạm xá mặt trận mấy thương binh. Ông nhìn kỹ từng gương mặt và nhận ra trong đó có cô gái gặp ban chiều. Còn ông, trong trang phục thầy thuốc đang lúc mệt vì đang mất máu, chắc là cô không nhận ra ông. Cô gái bị bom xây xát ở nhiều nơi nhưng nặng nhất là bàn tay phải bị dập các ngón. Ông cùng các thầy thuốc tập trung cứu chữa nhưng sau một thời gian cũng đành phải tháo khớp làm bàn tay đẹp như hoa trước đây giờ chỉ còn một ngón cái. Với vết thương ấy, cô phải rời vị trí pháo thủ, nhưng vẫn đòi ở lại phục vụ chiến đấu. Hôm chia tay, chìa bàn tay để ông nắm thật lâu và cô khóc. Ông lúng túng để yên sự ấm nóng, không biết nói gì…

Rồi từ ấy ông đi biền biệt, hết mặt trận phía Bắc thì vào Nam, sang Lào rồi chuyển ngành sang dân y…
Ông quyết định trở lại trạm xá Hải Thượng trong ngày tháo băng cho các bệnh nhân mắt. Ông xem lại tất cả các bệnh án, hỏi han người bệnh về tình trạng sức khỏe sau mổ. Sau đó, ông lần lượt gọi tên từng người lên tháo băng. Khi bác sĩ Trần đọc đến tên “bà Nguyễn Thị Lụa” thì ông thấy một người có bàn tay một ngón bước vào (cho đến lúc đó, ông mới nhớ ra tên cô xưa). Có một cái gì như dòng điện lan tỏa khắp người ông. Ông hồi hộp, thận trọng, tay run run lần từng nếp vải băng trên gương mặt bà. Cho đến lần băng cuối cùng, trước khi người mù trở thành người sáng thì ông dừng lâu lâu và nói như nghẹn lại:

- Là cô pháo thủ đấy ư?

Người bệnh nghe câu đó như cũng không nén nổi, giơ tay toan bứt nốt lần băng nhưng ông đã kịp ngăn lại. Cho đến khi mắt hé mở, bà nắm chặt tay ông ngờ ngợ:

- Ông là y sĩ Trần? Không ngờ tôi còn được diễm phúc nhận lại ông. Vì tôi đã không nhìn thấy ánh sáng mấy năm rồi…

- Tôi cũng không ngờ lại được gặp cô pháo thủ đã cứu tôi khỏi vòng bom đạn năm nào!
Ông nắm chặt bàn tay còn một ngón trước sự ngạc nhiên, cảm động của mọi người trong phòng.


 NGUYỄN THẾ TRƯỜNG