Đặc sắc rối nước Bùi Thượng
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 14:18, 18/10/2014
Kho rối của Phường rối nước Bùi Thượng còn chật chội, tạm bợ
Khởi nguồn từ tín ngưỡng
Điều thôi thúc chúng tôi tìm về Bùi Thượng là lần được mục kích các nghệ nhân dân gian của miền đất nông nghiệp này dầm mình dưới nước để dựng thủy đình, mắc dây, sào chuẩn bị các trò rối phục vụ Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Rồi cảnh du khách dán mắt vào các trò diễn, đặc biệt là trò đốt pháo thắp nhang với sự trầm trồ thán phục của người xem.
Bùi Thượng đang vào vụ gặt. Khi chúng tôi đến thăm, thóc vàng ươm trong sân nhà các nghệ nhân dân gian. Cây lúa và hạt thóc cũng chính là căn nguyên ra đời của rối nước Bùi Thượng. Dẫn chúng tôi ra thăm kho con rối với la liệt Tễu giáo đầu, tiên, thuyền, trâu, rồng, lân… được sơn son thếp vàng, nghệ nhân Đinh Văn Phai, Trưởng phường rối nước Bùi Thượng cho biết: "Theo các cụ tôi truyền lại, rối nước Bùi Thượng ra đời từ tín ngưỡng cầu mưa làm mùa của dân làng. Ngày trước mỗi khi mong cho mưa thuận gió hòa, các cụ trong thôn lại tổ chức múa rối. Từ đó đến nay, biểu diễn rối nước cầu mưa vẫn được người Bùi Thượng duy trì mỗi kỳ hội làng hằng năm".
Làm nên sự đặc sắc của rối nước Bùi Thượng là các trò diễn độc nhất vô nhị mà các phường rối khác không thể thực hiện hoặc thực hiện song chất lượng hạn chế. |
Năm 2012, cùng với nghệ thuật múa rối nước cả nước, múa rối nước tỉnh Hải Dương, trong đó có rối nước Bùi Thượng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 1.
Màn biểu diễn rối nước "Mở hội đình làng" do Phường rối nước dân gian Bùi Thượng biểu diễn tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc
Nhiều trò độc đáo
Ngắm những con rối ở Bùi Thượng chúng tôi không khỏi thích thú với những nét riêng độc đáo. Cũng dùng chất liệu gỗ sung, xoan, mít nhưng rối Bùi Thượng được tạc trau chuốt, đường nét cách điệu rất riêng. Mỗi con rối được chia làm 2 phần. Phần thân rối nổi lên mặt nước phô bày tất cả những nét độc đáo, sinh động của nhân vật. Phần đế rối chìm dưới nước được thiết kế để lắp thiết bị điều khiển. Con rối Bùi Thượng trung bình nặng khoảng 2-3 kg. Chỉ cây gỗ xoan trên sân, ông Phai cho biết đó chính là nguyên liệu để phường tạo tác con rối. Hiện ông Phai là người duy nhất có thể tạo tác các con rối ở Bùi Thượng. Để tạo tác được một con rối phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Trước hết người nghệ nhân phải chọn được cây gỗ to, nạc, cắt khúc theo con rối dự định làm, thường 50-60 cm rồi phơi khô. Tiếp đến là tạo thô. Ngày trước các cụ thường dùng dao, rìu, ngày nay công đoạn này được thay bằng máy móc. Sau đó con rối được tỉa tót, tạo tác các bộ phận mắt, mũi, chân, tay, đánh giấy ráp và sơn. Những phần này phải làm thủ công và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Bởi vậy mỗi con rối là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thể hiện sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Ông Phai khoe, hiện phường rối Bùi Thượng có khoảng 300 con rối. Bản thân ông cũng còn giữ được trên 50 con rối cổ từ thời các cụ.
Rối nước của Bùi Thượng có hai loại là trò sào và trò dây. Trò sào là lắp con rối vào đầu sào để biểu diễn, thường dùng cho những con rối to như Tễu, múa lân, rồng. Trò dây là dùng dây và các cục bê-tông gắn vào mỗi con rối để cho con rối di chuyển thăng bằng dưới nước. Trò này dùng để biểu diễn các trò đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, khoảng cách di chuyển xa. Hiện phường rối Bùi Thượng có 21 tích trò. Các trò diễn đều giữ được nét cổ truyền, thể hiện những cảnh sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc Bộ như: Tễu giáo đầu, múa tiên, múa tứ linh, leo thang, đi cấy, lò rèn, dệt vải, chăn vịt, quạ bắt vịt...
Ông Phạm Đình Quỷnh, nghệ nhân phường rối cho biết làm nên sự đặc sắc của rối nước Bùi Thượng là các trò diễn độc nhất vô nhị mà các phường rối khác không thể thực hiện hoặc thực hiện song chất lượng hạn chế. Trước hết là trò diễn “Tiên mời trầu”. Đây là trò rối dây hầu hết các phường rối đều có. Tuy nhiên, ở các phường rối khác, khoảng cách di chuyển của con rối thường không xa, sự cử động của con rối thiếu linh hoạt. Ở phường rối Bùi Thượng, tiết mục “Tiên mời trầu” đã được các nghệ nhân nghiên cứu để 3 con rối bê đĩa trầu có thể vượt ra khỏi thủy đình, di chuyển khoảng cách 30-40 m tới vị trí khán giả ngồi. Khi trở về, các con rối quay đầu trở lại trong khi rối các phường khác phải đi giật lùi.
Du khách thích thú những màn rối nước dân gian. Ảnh Thành Chung
Trò diễn xay lúa, giã gạo khá quen thuộc với nghệ thuật múa rối nước. Tuy nhiên ở các phường rối khác, con rối, cối xay, cối giã gạo chỉ là một khối không chuyển động. Ở rối nước Bùi Thượng, các động tác xay lúa, giã gạo đã được các nghệ nhân làm cho quay, bập bênh như thật.
Tài tình hơn, các nghệ nhân dân gian Bùi Thượng đã sáng tạo được tiết mục mở hội đình làng độc đáo với một đoàn rước lễ, trống, phách, múa lân, rồng diễu quanh sân khấu sống động như thật. Trong khi ở các phường rối khác, tiết mục này thường được bố trí bằng những con rối gắn cố định vào các cọc.
Bằng sự tâm huyết cùng sự sáng tạo, rối nước Bùi Thượng đã khẳng định vị trí trong sự phát triển chung của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Phường từng đi biểu diễn ở nhiều nơi và đạt được nhiều thành tích. Phường cũng thường xuyên được chọn biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và được đánh giá cao.
Tuy vậy, phường rối nước Bùi Thượng hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Trang phục biểu diễn của nghệ nhân chưa đủ. Con rối thường xuyên hỏng do ngâm nước. Chi phí cho dựng mỗi trò rối cao. Khi đi diễn ở xa chi phí lớn, phần thù lao cho các nghệ nhân hầu như không có. Mong rằng rối nước Bùi Thượng sẽ nhận được sự quan tâm thỏa đáng của các cấp, các ngành để loại hình di sản độc đáo của ông cha mãi tỏa sáng.
Theo tư liệu hồ sơ di sản của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đình làng Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc) thờ vị tướng thời Lý là Trương Công Tế, tương truyền là vị Đại Nguyên soái, kiêm Đô đốc Thuỷ quân, có công đánh giặc Tống. Khi về già, ông đem nghề múa rối truyền dạy cho dân làng Bùi Thượng. Khi mất, ông được suy tôn làm thành hoàng. Ngoài ra, tại đình còn thờ một vị tướng khác là Trần Bình (thời Lý), người dùng các con rối để lừa giặc Tống. |
NGỌC HÙNG