Doanh nghiệp khắc phục vi phạm về môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 05:38, 19/10/2014
Do tích cực đầu tư các công trình xử lý chất thải nên nhiều doanh nghiệp đã thoát khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường...
Xí nghiệp NPK Hải Dương đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn phục vụ cho sản xuất,
khắc phục tình trạng gây ô nhiễm nước thải
Xí nghiệp NPK Hải Dương (chi nhánh Công ty CP Su-pe phốt phát và hóa chất Lâm Thao) ở xã Cao An (Cẩm Giàng) chuyên sản xuất phân bón, phèn nhôm. Xí nghiệp này thuộc danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ONMT) của tỉnh vào các năm 2009 - 2010 do gây ô nhiễm nước thải, khí thải. Tình trạng ONMT của xí nghiệp đã khiến nhiều hộ dân địa phương, nhất là những gia đình sống gần đó bức xúc, yêu cầu xí nghiệp phải có biện pháp khắc phục.
Trước những yêu cầu từ phía cơ quan chức năng và người dân, xí nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ONMT. Nguồn nước thải từ việc rửa dụng cụ, rửa chân tay công nhân được thu gom bằng đường ống kín, tách riêng với hệ thống thoát nước mưa bề mặt. Sau đó, nguồn nước này được đưa vào một bể xử lý để phục vụ sản xuất. Xí nghiệp để nguyên, vật liệu trong nhà kho có mái che. Để khắc phục khí thải vượt quy chuẩn cho phép, xí nghiệp đã lắp đặt thiết bị lọc tại dây chuyền sản xuất. Xí nghiệp đã sử dụng hệ thống tháp hấp thụ sủi bọt, thay thế hóa chất… để tăng cường khả năng hấp thụ hơi a-xít trong quá trình sản xuất phèn nhôm. Ngoài ra, xí nghiệp đã nâng cấp đường giao thông nội bộ, vệ sinh thường xuyên khuôn viên nhằm giảm thiểu bụi phát sinh. Nhờ đầu tư công trình, biện pháp xử lý chất thải nên năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chứng nhận xí nghiệp được ra khỏi danh sách gây ONMT. Ông Lương Ngọc Thỏa, Phó Giám đốc xí nghiệp cho biết, từ khi ra khỏi danh sách gây ONMT đến nay, xí nghiệp tiếp tục vận hành các công trình theo quy định. Do vậy, vấn đề môi trường của xí nghiệp đã cải thiện nhiều so với trước kia.
Trước đây, hoạt động sản xuất, khai thác đá của Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương (thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn) làm phát sinh bụi, gây ONMT. Vì vậy, công ty này thuộc danh sách cơ sở gây ONMT vào các năm từ 2007 - 2009. Để ra khỏi danh sách gây ONMT, công ty đã có nhiều biện pháp khắc phục. Ông Đào Văn Dũng, Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi đã bố trí 1 xe tưới nước thường xuyên tại khu vực sản xuất, đường vận chuyển, trồng thêm cây xanh để giảm thiểu bụi phát sinh. Các xe tải chở nguyên, vật liệu được phủ bạt. Nước thải sinh hoạt được xử lý qua bể tự hoại trước khi thải ra ngoài. Dây chuyền nghiền sàng đá có thiết bị tưới nước để hạn chế bụi”. Nhờ các biện pháp khắc phục nên năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chứng nhận công ty ra khỏi danh sách gây ONMT.
Chi nhánh Công ty CP L.Q Joton Hải Dương (xã Gia Tân, Gia Lộc) thuộc danh sách cơ sở gây ONMT năm 2011. Theo ông Vũ Hữu Quang, Trưởng phòng Hành chính - nhân sự của chi nhánh, trước đây, kết quả kiểm tra của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy hàm lượng a-mô-ni trong nước thải vượt 3,77 lần quy chuẩn cho phép do “công nhân vận hành chểnh mảng” hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, cơ sở chưa có biển báo hiệu chất thải nguy hại. Để khắc phục, cơ sở đã kiểm tra lại hệ thống xử lý nước thải, thay thế một số bộ phận cũ, yêu cầu công nhân vận hành đúng quy trình nên mẫu nước thải quan trắc sau đó đã đạt yêu cầu. Tháng 5-2014, cơ sở đã được chứng nhận ra khỏi danh sách gây ONMT.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2007 đến tháng 7 năm nay, toàn tỉnh đã có 28 cơ sở (chủ yếu là doanh nghiệp) được chứng nhận ra khỏi danh sách gây ONMT, chiếm 23% tổng số cơ sở thuộc danh sách gây ONMT. Đó là: Công ty CP Xi-măng Trung Hải, Doanh nghiệp tư nhân Gà tươi Mạnh Hoạch, Công ty CP Thuận Cường, Công ty CP Sứ Hải Dương, Công ty CP Sản xuất và thương mại Âu Việt, Chi nhánh Công ty CP Viglacera Từ Sơn, Công ty CP Đại An, Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương, Công ty TNHH ANT, Công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương, khu công nghiệp Nam Sách, Công ty TNHH Cường Thịnh, Công ty TNHH Minh Phúc, Công ty TNHH Sao Sáng, Nhà máy Chế tạo thiết bị và đóng tàu Lilama 69-3, hộ kinh doanh Nguyễn Thượng Sách, Công ty TNHH Ngọc Sơn, Xí nghiệp NPK Hải Dương, Công ty TNHH Hồng Dương, Công ty TNHH Shints BVT, Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng Ninh Giang, Công ty CP Nhà khung thép và thiết bị công nghiệp, nhà hàng Nhất Ly, Công ty TNHH May Formostar Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ gà tươi Mạnh Hoạch, nhà hàng ăn uống và kinh doanh xăng dầu Trung Kiên, Công ty May xuất khẩu SSV, Chi nhánh Công ty CP L.Q Joton Hải Dương.
Bên cạnh những doanh nghiệp cố gắng khắc phục ONMT vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình không khắc phục vi phạm hoặc khắc phục chậm trễ theo kiểu chống đối. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp này khắc phục vi phạm. Những doanh nghiệp cố tình vi phạm cần bị xử lý nghiêm.
PV