Trung Quốc cách chức 5 Ủy viên Trung ương Đảng

Tin tức - Ngày đăng : 15:23, 23/10/2014

Hai ủy viên chính thức và ba ủy viên dự khuyết bị cách chức tại Hội nghị lần thứ 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vừa bế mạc ngày 23-10.

Hai ủy viên chính thức Tưởng Khiết Mẫn, Lý Đông Sinh và ba ủy viên dự khuyết: Lý Xuân Thành, Vương Vĩnh Xuân, Vạn Khánh Lương bị cách chức tại Hội nghị lần thứ 4 của đảng cộng sản Trung Quốc khóa 18 vừa bế mạc ngày 23-10.   

Đứng đầu danh sách là Tưởng Khiết Mẫn, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC). Ông này sinh ngày 1-10-1956, quê Tín Dương, Sơn Đông. Tốt nghiệp Đại học Sơn Đông. Ủy viên dự khuyết ban chấp hành (BCH) TƯ khóa 17, ủy viên chính thức khóa 18 đồng thời đại biểu quốc hội khóa 9,10.

Chân dung Tưởng Khiết Mẫn

Tưởng Khiết Mẫn từng phụ trách Cục quản lý dầu khí Thanh Hải, một trong những giếng dầu đầu tiên của Trung Quốc, và trưởng thành nhanh chóng nhờ năng lực quản lý của mình. Sau đó, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dầu khí Trung Quốc, một cơ quan có vai trò cực kỳ quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc; vì đây chính là đầu mối để chính phủ nước này thực hiện chính sách ngoại giao năng lượng nhằm  bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho nền kinh tế quốc gia.

Ông Mẫn bị nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” khi đảm đương chức vụ tại Tập đoàn dầu khí quốc gia và Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước. Ông bị khai trừ Đảng tịch vào ngày 30-6, nhưng do là Ủy viên BCH TƯ nên trong hội nghị trung ương lần 4 việc khai trừ này mới chính thức có hiệu lực.

Nhân vật thứ hai là Lý Đông Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc. Lý Đông Sinh sinh ngày 1-12-1955, quê Chư Thành, Sơn Đông. Trước khi đảm nhiệm chức vụ cao cấp trong Bộ Công an, Lý Đông Sinh đã có hơn 20 năm công tác tại Đài truyền hình TƯ Trung Quốc.

Trung Quốc kỷ luật 5 ủy viên trung ương 4
Lý Đông Sinh

Năm 2000, Lý Đông Sinh đảm nhiệm chức Tổng cục phó Tổng cục Điện ảnh-phát thanh-truyền hình; năm 2002 giữ chức Phó ban Tuyên giáo TƯ. Năm 2007, đảm nhiệm người phát ngôn cho Đại hội 17 của Đảng cộng sản Trung Quốc. Tháng 10-2009, nhờ sự vận động của Chu Vĩnh Khang, Lý Đông Sinh bất ngờ chuyển sang công tác tại Bộ Công an với vị trí Thứ trưởng phụ trách an ninh quốc gia.

Trong Á vận hội diễn ra tại Trung Quốc tháng 8-2010, Lý Đông Sinh đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm ủy ban an ninh quốc gia cho sự kiện trọng đại do Trung Quốc đăng cai. Cuối năm 2013, Lý Đông Sinh bị nghi ngờ là cánh tay đắc lực của Chu Vĩnh Khang và bị Ủy ban Kiểm tra – kỷ luật TƯ điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Lý Đông Sinh bị khai trừ Đảng tịch cùng ngày với Tưởng Khiết Mẫn, số phận của Lý Đông Sinh được quyết định trong hội nghị lần 4 này .

Trong các ủy viên TƯ dự khuyết Lý Xuân Thành bị khai trừ đảng tịch đầu tiên vào ngày 30-4. Lý Xuân Thành sinh ngày 1-4-1956 tại thành phố Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh. Tốt nghiệp kỹ sư điện công nghiệp tại Đại học công nghiệp Cáp Nhĩ Tân. Từng đảm nhiệm các chức vụ Phó thị trưởng, Thị trưởng Cáp Nhĩ Tân; Phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên. Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ tại tỉnh Tứ Xuyên, Lý Xuân Thành đã nhận đỡ đầu cho các nhóm xã hội đen tại đây.

Các điều tra cho thấy, Lý Xuân Thành và Chu Bân (con trai Chu Vĩnh Khang) đã nhận khoảng 4 tỉ nhân dân tệ tiền lót tay của các băng nhóm xã hội đen trên địa bàn Tứ Xuyên. Ngày 13-12-2013, bị cách chức phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên và bị khai trừ Đảng tịch vào tháng 4 năm nay. 

Trung Quốc kỷ luật 5 ủy viên trung ương 2
Lý Xuân Thành

Một cán bộ cao cấp ngành dầu khí bị kỷ luật trong đợt này là Vương Vĩnh Xuân, sinh tháng 7-1960, quê huyện Càn An, tỉnh Cát Lâm. Tốt nghiệp Học Viện địa chất Trường Xuân, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về địa chất tại Học viện Khoa học Trung Quốc.

Tại Đại hội lần thứ 18, Vương Vĩnh Xuân được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH TƯ. Vương Vĩnh Xuân từng đảm nhiệm Giám đốc công ty dầu khí Đại Khánh, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty dầu khí Trung Quốc. Từng được đánh giá là nhà khoa học địa chất tài năng, có uy tín khoa học, Vương Vĩnh Xuân đã có 18 giải thưởng về khoa học địa chất, trong đó 4 giải thưởng được đánh giá đóng góp rất lớn cho ngành địa chất Trung Quốc.

Ngày 28-6-2013, Ủy ban kiểm tra kỷ luật TƯ quyết định đình chỉ chức vụ của Vương Vĩnh Xuân vì những sai phạm mang tính chất nghiêm trọng trong quản lý kinh tế.

Trung Quốc kỷ luật 5 ủy viên trung ương 1
Vương Vĩnh Xuân

Trong số các cán bộ bị kỷ luật lần này, Vạn Khánh Lương là ủy viên dự khuyết trẻ nhất. Vạn Khánh Lương sinh ngày 1-2-1964, quê quán Ngũ Hoa, Quảng Đông. Vạn Khánh Lương tốt nghiệp Thạc sĩ quản lý kinh tế trường Đảng TƯ, Tiến sĩ quản lý công trình Đại học công nghiệp Hoa Nam.

Vạn Khánh Lương đã có quá trình phấn đấu từ địa phương với các nhiệm vụ Bí thư huyện Tiêu Lệnh, thành ủy viên thành phố Mai Châu, Bí thư tỉnh đoàn Quảng Đông, Phó tỉnh trưởng Quảng Đông, Thị trưởng Quảng Châu, Bí thư thành phố Quảng Châu.

Vạn Khánh Lương nổi tiếng với câu nói “Tôi chỉ thuê phòng 600 tệ 1 tháng” và được người dân đặt cho biệt hiệu “Lục bách tịch” nghĩa là “chủ tịch 600 tệ”. Được đánh giá là ngôi sao đang lên của chính trường Trung Quốc và giữ vị trí quản lý một trong các thành phố thịnh vượng nhất tại đại lục nhưng sự nghiệp của người này nhanh chóng kết thúc.

Ngày 26-6, Ban tổ chức TƯ Đảng cộng sản Trung Quốc ra quyết định cách chức Bí thư thành ủy Quảng Châu, 3 ngày sau khi Ủy ban kiểm tra kỷ luật TƯ công bố Vạn Khánh Lương vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong thời gian đương chức. Ngày 9-10, Vạn Khánh Lương chính thức bị khai trừ Đảng tịch và số phận đã được quyết định trong hội nghị lần thứ 4 này. 

Trung Quốc kỷ luật 5 ủy viên trung ương 3
Vạn Khánh Lương

Theo thời báo Hoàn Cầu, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc thi hành kỷ luật cùng lúc với 5 cán bộ thuộc diện TƯ quản lý là một việc rất hiếm trong lịch sử hoạt động của chính đảng này. Hành động này một lần nữa thể hiện Trung Quốc kiên quyết mạnh tay với các hành động tham nhũng do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.

MINH MẪN (Thanh niên)