Đi săn chuột đồng
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:52, 26/10/2014
Khi những cánh đồng lúa ngả dần sang màu vàng cũng là lúc những thợ săn chuột đồng ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) đến mùa làm ăn.
Người thợ phải biết săn chuột ở mọi địa hình
"Chiến thuật" bắt chuột
Sau nhiều lần thuyết phục, ông Nguyễn Văn Liên - một thợ săn chuột đồng thiện xạ ở thôn Đông mới đồng ý cho tôi đi theo trong một buổi săn chuột. Ông bảo: “Chẳng phải giấu gì nhưng nghề của chú vất vả lắm! Nhiều khi đi đến nơi không có chuột lại phải đến chỗ khác ngay. Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng nhé! Hôm nay sẽ vất lắm đấy!”. Hai chiếc xe máy cà tàng của anh em ông Liên và ông Đoàn lỉnh kỉnh đồ đạc. Mỗi người mang theo thùng, 2 chiếc rọ thép, một chiếc rọ tre, cuốc, thuổng. Riêng xe của ông Liên có thêm một chiếc lồng để đựng “chiến lợi phẩm”. Đã lên kế hoạch địa điểm săn chuột từ trước, 6 giờ 30 chúng tôi bắt đầu khởi hành theo hướng Gia Lộc. Ông Liên chọn địa điểm này bởi những cánh đồng ở đây đang vào vụ thu hoạch. Theo kinh nghiệm của ông Liên, từ mạn Tiền Trung (TP Hải Dương) đổ lên, con chuột tuy ngắn nhưng bao giờ thịt cũng ngon hơn hẳn so với chuột từ Tiền Trung xuôi về khu Kinh Môn, Kim Thành.
Thợ săn phải đổ nước để chuột chạy ra ngoài
Thâm niên trong nghề được tính bằng những vết chai sần trên bàn tay lúc nào cũng đen đúa vì nhựa cỏ dại, vì những vết cứa sâu, xé toạc của mảnh ốc bươu vỡ...
|
Hơn một tiếng sau, chúng tôi có mặt trên cánh đồng thuộc xã Gia Khánh (Gia Lộc). Một bên là những ống cống, những thanh bê-tông ngổn ngang của dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang thi công, một bên là cánh đồng lúa. Có ruộng gặt từ lâu, có ruộng lúa mới bắt đầu ngả vàng. Ông Liên dạo một vòng quan sát con mương nhỏ nằm ven đường, sát ruộng lúa. Đang rảo bước, chợt ông Liên nhảy xuống mép ruộng, ông chỉ cho tôi thấy những đường ngang, dọc nhẵn thín ẩn mình dưới những lùm cây xuyến chi. Ông gọi đó là những “đường băng”, nó tương tự như đường giao thông của con người. Những thợ săn thiện xạ như ông Liên chỉ cần nhìn đường băng là biết con chuột đi qua gầy hay béo. Chuột béo đường băng thường nhẵn, những đường băng gồ ghề chứng tỏ chuột gầy. Ngoài ra, thợ săn dựa vào dấu chân và phân chuột cũng biết chúng to nhỏ cỡ nào. Ông Liên giải thích: “Khi có động, theo thói quen, chuột sẽ chạy theo đường băng để thoát thân, vì thế thợ săn cần phải phán đoán đúng hướng chuột chạy để đặt rọ”. Sau một hồi xem xét đường đi của chuột, hai anh em ông Liên đặt rọ ở những vị trí khác nhau và khéo léo ngụy trang dưới bụi xuyến chi. Họ bắt đầu hợp sức, mỗi người một phía, chạy nhanh trên đám cỏ rậm rạp đánh động để buộc chuột phải chạy ra. Tiếng ông Liên hô lớn “Được rồi!”. Ông lao nhanh tới chiếc rọ được đặt lúc trước. Quả nhiên có hai con chuột béo mượt đang chạy hoảng loạn trong rọ. Dốc ngược chiếc rọ, nới lỏng dây co, chỉ trong tích tắc, ông khéo léo lôi con chuột ra và bẻ răng cực kỳ nhanh gọn và chính xác. Phải bẻ răng chuột trước khi cho chúng vào chiếc rọ đeo bên hông để tránh việc chúng có thể cắn nhau đến chết. Thực ra chỉ những người kỳ cựu như ông Liên mới có thể bẻ răng chuột một cách nhẹ nhàng như vậy. Phải bật làm sao để chuột chỉ bị gãy nửa răng, nếu gãy hết, chúng dễ bị chết.
Thấy những con chuột liên tiếp chui đầu vào rọ, tôi cũng háo hức đòi ông Liên cho thử. Sau khi được hướng dẫn, tôi chọn một vị trí đặt rọ. Lao nhanh trên đám xuyến chi, những gò đất mấp mô, thân cây xuyến chi mọc tốt đan vào nhau khiến tôi ngã dúi dụi. Sau một hồi đuổi bắt, chiếc rọ của tôi cũng có một con chuột nhỏ bằng 3 đầu ngón tay bị mắc bẫy. Nhưng tôi chưa kịp thu “chiến lợi phẩm” thì nó đã liều mình lao ngược trở lại phía đầu rọ để thoát thân. Thấy vẻ mặt tôi tiếc ngẩn ngơ, ông Liên bật cười: Con chuột ấy còn nhỏ đã nhằm nhò gì, có khi các chú còn để xổng những con to cỡ 3-4 lạng. Bọn chuột khôn lắm, chúng đã xổng một lần thì lần sau cũng không dễ mắc bẫy, nếu bị truy đuổi ráo riết, chúng sẽ không chạy theo đường băng cũ mà sẽ tìm cách phá ngang. Khi ấy, thợ săn phải phán đoán được tình hình, lựa cách nhanh chóng đuổi theo chúng, thậm chí phải đổi ngay “chiến thuật” chuyển sang bắt bằng tay không. Với những con chuột ở lỳ trong hang không chịu ra thì phải đổ nước. Chỉ cho tôi thấy những bờ mương bị cuốc nham nhở, ông bảo: “Những thợ săn lành nghề không bao giờ làm như vậy vì vừa mất nhiều sức, phá hỏng bờ mương, lại thường không bắt được chuột. Thuổng, cuốc chú mang đi chỉ để phạt bớt cỏ và làm rung bờ khiến chuột sợ”. Sau gần hai tiếng đồng hồ, chiếc rọ tre đã bắt đầu lặc lè chuột.
Phần thưởng xứng đáng
Thành quả lao động
10 giờ trưa, cái nắng oi bức ập xuống, ông Liên dội nước cho chuột và che phủ lồng bằng một vài cành ổi dại. Đây là lúc thợ săn chuột tranh thủ nghỉ ngơi. Đồ đạc lỉnh kỉnh và cũng không có nhiều thời gian nên họ không mang theo cơm. Bữa trưa chỉ có vài điếu thuốc lào và mấy ngụm nước đường cho nhanh lại sức. Rít một hơi thuốc lào, vẻ mặt đầy suy tư, ông Liên bảo, nghề này cực nhọc lắm, thợ săn muốn bám trụ với nghề phải biết nhiều cách bắt ở những địa hình khác nhau và quan trọng là phải có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Chuyện tới Gia Lộc rồi chạy qua Ninh Giang vòng lên Phố Nối (Hưng Yên) là thường. Không ít lần hai anh em ông còn sang cả Quảng Ninh và Thái Bình bắt chuột. Mỗi người phải mang trên mình khoảng 10 kg đồ nghề, chưa kể khi rọ chuột đầy cũng tầm 3-4 kg. Thợ săn phải sẵn sàng lao mình trên những lùm cây, băng qua những con mương. Thâm niên trong nghề được tính bằng những vết chai sần trên bàn tay lúc nào cũng đen đúa vì nhựa cỏ dại, vì những vết cứa sâu, xé toạc của mảnh ốc bươu vỡ... Hồi mới đi bắt chuột, không ít lần ông Liên còn nhầm hang chuột với hang rắn. Sau này có một chút kiến thức về loài rắn nên bây giờ, rắn độc ông cũng không “nề hà”. Ông Liên cho biết, thợ săn phải quan sát tỉ mỉ. Những nơi nào nhiều chuột, ở mỗi cánh đồng chuột thường tập trung ở khu vực nào đều phải ghi nhớ chính xác. Thời điểm lúa chín cũng lúc mùa săn chuột bắt đầu, bởi thế nơi nào lúa đang chín, nơi nào đang trỗ bông cánh thợ săn đều nắm rõ như trong lòng bàn tay. Tuy vất vả nhưng họ có việc từ tháng 6 âm lịch tới tận gần Tết.
Sau chút ít thời gian giải lao, chúng tôi di chuyển tầm 2 cây số tới một cánh đồng khác. Lúc này, địa điểm bắt chuột là máng nước khá dài. Sau tiếng hét: “Quay lại đi, nó chạy về phía đấy, đừng để nó thoát!”, ngay lập tức ông Đoàn chạy như bay dưới lòng máng, sượt qua lưỡi cuốc sáng loáng vừa bị vứt chỏng chơ. Ông Đoàn dừng lại, nhanh như cắt lao nhanh xuống nước, lôi lên một con chuột béo mẫm, lông còn ướt sũng. Lúc này, tôi đã thấm mệt nên không còn háo hức như trước mà chỉ ngồi xem.
Việc thui chuột rất quan trọng vì nó ảnh hưởng tới chất lượng thịt
Tới 1 giờ chiều, dù còn tiếc nuối nhưng phải mang chuột về làm thịt để kịp giao cho khách nên chúng tôi chạy xe theo đường tắt ra quốc lộ 5. Về đến nhà ông Liên, tôi đã thấy có mấy vị khách chờ sẵn. Trong khi anh em ông Liên ăn vội bát cơm, bà vợ đổ chuột ra một chiếc nồi gang, trên đậy một chiếc xảo có chèn gạch, nước được pha theo tỷ lệ 1 sôi, 2 lạnh dội xuống. Khi những con chuột không còn nhúc nhích, họ đem đi vặt lông sau đó đem thui. Việc thui chuột ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thịt, theo ông Liên có “ăn nhau” hay không chính là ở khâu này. Người thui chuột cần phải biết cách “lái nhiệt” sao cho vừa tầm, nếu quá lửa, chuột sẽ bị cháy đen, nứt da, xấu mã, nhưng nếu lửa chưa tới thì chuột không vàng đều. Chuột thui khéo phải vàng đều, lớp da căng bóng như được phết mỡ. Những vị khách tranh nhau chọn lựa, chỉ loáng một cái số chuột đã hết veo. Tất cả được 10 kg, giá bán từ 120 - 130 nghìn đồng/kg. Trong lúc làm thịt chuột, điện thoại của ông Liên đổ chuông liên hồi. Đó là những vị khách gọi đến để "đặt" mua chuột, ông Liên cũng không dám hứa trước bởi được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào từng hôm. Hôm đó, ngoài chuột, ông Liên còn bán con rắn hổ mang trâu dài tầm 1,8 m, nặng 1 kg và khoảng 2-3 kg rắn ráo mà ông bắt được từ hôm trước, tính ra thu được hơn 2 triệu đồng.
Sau một ngày đi săn chuột mệt nhoài, tôi được ông Liên mời ở lại dùng cơm. Món thịt chuột quay và nấu giả cầy được bày ra. Giống như nhiều người, tôi khá e dè trước món ăn này. Nhờ những lời “quảng cáo” của ông Liên, không cưỡng lại được mùi thơm đang tỏa ra, tôi nếm thử một miếng. Không giống như suy nghĩ ban đầu của tôi, lớp da chuột quay giòn tan, vị đằm, ngọt của thịt xen lẫn vị cay cay của ớt đọng lại nơi đầu lưỡi. Tất cả những dư vị ấy khiến bao nhiêu mệt mỏi trong tôi tan biến và tôi đã hiểu vì sao thịt chuột nơi đây được coi là đặc sản.
Hiện nay, xã Cổ Dũng có 5-6 thợ săn chuột đồng chuyên nghiệp. Trung bình, xã cung cấp ra thị trường 70-80 kg thịt chuột/ngày. Vào thời điểm chính vụ, xã có thêm 40 thợ săn nên lượng thịt chuột bán ra khoảng 2-2,5 tạ/ngày. Thịt chuột thường được bày bán ở chợ trung tâm của xã và 3 điểm nhỏ ở thôn Ðông, thôn Giữa và thôn Bắc. Trong y học cổ truyền, chuột được gọi là lão thử. Thịt chuột đồng có vị ngọt, chát, tính hơi ấm, có tác dụng mạnh khí, liền xương cốt. Thịt chuột đồng chứa các chất lippid, canxi, carbon hydrat, photpho và một số vitamin khác. Trong dân gian, thịt chuột đồng là món ăn dễ kiếm, dễ chế biến và dân dã. Chuột có thể chế biến thành nhiều món, nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là món giả cầy và món quay.
|
HUYỀN TRANG