Con dao hai lưỡi
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 21:50, 26/10/2014
Những năm gần đây, việc nông dân quá lạm dụng phân bón hóa học để nâng cao năng suất cây trồng đã để lại nhiều hệ lụy.
Nông dân bón thừa đạm vừa ảnh hưởng đến đất đai vừa gây lãng phí
Lãng phí
Để trồng 1 sào cải bắp, chị Tăng Thị Miên ở thôn Cầu Lâm, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) bón khoảng 12 kg phân đạm, 5 kg ka-li, 25 kg phân tổng hợp (NPK), không bón thêm phân hữu cơ. Chị Miên cho biết: "Nông dân ở đây chủ yếu học nhau cách bón phân chứ chưa có nhà khoa học nào đến đây hướng dẫn cách bón hợp lý, hiệu quả. Mấy ruộng cạnh đây, nhà nào cũng bón với lượng phân như vậy".
Chúng tôi đem thông tin về lượng phân hóa học mà chị Miên đã bón cho 1 sào cải bắp trao đổi với ông Vũ Đình Phiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, ông Phiên khẳng định bón như vậy là thừa và không cân đối. Nông dân đã bón quá thừa đạm. Phân đạm sẽ giúp cây phát triển nhanh, xanh lá nhưng bón quá nhiều như vậy khiến cây không thể hấp thu hết. Lượng phân bón còn lại hoặc bị rửa trôi hoặc tồn dư trong đất khiến đất bị chai cứng, bạc màu.
"Nhiều năm trước, nông dân Đức Chính không những phải tốn tiền do bón phân đạm thừa mà còn phải mất công đi phát lá cà rốt. Nếu không phát lá, cà rốt quá tốt sẽ cho năng suất thấp". |
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Gia Xuyên (Gia Lộc) cho biết, cũng như thuốc BVTV, hiện nay đa phần nông dân chưa sử dụng phân bón theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng loại, đúng lượng, đúng cách và đúng lúc). Lượng phân hóa học nông dân sử dụng thường nhiều hơn các cơ quan chức năng khuyến cáo và gấp nhiều lần lượng phân hữu cơ cần thiết có thể bón cho cây trồng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, mỗi năm nông dân tỉnh ta sử dụng gần 200 nghìn tấn phân bón, đa phần là phân bón hóa học. Các loại phân phổ biến được nông dân dùng nhiều gồm: đạm, lân, ka-li, NPK... Bón phân hóa học có ưu điểm tốn ít công, cây trồng tốt lên trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sử dụng phân bón hóa học không đúng cách, nhất là quá liều lượng không chỉ gây lãng phí lớn mà về lâu dài ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, khó phát triển nông nghiệp bền vững.
Hậu quả rõ ràng
Đến nay, người trồng ổi Thanh Hà vẫn chưa hết lo bởi tiếp tục có một số cây ổi bị chết rũ khi đang vào giai đoạn cho thu hoạch. Nguyên nhân trực tiếp là do tuyến trùng và nấm hại rễ. Nguyên nhân sâu xa do nông dân Thanh Hà bón phân không cân đối, bón quá nhiều phân vô cơ trong khi lượng phân hữu cơ bổ sung hằng năm vào đất không nhiều. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhị, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: "Những năm gần đây do cây ổi đem lại giá trị kinh tế cao, nông dân nóng vội muốn cây ổi phát triển nhanh nên chủ yếu sử dụng phân hóa học để chăm bón mà chưa chú ý đến bón phân hữu cơ, phân trung lượng. Đất bón nhiều phân hóa học không tơi xốp, dễ bị chua, không thuận lợi cho những vi sinh vật có lợi phát triển. Ngược lại, độ chua trong đất lớn lại là điều kiện thuận lợi cho tuyến trùng hại rễ phát triển, gây hại mạnh".
Cũng như ở Thanh Hà, nhiều diện tích cà rốt ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đang bị chết ở giai đoạn cây non do bệnh thắt gốc và tuyến trùng gây hại. "Chuyện nông dân Đức Chính lạm dụng phân bón hóa học, nhất là sử dụng phân đạm quá lượng không còn là chuyện lạ. Nhiều năm trước, nông dân Đức Chính không những phải tốn tiền do bón phân đạm thừa mà còn phải mất công đi phát lá cà rốt. Nếu không phát lá, cà rốt quá tốt sẽ cho năng suất thấp", ông Vũ Đình Phiên cho biết.
Những ruộng lúa bị đổ do cơn bão số 3 vừa qua phần nhiều ở những chân ruộng nông dân bón thừa đạm. Ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) cho biết: "Đi thăm đồng thấy lúa vàng, xấu nên tôi mua thêm 3 cân đạm về bón, không ngờ đến khi vào hạt lúa tốt quá, không cứng cây nên bị đổ rạp. Sau khi lúa đổ, rầy nâu gây hại nặng phải gặt chạy rầy, năng suất lúa vì thế chỉ đạt hơn 1 tạ/sào".
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không thể phủ nhận vai trò của phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ phân bón này mà năng suất lúa cũng như rau màu ở tỉnh ta những năm qua tăng mạnh. Tuy nhiên, quá lạm dụng phân hóa học, bón phân không cân đối cũng đã gây ra những hậu quả rõ ràng. Hơn nữa, việc quay vòng cây trồng quá nhiều trong năm khiến cho đất không có thời gian “nghỉ ngơi”, mất cân bằng dinh dưỡng… Đây cũng là nguyên nhân khiến sâu bệnh hại cây trồng ngày càng gia tăng.
Theo nghiên cứu mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cây trồng chỉ có thể hấp thu được khoảng 50% lượng phân cung cấp. 50% còn lại mất đi theo những con đường khác nhau như: rửa trôi, bay hơi, ngấm sâu... Nếu bón quá nhiều, cây hấp thu không hết, lượng phân còn lại sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất và nước. Nhu cầu tiêu thụ phân bón hóa học của nông dân quá mức cần thiết cũng đã làm giá phân bón ngày càng tăng. Đồng nghĩa với đó là số tiền lãi thu được từ sản xuất nông sản của bà con bị giảm. Hiện nay, giá phân bón đã tăng gấp từ 3-4 lần so với 5 năm trước. |
HẢI MINH